• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng hiện nay

Thứ hai - 15/04/2024 16:51

     Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hoá, giàu truyền thống cách mạng, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, là nơi giao thoa và hội tụ tinh hoa văn hoá của nhiều dân tộc cùng sinh sống Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95% đã tạo nên bức tranh văn hoá đa màu sắc, hình thành kho tàng di sản phong phú. Những giá trị di sản văn hoá góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đưa Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá, đối ngoại nhất là thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan để phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
     Đến nay, Cao Bằng có trên 2000 di sản văn hoá vật thể được kiểm kê và tư liệu hoá (trong đó có 215 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh với 103 di tích được xếp hạng gồm 03 di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia; 74 di tích cấp tỉnh); 02 bảo vật quốc gia; 07 di sản văn hoá phi vật thể xếp hạng quốc gia cùng với hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong tục, tập quán, dân ca, dân vũ, dân nhạc, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ hội dân gian, các nghề thủ công truyền thống... Đây là kho tàng văn hoá truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc các dân tộc Cao Bằng.
     Nhận thức rõ những tiềm năng to lớn về giá trị di sản văn hoá của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cùng với sự vào cuộc của các đơn vị, ban ngành, đoàn thể, và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc thiểu số ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả quan trọng. Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc, hoàn thành việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động các hoạt động văn hoá thông qua lễ hội, hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc; mở các lớp bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc... Từ đó, các tầng lớp nhân dân đã nêu cao ý thức giữ gìn nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
     Năm 2023, tỉnh chú trọng, nâng cao hoạt động lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống như tổ chức lễ hội văn hoá đặc sắc mang đậm chất dân gian truyền thống (Lễ Nàng Hai, Lễ hội Tranh đầu pháo ở Quảng Hoà, Ngày hội Văn hóa dân tộc, chọi bò Xuân, lễ hội “lồng tồng” cùng các trò chơi dân gian kéo co, tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy...) và các lễ hội mới như Lễ hội Thác Bản giốc ở Trùng Khánh, Lễ hội về nguồn ở Pác Bó, Hà Quảng; Lễ hội đồi cỏ Ba Quáng ở Hạ Lang... gắn với nếp sống văn minh và thu hút du khách, phát triển kinh tế; tổ chức nghiên cứu sưu tầm các làn điệu dân ca Hát then, Lượn, Pựt Lằn, Dá Hai, Phong Slư, Sli Giang... Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cao Bằng”; Hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc, Tuần Văn hoá, Thể thao, Du lịch năm 2023; tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trang trí hoa văn và kỹ thuật in sáp ong trên trang phục của người Mông Hoa (Hoà An); tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành nghiên cứu lập hồ sơ và được xếp hàng 03 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia: Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của Người Tày xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm; Tri thức dân gian Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình; Nghề thủ công truyền thống Dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng; có thêm 05 di tích được xếp hạng (Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành xe máy quân đội xã Bạch Đằng, huyện Hoà An được xếp hạng di tích cấp quốc gia; 04 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: Di tích Đền Pú Luông – Giả Cải, xóm 1 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An; Đền Nùng Trí Cao, xóm Bản Hà, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng; Hang Ngườm Gảng, xóm Bản Bó, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng; Địa điểm lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hoà). Các hoạt động trên làm tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương và con người Cao Bằng đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, cả năm 2023, toàn tỉnh đón tiếp khoảng 1,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 72% so với năm 2022, và bằng 112% kế hoạch năm với tổng doanh thu 1.334 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2022, du lịch phát triển đã thúc đẩy thương mại – dịch vụ, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân.
     Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, người dân đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số chưa đầy đủ. Một số lễ hội, lễ nghi phục dựng lại gặp nhiều khó khăn, không gian tổ chức cũng có sự thay đổi do quá trình đô thị hóa... Việc phát huy giá trị của di sản, trong đó có việc cưới, việc tang, lễ hội có biểu hiện lệch lạc và bị lợi dụng để “thương mại hóa”, biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. Các yếu tố truyền thống trong đời sống sinh hoạt như trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ bị mất dần, xen vào đó những yếu tố đã được cải biên, chưa phù hợp; một số di sản văn hóa dân tộc như: nếp sống sinh hoạt, trang phục, ngôn ngữ,... có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Kinh phí tổ chức, tham gia các ngày hội chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn xã hội hóa; hệ thống thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Trước tình hình trên, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
     Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số.
     Hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu di sản văn hoá giữa các dân tộc và giữa các địa phương trong tỉnh; tiếp tục tổ chức các hội thi, hội diễn, chương trình du lịch quảng bá truyền thống văn hoá, con người, tiềm năng du lịch của tỉnh.
     Ba là, đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ.... Xây dựng và phát triển đa dạng các loại hình sinh hoạt, câu lạc bộ Hát then - Đàn tính tại các xã, phường, thị trấn; đưa Hát then - Đàn tính vào trong chương trình giảng dạy ở một số trường học. Lựa chọn và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
     Bốn là, cấp uỷ, chính quyền các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc gắn với xây dựng con người mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Có các chính sách mới, phù hợp nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hưởng thụ văn hóa ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
     Năm là, ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực cho công tác xây dựng, bảo tồn văn hóa, như xây dựng các thiết chế văn hoá, các điểm vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, bảo tồn trang phục truyền thống một số dân tộc thiểu số nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
     Sáu là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa phù hợp với yêu cầu mới; chăm lo đời sống vật chất tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Có chính sách phù hợp thu hút cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực văn hóa ở cơ sở.
     Bảy là, tiếp tục ban hành, thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững. Tiếp tục đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng, danh lam thắng cảnh; quảng bá các danh thắng, di tích lịch sử, bản sắc văn hoá các dân tộc, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; phát triển, gắn kết các loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch biên giới, sinh thái - nghỉ dưỡng, tâm linh, cộng đồng…; xây dựng các sản phẩm hàng hóa du lịch đặc trưng với những yếu tố độc đáo, khác biệt, mang nét đặc trưng của Cao Bằng. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống, phát huy các di sản văn hoá nhất là di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh được xếp hạng quốc gia; chú trọng công tác quy hoạch, tăng cường nguồn lực thu hút đầu tư, tôn tạo tu bổ không gian thực hành lễ hội vừa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc vừa đảm bảo sự tiến bộ, văn minh; nghiên cứu xuất bản ấn phẩm giới thiệu quảng bá các lễ hội truyền thống và giá trị các lễ hội góp phần định hướng, giáo dục và điều chỉnh hành vi cộng đồng trong tiếp cận, tham gia, hưởng ứng chung tay bảo tồn lễ hội.
     Có thể thấy công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết cho nhân dân các dân tộc; tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất quê hương cách mạng Cao Bằng.
CN. Văn Thị Như Quỳnh
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.