• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Xuân năm 1941, Cao Bằng đón Bác Hồ trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 15/04/2024 20:49

      Với khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc khi mới 21 tuổi. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, để rồi tìm thấy chân lý của thời đại: Chủ nghĩa Mác - Lênin.
     Tìm được con đường cứu nước, mong mỏi ngày được trở về nước để “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập” (1)… luôn là khát khao cháy bỏng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Tháng 9-1938, được sự chấp thuận của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Diên An (Trung Quốc), tìm cơ hội trở về nước hoạt động. Đầu năm 1940, với các bí danh “Hồ Quang”, “ông Trần”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) để bắt liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đang hoạt động tại đây, nhằm chuẩn bị điều kiện về nước.
     Lúc đầu, Người dự kiến trở về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh nối với Lào Cai, nơi có nhiều gia đình công nhân người Việt Nam làm việc và sinh sống thành từng làng mà Người đã chứng kiến qua cuộc khảo sát do đồng chí Phùng Chí Kiên tháp tùng. Thế nhưng, ý định trở về nước theo hướng này không thể thực hiện được, khi cầu Hồ Kiều - chiếc cầu lớn trên tuyến đường sắt Việt - Điền nối hai nước Việt Nam - Trung Quốc bị máy bay Nhật Bản đánh sập (ngày 10-9-1940); cửa khẩu lớn giữa hai nước bị đóng lại. Cuối cùng, Người quyết định trở về theo hướng mới - Cao Bằng.
     Đầu tháng 01/1941, tại Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), Người đã gặp và chỉ thị cho đồng chí Hoàng Văn Thụ (do Trung ương lâm thời cử sang) chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (2).
     Có thể khẳng định, việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó (Cao Bằng) để xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, liên quan tới việc phát triển phong trào cách mạng của cả nước. Trước hết, Cao Bằng là tỉnh miền núi, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333km; gần Long Châu - một trong những trung tâm cách mạng của người Việt Nam ở Trung Quốc lúc bấy giờ, đồng thời rất thuận lợi cho giao thông liên lạc. Đặc biệt, địa thế Cao Bằng hiểm trở, rừng núi chiếm trên 90% diện tích, là địa bàn thực dân Pháp khó kiểm soát. Khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng, có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ.
     Từ tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi “đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” từ đó mở rộng ra toàn quốc. Người chỉ rõ: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”. Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược lớn, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cách mạng cả nước, dự báo, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai. Như vậy, Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc.
     Nhưng yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là Cao Bằng có “phong trào tốt từ trước”. Nhân dân các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết gắn bó chặt chẽ với nhau, đã từng cùng với đồng bào cả nước đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước. Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng luôn một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời vào tháng 2/1930 thì đến ngày 1/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng và cũng là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng Việt Bắc được thành lập, đó là chi bộ Nặm Lìn (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) do đồng chí Hoàng Như (tức Hoàng Văn Nọn) làm Bí thư, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của các dân tộc nơi đây dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng. Tiếp đó, tại Cao Bằng lần lượt xuất hiện các chi bộ Đảng ở Phúc Tăng, Xuân Phách (Hòa An), Minh Tâm, Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Sóc Hà (Hà Quảng), Vân Trình (Thạch An), đặc biệt là chi bộ Cốc Coóc (Quảng Uyên) giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc), nơi hoạt động của Chi bộ hải ngoại của Đảng ta. Tháng 7/1933, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng đã công nhận Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư; các Châu uỷ được thành lập ở Hoà An (1933), Hà Quảng (1935). Tiếp đó, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I (tháng 5/1935 tại Ma Cao, Trung Quốc) và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Đại hội này, đồng chí Bùi Bảo Vân được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I. Tháng 7/1935,  đồng chí Hoàng Như (Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng) được cử tham gia đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva. Thay mặt Đảng ta, đồng chí có bản tham luận về “Công tác vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng” và dự Đại hội VI Quốc tế Thanh niên. Sau Đại hội, đổng chí Hoàng Như được ở lại dự lớp học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian lưu lại Mátxcơva, đồng chí Hoàng Như đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ tận tình, đồng thời qua đồng chí Hoàng Như, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm về con người và phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Vì thế, Cao Bằng không những có điều kiện địa hình thuận lợi cho việc duy trì và phát triển phong trào cách mạng mà còn có phong trào quần chúng vững chắc.
     Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Đồng bào Pác Bó vinh dự và tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Bác trở về trong Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
     Tại Cao Bằng, sau một thời gian chuẩn bị, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám đã diễn ra tại Khuổi Nậm, làng Pác Bó (Cao Bằng), từ ngày 10/5/1941 đến 19/5/1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã giải quyết sáng tỏ về mặt lý luận mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; đã sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và phong kiến, rất phù hợp với đặc điểm của cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Hội nghị đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước và phải phục vụ cho nhiệm vụ chống đế quốc.
      Từ những phân tích về tình hình thế giới, trong nước, sự thay đổi thái độ của các giai cấp, tầng lớp và nguyện vọng của toàn thể nhân dân, Hội nghị quyết định cần phải thay đổi chiến lược, xem “nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương” (3). Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng” (4).
     Đặc biệt, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Đối với Lào và Cam-pu-chia, Hội nghị chủ trương giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Trên cơ sở ra đời của mặt trận ở mỗi nước sẽ tiến tới thành lập mặt trận chung của ba nước là Đông Dương độc lập đồng minh.
      Một vấn đề mà Hội nghị đề cập là xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân trong giai đoạn hiện tại. Nghị quyết Hội nghị ghi rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang” (5). Muốn cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi phải có đủ những điều kiện khách quan và chủ quan, phải chọn đúng thời cơ cách mạng. Hội nghị đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng nhằm chuẩn bị và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Vì vậy, Đảng phải được xây dựng vững mạnh, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, “đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng” (6).
     Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng, hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức. Các đồng chí trong hội nghị đã đề nghị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo cách mạng cả nước nhưng Người kiên quyết từ chối và đề cử đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, đồng thời bầu Ban Thường vụ gồm các đồng chí Trường Chinh, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và Hoàng Văn Thụ.
     Có thể thấy, không lâu sau khi trở về nước, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám đã hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị đã bổ sung và hoàn chỉnh chính sách mới của Đảng được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939, khẳng định dứt khoát chủ trương “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương của hội nghị là đúng đắn, sáng tạo và kịp thời. Đó cũng là sự khẳng định và phát triển, sáng tạo và hiện thực hóa tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được nêu ra trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và Cương lĩnh cách mạng do Người dự thảo được Hội nghị thành lập Đảng thông qua. Hội nghị Trung ương tám đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh, chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng và đều lấy tên là các Hội cứu quốc; quyết định khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác… Người quyết định xuất bản Báo Việt Nam độc lập; bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện cán bộ, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang tập trung; chỉ đạo xây dựng quan hệ quốc tế; chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự chuyển hướng đó đã tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng và có tính quyết định thắng lợi đối với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Để rồi sau đó 9 năm, ngày 7/5/1954, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc Việt Nam… Tất cả những dấu son lịch sử huy hoàng đó đều được bắt đầu từ mùa Xuân năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
     Sự kiện Bác Hồ trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Cuộc trở về quê hương, đất nước của Bác sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước mang nhiều ý nghĩa vô cùng to lớn. Người đã cùng với Trung ương hoàn chỉnh và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đặt cao ngọn cờ giải phóng dân tộc là trên hết, mục tiêu giải phóng dân tộc là cao nhất, đặt lợi ích của nhân dân, của giai cấp là cao nhất. Bác về nước cùng với Trung ương Đảng thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc kỳ, Trung kỳ cho tới Nam kỳ. Cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương cho tới các Xứ ủy, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, tập hợp lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng. Đối với quốc tế, quyết định của Bác khi trở nước là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít. Cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng Tháng Tám. 
     Nhìn lại sự kiện Bác về nước vào mùa xuân năm 1941 cốt lõi nhất là để giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc và tới Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt ra mục tiêu cao nhất là đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc để đưa đất nước phát triển hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Việc Đảng ta tiếp tục giữ vững con đường cách mạng và mục tiêu cao nhất là xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh được xem như là một gạch nối quan trọng với sự kiện và mong muốn của Bác Hồ khi Người trở về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
     Vinh dự và tự hào là “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, là quê hương thứ hai của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn luôn phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của Người, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng Cao Bằng trở thành "một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội" như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.
.............................................
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 209
(2) Theo sử liệu, cột mốc 108 được dựng theo Hiệp ước Pháp - Thanh cuối thế kỷ XIX. Đây là một trong 314 cột mốc dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thời điểm ấy. Cột mốc 108 là một phiến đá hình chữ nhật cao khoảng 1m, bề ngang chừng 8 tấc. Ngày nay, thời gian đã bào mòn các mặt đá trở nên nhẵn nhụi. Bên cạnh cột mốc 108 bây giờ là cột mốc quốc giới số 675
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 118 - 119
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđdt, tr. 119
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđdt, tr. 129
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđdt, tr. 136   
ThS. Bế Dũng
Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.