• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Xã Lê Chung huyện Hòa An đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới

Thứ ba - 28/12/2021 09:17

    Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được tiến hành triển khai trên các cấp chính quyền cơ sở.
   Xã Lê Chung nằm ở phía Đông Nam của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cách trung tâm huyện 21 km. Xã hiện nay có 9 xóm với 321 hộ và 1.387 nhân khẩu với 11 chi bộ, 142 đảng viên; có 04 dân tộc anh em Tày, Nùng, Mông, Dao cùng sinh sống.
   Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 tại Ủy ban nhân dân xã đã ban hành các kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật quý I, quý II, quý III tổ chức được 03 hội nghị tại cấp xã có 111 người tham dự, cấp xóm 14 hội nghị có 494 người tham dự, nội dung tuyên truyền Hiến pháp năm 2013; Luật Tiếp công dân; Luật Thanh niên; Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị định 82/2020 quy định xử phạt về lĩnh vực hành chính tư pháp; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND năm 2015, Luật Thủy sản năm 2017; Luật BVMT năm 2020... Treo băng zôn hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2021 với khẩu hiệu "Tích cực hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" tại trụ sở UBND xã; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã: UBND xã ban hành Quyết định số 173/QĐ-UBND  ngày 14 tháng 9 năm 2021 về việc công nhận tuyên truyền viên pháp luật tại xã Lê Chung.
   Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã luôn được lãnh đạo chú trọng, quán triệt tại các cuộc họp, hội nghị giao ban hàng tháng kết hợp với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện bảo đảm theo quy định của pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở; thực hiện tuyên truyền lưu động bằng loa kéo các văn bản về phòng chống covid tại 09 xóm và duy trì hoạt động của tủ sách pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật sử dụng kinh phí chủ yếu từ Trung tâm học tập cộng đồng, chưa thực hiện được việc hỗ trợ kinh phí công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định.
   Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở cơ sở  chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được phát huy hiệu quả và sâu rộng, chất lượng tuyên truyền pháp luật đôi khi mang tính hình thức, đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế về kỹ năng thuyết trình, diễn đạt.
    Nguyên nhân tồn tại của hạn chế tại xã Lê Chung, huyện Hòa An hiện nay: đội ngũ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế; công chức tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm nhiều công việc; việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn gặp rất nhiều khó khăn; do dịch bệnh covid - 19 ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
    Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng về hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn xã Lê Chung, huyện Hòa An trong thời gian tới để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại xã Lê Chung, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
    Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân;
    Thứ hai, công chức tư pháp phải chủ động tham mưu cho chính quyền trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương;
    Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở;
    Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bổ sung nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở;
    Thứ năm, bên cạnh đó nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ này. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của Bí thư chi bộ xóm, trưởng thôn người có uy tín ở địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
    Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn;
    Thứ bảy, những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng, như phổ biến pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống;
    Thứ tám,  bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng.
     Qua tìm hiểu nội dung phổ biến giáo dục pháp luật tại xã Lê Chung, huyện Hòa An giúp các giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật có góc nhìn đầy đủ hơn trên các mặt để góp phần thay đổi nội dung bài giảng, giúp học viên khắc phục những hạn chế hiện nay trong quá trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở.
    - Về cách soạn: Giảng viên phân tích tập trung làm rõ cơ sở lý luận về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đang được sử dụng và có hiệu quả hiện nay, làm rõ thực tiễn và đưa những giải pháp tập trung và có thể áp dụng gắn với đặc thù từng địa phương để hiệu quả nhất trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
    - Về phương pháp sử dụng: Sử dụng các phương pháp như thuyết trình, đóng vai giữa các học viên nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền, xử lý và giải quyết tình huống.
    - Nâng cao ý thức cho mỗi học viên trong quá trình tự học, nâng cao năng lực cho bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
    - Yêu cầu học viên nắm chắc các quy định của pháp luật, tìm hiểu các phong tục tập quán, thế mạnh, đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
    Tóm lại, thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhằm triển khai thực hiện tuyên truyền có hiệu quả các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao ý thức chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật và đưa pháp luật đến từng cán bộ, công chức và nhân dân tại địa phương, từ đó giúp người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật góp phần vào xây dựng xã Lê Chung ngày càng vững mạnh và phát triển.

ThS. Hoàng Ngọc Mai
Khoa Nhà nước và pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.