• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay

Thứ hai - 15/04/2024 16:23

     Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng; ngọn đuốc dẫn đường, chỉ lối đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cùng với những quan điểm khác của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng to lớn, trực tiếp đến cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh mới hiện nay, những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng nhằm tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
     C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản dựa trên nền đại công nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường tự do cạnh tranh. Theo đó, nền đại công nghiệp do đã tạo nên thị trường thế giới liên kết các dân tộc trên thế giới lại với nhau, nhất là các dân tộc văn minh, khiến cho mỗi một dân tộc đều phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở dân tộc khác. Hơn nữa, chính nền đại công nghiệp đã khiến cho cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp tư sản và giai cấp vô sản trở thành hai giai cấp đối lập và trở thành cuộc đấu tranh chủ yếu của thời đại. Vì vậy, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa tất yếu nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn tồn tại trong xã hội; diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc căn bản vào trình độ phát triển của nền công nghiệp. Như vậy, tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở hoàn toàn khách quan, bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trước thực tiễn phát triển của nước Nga, C.Mác và Ph.Ăngghen đã có điều chỉnh quan điểm về khả năng thắng lợi chủ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước phát triển tầm trung bình và thấp. Tức, cuộc cách mạng vô sản có khả năng thắng lợi không những ở các nước phát triển hàng đầu của chủ nghĩa tư bản mà cả ở các nước kém phát triển hơn.
     Trong bối cảnh thế giới cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi chủ nghĩa tư bản trở thành chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản đế quốc, quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản thể hiện rõ rệt, V.I.Lênin đã phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác qua lý luận về khả năng nổ ra và thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước tư bản riêng biệt, ở tại các nước là khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí, cuộc cách mạng vô sản có thể nổ ra tại các nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa thông qua thời kỳ quá độ với một loạt các bước quá độ nhỏ sau khi cách mạng thắng lợi. Hơn nữa, V.I.Lênin nhấn mạnh, để thực hiện thành công cách mạng xã hội chủ nghĩa cần phải nắm chắc thời cơ và tính đặc thù của mỗi dân tộc: “Từ chủ nghĩa đế quốc ngày nay chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày mai, nhân loại cũng sẽ trải qua những con đường có muôn màu muôn vẻ như thế. Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”[1].
     Có thể khẳng định, các nhà kinh điển Mác - Lênin đã luận giải khoa học về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chỉ ra tính quy luật chung cũng như tính đặc thù của con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong từng điều kiện lịch sử cụ thể ở từng quốc gia dân tộc. Dựa trên tính phổ biến, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt căn cứ vào tính đặc thù của cách mạng Việt Nam, lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, không ngừng bổ sung và phát triển trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
     Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng ta đã xác định rõ ràng và dứt khoát con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa. Nhất quán với con đường Đảng và dân tộc đã lựa chọn, tại Đại hội VI của Đảng (1986) mở ra đường lối đổi mới đất nước mà khởi nguồn là đổi mới tư duy, đổi mới quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta khẳng định từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài, là một tất yếu khách quan; thời kỳ quá độ ở nước ta do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên càng phải lâu dài và khó khăn hơn. Tại Đại hội lần thứ VII (1991), Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên phác thảo ra mô hình 6 đặc trưng và con đường với 7 phương hướng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng kết 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, tại Đại hội lần thứ XI (2011) Đảng ta có những nhận thức, bổ sung mới về mô hình, mục tiêu, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, Đảng ta đã bổ sung đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ 6 đặc trưng thành 8 đặc trưng. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Đảng ta chỉ rõ 8 phương hướng cơ bản và 8 mối quan hệ lớn cần chú trọng giải quyết. Đến Đại hội XII, Đảng ta có sự điều chỉnh mối quan hệ và bổ sung thêm mối quan hệ thành 9 mối quan hệ. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có những nhận thức, bổ sung mới các mối quan hệ lớn với 10 mối quan hệ.
     Nhận thức đúng điều đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã kịp thời đề đưa ra đường lối đúng đắn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Những kết quả cách mạng Việt Nam đạt được qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước là hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không ngừng cải thiện đời sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân. “Mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”[2].
     Trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), nhiều vấn đề được tổng kết để nhận thức rõ hơn và giải quyết những yêu cầu bức thiết do thực tiễn đặt ra, Đảng ta luôn kiên định với con đường đã chọn, có những nhận thức ngày càng đầy đủ, rõ nét hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó thể hiện qua định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”[3]. Để cụ thể hóa định hướng đó, Đảng ta đã xác định mục tiêu cụ thể cho sự phát triển đất nước trong từng mốc lịch sử quan trọng: Một là, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp[4]. Hai là, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao[5]. Ba là, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao[6]. Với nhận thức đó vừa là sự cụ thể hóa định hướng phát triển đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI, đồng thời thể hiện sự nhất quán trong tư duy và hành động của Đảng với đường lối xây dựng, phát triển đất nước ta trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
     Tóm lại, những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa giá trị cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong xu thế phát triển của thời đại hiện nay, trong đó có Việt Nam. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà cách mạng Việt Nam đạt được đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo và bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nói riêng. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để hiện thực hóa con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
 
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 30, tr.60.
[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2022, tr. 31.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021 t.II, tr.328.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t. I, tr. 112 - 113.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t. I, tr. 114 - 115.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t. I, tr. 35 - 36.
ThS. Đàm Thị Toán
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.