• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Thứ hai - 15/04/2024 16:47

     Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
     Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhiều nghị quyết, chỉ thị đã được ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định quan điểm: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với phát triển nông nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản ở cả trong nước và ngoài nước”[1]. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
     Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Hội tham gia tích cực phong trào và đạt được nhiều thành tích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức triển khai thực hiện. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững một trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989; đến nay đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân. Để phát huy hiệu quả của phong trào, ngày 04/7/2016, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 29 -NQ/HNDTW về nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua đó nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước.
     Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ngày 09/12/2015 UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 2334 về việc Quy định nội dung phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, sự tạo điều kiện, hỗ trợ của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà khoa học Hội Nông dân tỉnh với vai trò là trung tâm, nòng cốt trong thực hiện các phòng trào ở nông thôn đã tổ chức, triển khai thực hiện tới cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.
      Các cấp Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh (toàn tỉnh hiện có 93.836 hội viên nông dân)[2] tham gia vào tổ chức Hội, đã khẳng định được ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 cán bộ, hội viên, nông dân đã đoàn kết, năng động, sáng tạo; nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Hằng năm, các cấp Hội tuyên truyền, vận động trên 21.000 lượt hộ đăng ký, có trên 12.000 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi,  số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm đều đạt chỉ tiêu giao. Tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2019 và giai đoạn 2019 – 2021, khen thưởng 133 hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào (Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 55 hộ; Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho 78 hộ; Trung ương Hội công nhận 19 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu giai đoạn 2017-2021); 04 hội viên tham dự Hội nghị phong trào sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022 (tại Hội nghị hội viên Hoàng Thị Bướm (thị trấn Thông Nông, Hà Quảng) được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, các hội viên Đinh Văn Ròng (Vũ Minh, Nguyên Bình), Nông Hồng Sơn (thị trấn Hoà Thuận, Quảng Hoà), và Nguyễn Hồng Minh (Thành phố Cao Bằng) được Trung ương Hội tặng Bằng khen), Trung ương Hội công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” cho 07 hội viên (Hội viên Vương Hùng Nam (2018), Lý Thị Nga (2019), Hoàng Thị Bướm (2020), Nguyễn Hồng Minh (2021), Nông Thị Dung (2022); Nông Văn Nghiêm, Diều Văn Hướng (2023)[3].
     Thực hiện phong trào, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp ủng hộ, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên 2,8 tỷ đồng tiền mặt; giúp bằng cây, con giống... trị giá trên 6,5 tỷ đồng, cho mượn đất canh tác được 55 ha, cho vay không lấy lãi được 407 triệu đồng; giúp sửa chữa nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, thu hoạch mùa vụ được 39.691 công lao động qua đó đã giúp đỡ 1.031 hộ nông dân thoát nghèo. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân và các ban ngành đoàn thể đã tạo chuyển biến tích cực, nhiều hộ khó khăn vươn lên khá, giàu, đi lên từ cần cù lao động, sáng tạo, tìm tòi, học hỏi, tiết kiệm tích lũy, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, lấy ngắn nuôi dài…. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn có những hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới” nên số hộ sản xuất kinh doanh giỏi còn thấp, chưa tăng đáng kể hằng năm, việc nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời; chất lượng hoạt động tổ chức Hội ở một số nơi còn thấp; hoạt động tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tổ chức chưa được nhiều và thường xuyên; việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khăn, tiến độ thực hiện chậm; chưa có giải pháp thực hiện công tác hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Vì vậy, để thực hiện phong trào ngày càng phát triển hơn trong những năm tiếp theo cần cần thực hiện một số giải pháp:
     Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tạo động lực, ý chí, quyết tâm cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu bền vững.
     Hai là, gắn phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với phong trào xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến hội viên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động, liên kết mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn có sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.
     Ba, phát huy hiệu quả liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, giảm nghèo bền vững.
     Bốn  là, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái để phát triển phong trào.
     Năm, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, chủ động đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT… để hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. 
     Sáu, vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp Hội. Định kỳ tổ chức sơ kết giữa giai đoạn và tổng kết giai đoạn nhằm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào.
     Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã có tác động mạnh mẽ, khuyến khích, động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn huy động các nguồn lực, vốn đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất phát triển mạnh và bền vững; nâng đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội xây dựng quê hương cách mạng Cao Bằng ngày càng giàu mạnh.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[2] Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng: Báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
[3] Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng: Báo cáo kết quả Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
ThS. Triệu Văn Lượng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.