• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Vận dụng nội dung nghị quyết 43 - NQ/TW vào giảng dạy Bài 3 tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân và đại đoàn kết dân tộc

Thứ ba - 16/04/2024 14:10

     Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, trải qua các thời kỳ lịch sử, Nhân dân ta nhờ biết đoàn kết đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Phát huy truyền thống dân tộc, kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
     Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao hơn nữa truyền thống và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” (Nghị quyết số 43-NQ/TW). Nghị quyết là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, là cơ sở để Đảng ta xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Việc vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW vào giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân và đại đoàn kết dân tộc vừa là trách nhiệm, vừa là nhu cầu tự thân đối với giảng viên giảng dạy nội dung này.
     Trong Chương trình trung cấp lý luận chính trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân và đại đoàn kết dân tộc nằm trong một bài của phần học Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm 3 nội dung lớn: 1) Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân; 2) Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; 3) Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân về đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trong đó, nội dung thứ ba cần cập nhật những nội dung mới của Nghị quyết số 43-NQ/TW vào giảng dạy để tăng tính thời sự, tính đảng trong bài giảng.
     Thứ nhất, tại mục 3.1. Đặc điểm tình hình hiện nay. Ngoài việc cập nhật bối cảnh thế giới và trong nước nói chung, giảng viên cần cập nhật kết quả của 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX để người học thấy được tầm quan trọng của việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới và sự cần thiết tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là:
Đảng và Nhân dân ta nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội đã từng bước được phát huy, góp phần tích cực động viên Nhân dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được củng cố nội dung hoạt động, mở rộng, phong phú, thiết thực hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị – xã hội của đất nướ[1].
     Trên cơ sở giảng viên cung cấp những kết quả của 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, để người học có cái nhìn bao quát về sự tác động của tình hình thế giới và trong nước trước và sau khi thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Từ đó, giúp học viên nhận thức đúng đắn, có khả năng dự báo để ứng phó và xử lý kịp thời khi có những tình huống bất ngờ xảy ra trong thực tiễn cơ sở.
     Thứ hai, tại mục 3.2.2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần nghiên cứu, vận dụng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp[2]:
     Về quan điểm: Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân; đề cao phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân”. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; vai trò của cả hệ thống chính trị về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị.
     Về mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
     Về nhiệm vụ, giải pháp: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước: Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể đối với từng giai tầng trong xã hội (giai cấp công nhân Việt Nam; đội ngũ trí thức; đội ngũ doanh nhân; thanh niên; phụ nữ; cựu chiến binh; người cao tuổi; các tổ chức tôn giáo; người Việt Nam ở nước ngoài); xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;  nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.
     Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW  được Đảng ta đề ra xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước. Những quan điểm của Đảng về tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là những vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng trong quá trình thực hiện các mục tiêu với những giải pháp cụ thể trong điều kiện hiện nay. Nên những nội dung mới trong Nghị quyết số 43-NQ/TW được giảng viên vận dụng vào giảng dạy nội dung này, sẽ giúp học viên tiếp thu, nắm vững nội dung cơ bản của nghị quyết, nhất là những quan điểm, mục tiêu và các giải pháp cụ thể một cách đúng đắn và có thể triển khai, vận dụng, truyền đạt đến quần chúng Nhân dân, vận động Nhân dân. Nhận thức đúng thì hành động mới đúng, các mục tiêu, nhiệm vụ mới thực hiện có hiệu quả, đáp ứng mong đợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động. Từ đó, có những giải pháp thiết thực giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội đúng định hướng, nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Nhất là hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng thì việc vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW vào giảng dạy nội dung này sẽ trang bị cho người học những quan điểm đúng, giúp người học không hoang mang, dao động trước những luận điệu xuyên tạc của những thế lực thù địch, từ đó định hướng cho người dân hiểu và củng cố thêm niềm tin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo.
     Cập nhật kịp thời các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào giảng dạy là yêu cầu tất yếu, nhiệm vụ chuyên môn cần thực hiện thường xuyên, liên tục của mỗi giảng viên. Thông qua việc vận dụng Nghị quyết số 43-NQ/TW vào bài giảng sẽ giúp học viên nhận thức sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn là sự chỉ dẫn, soi sáng, định hướng cho Đảng và Nhân dân ta tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, vừa cung cấp và thông tin đến người học những nội dung mới nhất, chính xác nhất về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các giải pháp của Đảng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vừa tính thuyết phục, chính xác, đáng tin cậy và tính thời sự cho bài giảng, nâng cao chất lượng giờ giảng của giảng viên góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.
 
[1]Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”
[2]Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”
ThS. Hứa Thị Thoa
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 

Những tin cũ hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.