• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Cao Bằng đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 15/04/2024 20:44

     Phát triển du lịch nông thôn là một trong giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025). Qua đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
     Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống và ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản...Ngoài ra du lịch nông thôn góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.

     Hiện nay, du lịch nông thôn ở Cao Bằng có 3 loại hình cơ bản: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng - trải nghiệm làng nghề, du lịch canh nông - trải nghiệm sản xuất nông nghiệp. Trong đó thì loại hình du lịch cộng đồng - trải nghiệm làng nghề đang được tỉnh Cao Bằng chú trọng phát triển nhất. Mục tiêu hướng tới của tỉnh Cao Bằng về đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh được sâu rộng, khuyến khích người dân tham gia bảo tổn, giữ gìn và phát huy thế mạnh theo tinh thần chỉ đạo xây dựng du lịch Cao Bằng trở thành thương hiệu du lịch miền núi cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Thời gian qua tỉnh Cao Bằng đã chú trọng phát triển tuyến điểm và loại hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp và ẩm thực truyền thống và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 18 mô hình du lịch nông thôn đang hoạt động, trong đó, 07 điểm du lịch cộng đồng đang khai thác (10 điểm du lịch tiềm năng và đang có một số hoạt động du lịch), 11 mô hình du lịch nông thôn khác.

Du khách trải nghiệm tại làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng (Nguồn ảnh: caobanggeopark.com)
     Hiện nay tỉnh Cao Bằng có 8/18 điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá; 30% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; có khoảng 15% trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý văn hóa - xã hội tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, bồi dưỡng nghề, kỹ năng phục vụ du lịch.
     Tuy nhiên, du lịch nông thôn tại tỉnh Cao Bằng hiện nay vẫn còn một số những khó khăn nhất định cụ thể như: Hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa phong phú, đa dạng, phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu; các nội dung về nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn còn có những khó khăn về các chính sách hỗ trợ, thủ tục hành chính, chính sách cải tạo, chính sách đất đai trong du lịch công đồng; thiếu quy hoạch đồng bộ xây dựng không gian điểm du lịch nông nghiệp dẫn....[1]
     Để du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025. Trong đó tập trung các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống biển, bảng thuyết minh, chỉ dẫn; bảo tồn bản sắc văn hóa, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường; xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh tại các điểm du lịch cộng đồng; đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ tại các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng và hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch...
     Từ thực tế trên cho thấy du lịch nông thôn đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tuy nhiên trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hơn nữa cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:
     Thứ nhất, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn bền vững, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội về xây dựng nông thôn mới, phổ biến các cơ chế, chính sách của các Chương trình, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, được bàn bạc, thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao.
     Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự toán đầu tư du lịch; hỗ trợ công tác giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất... tháo gỡ vướng mắc, thực hiện dự án du lịch cộng đồng.
     Thứ ba, chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch về không gian du lịch, trong đó chú ý phát triển điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng. Khai thác có hiệu quả các khu vực có khả năng phát triển du lịch công đồng đặc trưng từng thôn, bản, địa phương trên cơ sở liên kết chuỗi du lịch. Cụ thể đồng bộ hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn, vận hành hệ thống, công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời cần đánh giá và xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hạ tầng du lịch, khôi phục văn hóa từ nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.... Tiếp tục đề xuất tạo thêm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng gắn với Chương trình nông thôn mới như nhà vệ sinh đạt chuẩn, cáp thoát nước sinh hoạt và nước thải, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn và trưng bày cung cấp thông tin du lịch, điểm dừng chân.
     Trong giai đoạn hiện nay tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn cùng gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình này sẽ góp phần giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, duy trì phát triển các ngành nghề nông thôn tại địa phương bằng các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với các giải pháp cụ thể được thực hiện sẽ phần đưa phát triển du lịch nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú và thu hút du khách trong và ngoài nước tới tỉnh Cao Bằng tham quan và trải nghiệm.


[1] Báo cáo số 137/BC-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc giá xây dựng nông thôn mới năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024
ThS. Hoàng Ngọc Mai
   Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật      

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.