• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai - 15/04/2024 16:35

     Hạ Lang là một huyện nằm ở phía Đông cách thành phố Cao Bằng khoảng 70 km; phía Tây giáp huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa, các phía còn lại giáp Trung Quốc với đường biên giới dài khoảng 72 km. Huyện có 13 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 12 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025), diện tích toàn huyện 463,35 km2, dân số năm 25.439 người, mật độ dân số đạt 56 người/km², dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống, trong đó người Tày, Nùng chiếm khoảng 95% cư trú xen kẽ bên nhau thành làng, bản, khu dân cư, tạo nên một bức tranh đa dạng, thống nhất về văn hóa đặc sắc giữa các dân tộc cũng như từng dân tộc riêng biệt. Tuy nhiên, là huyện vùng sâu vùng xa, địa hình phức tạp chia cắt mạnh, núi cao hiểm trở; xuất phát từ nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, thiếu đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất chủ yếu thuần nông, sản phẩm làm ra gặp khó khăn trong tiêu thụ, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa. Trình độ nhận thức chưa đồng đều nên đời sống bà con vẫn còn tồn tại hủ tục lạc hậu. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, kinh tế duy trì phát triển khá, văn hóa xã hội tiếp tục được phát huy, đời sống tinh thần vật chất của nhân dân từng bước được cải thiện.
     Đặc biệt, với tổng số 97 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó 83 đảng viên), huyện đã phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền vận động, huy động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bền vững, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình; bảo vệ biên cương, bảo vệ đường biên mốc giới tại địa phương ...
     Trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thông qua đội ngũ người có uy tín trong dân cư đã góp phần vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn trên 2300m2, làm đường bê tông trong xóm trên 4650m; tuyên truyền nhân dân tham gia hỗ trợ ngày công lao động trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với 2350 ngày công; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ cho nhân dân được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình, dự án… tạo cầu nối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả các khâu sản xuất,  chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản của bà con nhân dân như cây vừng đen, đỗ tương, đỗ xanh, cây sắn… để tăng nguồn thu nhập cho nhân dân.
     Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, lực lượng công an, biên phòng đã trực tiếp vận động, tranh thủ người có uy tín tuyên truyền vận động nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện phong trào. Người uy tín đã tích cực tham gia, vận động người dân trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiều mô hình thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc “Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng, khu vực biên giới”, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ đường biên, mốc giới, chấp hành các văn bản pháp luật như: Luật Biên giới Quốc gia, 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, văn bản pháp lý quy định của địa phương liên quan đến công tác quản lý biên giới. Tổ chức vận động quần chúng nhân dân tham gia cùng Đồn Biên phòng tuần tra bảo vệ và phát quang đường biên, mốc giới, đường thông tầm nhìn đoạn mốc đường biên với  hơn 2400 lượt người tham gia và nhận biết hệ thống đường biên, mốc giới được 04 lần với 1500 lượt người tham gia; hoặc “Quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật”, “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc”... Ngoài ra, đội ngũ người có uy tín còn tham gia đấu tranh loại bỏ những hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, trái với thuần phong, mỹ tục; bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục trong đời sống văn hóa của người dân, chủ động bám sát tình hình địa phương, cơ sở, kịp thời nắm, phản ánh và cung cấp được nhiều nguồn tin có giá trị, giúp cấp ủy cơ sở và các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh, nhất là những vấn đề tác động tiêu cực đến đời sống trong cộng đồng dân cư.
     Có được các kết quả trên, huyện đã phát huy tốt vai trò đội ngũ người có uy tín trên địa bàn, thường xuyên tổ chức các hội nghị nhằm bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín hiểu và nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những chủ trương của địa phương, các kỹ năng tuyên truyền, vận động.
     Tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp một số khó khăn nhất định: Đa số người uy tín trong toàn huyện đều là người có tuổi trung bình khá cao (từ 50 - 60 tuổi có 27 người, chiếm 26,8%; từ 60 - 70 tuổi có 35 người chiếm 36%; trên 70 tuổi có 5 người chiếm 5,15%) vì vậy việc tiếp cận công nghệ thông tin còn khó khăn trong công tác triển khai các văn bản tới người dân; số lượt tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa nhiều, chưa kịp thời.
     Trong thời gian tới để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cần có các giải pháp như sau:
     Một là, tiếp tục thực hiện tổ chức tốt công tác thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quán triệt, đẩy mạnh triển khai việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
     Hai là, tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia các hội nghị bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động; tham gia các buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm của người có uy tín tại các địa phương; thường xuyên được cung cấp tin tức, sự kiện thời sự, nhất là về chính sách mới về công tác dân tộc nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cho người có uy tín.
     Ba là, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
   Bốn là, cần có cơ chế, các chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút người uy tín ổn định, lâu dài, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
     Năm là, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế để từng bước giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng; nhân dân phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, tuyên truyền vận động giáo dục con em học tập nếp sống văn minh tiến bộ.
     Như vậy có thể khẳng định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hạ Lang luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong giai đoạn hiện nay nhằm đạt được các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
ThS. Đinh Thị Thuý Hường
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.