• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Thứ hai - 15/04/2024 16:54

     Là giảng viên công tác tại trường chính trị tỉnh, nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi vì thông qua hoạt động này, không những sẽ giúp cho người giảng viên làm tốt trách nhiệm của một công dân đối với Nhà nước và xã hội, mà còn giúp cho người giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
     Theo quan điểm của V.I. Lênin, pháp chế xã hội chủ nghĩa được hiểu là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị- xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân viên nhà nước và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của tập thể, của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
     Kỷ cương được hiểu là phép tắc làm nên trật tự của một xã hội, tính kỷ cương sẽ góp phần là nên sự ổn định và phát triển của đời sống xã hội.
     Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện hết sức sâu sắc tư tưởng xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm được việc thực thi quyền lực của nhân dân, dùng pháp chế xã hội chủ nghĩa để xây dựng một xã hội phồn vinh, tiến bộ, văn minh. Thông qua các bài viết, bài phát biểu của Người về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng pháp luật trên tư cách là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
     Tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội thể hiện cụ thể các nội dung như: Đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội, pháp luật là công cụ cần thiết để giữ gìn quyền lợi của nhân dân, mọi chủ thể phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
     Trường chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng là nơi đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở địa phương. Đội ngũ giảng viên có 29 đồng chí (giảng viên chuyên trách có 18 đồng chí, giảng viên kiêm nhiệm có 11 đồng chí). Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ: 01 đồng chí; Thạc sỹ: 27 đồng chí; cử nhân: 05 đồng chí; trung cấp: 01 đồng chí; đào tạo nghề: 02 đồng chí. Giảng viên chính: 19 đồng chí; giảng viên 10 đồng chí. Trình độ Cao cấp lý luận chính trị: 25 đồng chí.
     Đội ngũ giảng viên Nhà trường luôn có tư tưởng lập trường chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng ủy Nhà trường, sự quản lý của Ban Giám hiệu Nhà trường. Mỗi giảng viên đều xác định được vị trí trách nhiệm công tác của mình, từ đó có sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân. Có tinh thần, thái độ gương mẫu đối với học viên và những người xung quanh. Nhiều đồng chí đã đạt được thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hiện nội quy, quy chế đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong tình hình mới.
     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ giảng viên Nhà trường còn một số hạn chế: Còn có tình trạng thực hiện nội quy, quy chế Nhà trường chưa đầy đủ, đi muộn về sớm, chưa dành hết trời gian trong giờ hành chính để nghiên cứu tài liệu phục vụ công tác chuyên môn, chất lượng giảng dạy một số bài chưa cao, việc cập nhật tình hình thực tiễn địa phương và trong nước vào giảng dạy chưa kịp thời, hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn còn nặng hình thức; kết quả nghiên cứu chưa được áp dụng; chất lượng bài viết còn thấp, nội dung chưa đa dạng, phong phú. Số lượng các bài viết trực tiếp đấu tranh phản bác các ý kiến phủ nhận, đả phá của các thế lực thù địch đối với Đảng và Nhà nước chưa nhiều và chưa quyết liệt.
     Xuất phát từ thực tế trên, tôi xin nêu một số suy nghĩ về trách nhiệm của người giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội như sau:
     Thứ nhất, tiếp tục chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, trật tự an toàn xã hội… Trong từng hoàn cảnh cụ thể, không những cần tự mình thực hiện nghiêm chỉnh mà còn có ý thức động viên người thân trong gia đình, quần chúng nhân dân, học viên chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Có ý thức và bản lĩnh phản bác các ý kiến phủ nhận, đả phá của các thế lực thù địch đối với Đảng và Nhà nước. Đối với các quy định về trường chính trị, công tác lý luận chính trị, các quy định, quy chế, người giảng viên cũng phải thực hiện đúng và đầy đủ. Soạn bài, giảng bài, chấm bài, thực hiện công tác đi thực tế, nghiên cứu khoa học, thực hiện giờ giấc, chấp hành sự phân công của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và lãnh đạo khoa, phòng. Nói, viết và làm theo đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật.
     Thứ hai, luôn có ý thức tự nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chung về chế độ công vụ đã được quy định trong Luật Viên chức, luôn luôn xác định phải trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo để trong khi viết, khi nói, khi làm đều thể hiện niềm tin tưởng, tự hào về Đảng, Nhà nước. Luôn học tập, bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ bằng cách tự sưu tầm tài liệu, tự nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp, dự các lớp tập huấn với tinh thần cầu thị, đề nghị với Ban Giám hiệu tham gia học tập, bồi dưỡng các loại hình lớp học, tập huấn không ngừng nâng cao kiền thức chuyên môn phục vụ cho công tác giảng dạy. Rèn luyện tính trung thực, thẳng thắn, đoàn kết, tương thân, tương ái, luôn có chí tiến thủ, luôn tự phê bình và phê bình, không thành kiến, không giấu khuyết điểm, từ đó, chất lượng công việc được nâng cao, tình đoàn kết đồng chí, anh em được thắt chặt. Với nhiệm vụ soạn bài, giảng bài, chấm bài và các nhiệm vụ khác, không chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm với một tinh thần tự giác. Không sa hoa, hoang phí, sử dụng tài sản của Nhà trường hợp lý, đúng đắn. Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với học viên và những người xung quanh phải vô tư, công tâm, khách quan, không vì thân quen, tình riêng. Cần rèn luyện tinh thần, trách nhiệm cao với công việc. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Ban Giám hiệu và lãnh đạo khoa, phòng giao, không suy bì, cần cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác chủ nhiệm hoặc trong công tác đứng lớp, phải có mối liên hệ chặt chẽ với học viên, chia sẻ, cảm thông, lắng nghe ý kiến của học viên, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ học viên trong điều kiện có thể.
     Thứ ba, thực hiện đúng, đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao, đúng nội dung công việc, đúng đối tượng, đúng mục đích yêu cầu, đúng thời gian quy định trong công tác soạn bài, thực hiện giờ trên lớp, chấm bài, thực hiện giờ nghiên cứu khoa học, viết các bài báo cáo nghiên cứu khoa học theo kế hoạch...
     Thứ tư, tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ như kỷ luật giờ giấc, kỷ luật tác phong, kỷ luật phát ngôn, kỷ luật về tinh thần, thái độ công tác, kỷ luật về bảo vệ tài sản công... Không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao; không đi muộn, về sớm, không lề mề, chậm chạp, không ứng xử những hành vi phản giáo dục, không làm những việc trái lương tâm, đạo đức, trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng quần chúng, đồng nghiệp, học viên và người xung quanh, thực hiện nhiệm vụ hết trách nhiệm và khả năng..
     Thứ năm, tập trung nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo để giải quyết dứt điểm công việc, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các công tác khác được phân công.
     Thứ sáu, có trách nhiệm nói lên quan điểm, chính kiến của mình đối với các nội dung công việc của Nhà trường như xây dựng chương trình kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch, các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ giảng viên, công tác khen thưởng, kỷ luật cán bộ...
     Trên đây là một số suy nghĩ của cá nhân về trách nhiệm của người giảng viên đang công tác tại trường chính trị tỉnh trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Người giảng viên học tập và làm tốt những nội dung đã nói ở trên sẽ góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
ThS. Chu Văn Thắng
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.