• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Vận dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại huyện Bảo Lạc vào giảng dạy

Thứ năm - 30/09/2021 17:12

    Điều 3, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ghi rõ: Cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận Một cửa. Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một TTHC hoặc một nhóm TTHC có liên quan với nhau, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa.
    Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là giải pháp hữu hiệu để đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng xây dựng nền hành chính phục vụ. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Bảo Lạc đã triển khai áp dụng mô hình giải quyết TTHC theo cơ chế “Một cửa - Một cửa liên thông” trên địa bàn huyện; trong tổ chức thực hiện đã đạt được một số kết quả cụ thể:
    Thứ nhất, kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
    Từ năm 2016 đến hết năm 2020, số TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa của huyện là 213/213 TTHC (đạt 100% số TTHC), cơ chế một cửa liên thông là 2/213 (đạt gần 1%) thuộc lĩnh vực đất đai. Hàng năm tỷ lệ TTHC trả đúng hạn, trước hạn tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) cấp huyện đạt từ 90% trở lên.
    Thứ hai, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và phối hợp giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, công dân.
    Tại bộ phận TN&TKQ giải quyết TTHC của UBND huyện đều có bảng niêm yết công khai TTHC và nội dung, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính. UBND huyện luôn chủ động và tích cực thực hiện công khai, minh bạch thông tin về TTHC và giải quyết TTHC bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực trong hoạt động, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin về TTHC, từ đó việc giải quyết TTHC được thuận lợi, nhanh chóng hơn và góp phần rút ngắn thời gian, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, trước hạn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay  diễn biến phức tạp, kết quả giải quyết được công khai và có thể tra cứu bằng nhiều phương tiện như tin nhắn, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến, zalo…
    Thứ ba, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
    Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận TN&TKQ trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được UBND huyện ngày càng quan tâm, chú trọng. Năm 2016, UBND huyện Bảo Lạc là một trong 06 huyện trong tỉnh được lựa chọn thí điểm thực hiện áp dụng Hệ thống Một cửa VNPT-Igate. Hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm Một cửa điện tử VNPT- Igate tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện và 17 xã, thị trấn để thực hiện tiếp nhận, xử lý và trả kết quả TTHC.
    Đến nay, hệ thống một cửa điện tử VNPT-Igate đã tiếp nhận và xử lý trên hệ thống hơn 2.500 hồ sơ, trong đó cấp huyện tiếp nhận trên 1.300 hồ sơ, cấp xã trên 1.200 hồ sơ. Bên cạnh đó, việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã triển khai thực hiện từ năm 2019, chiếm khoảng 10% số hồ sơ TTHC trong năm.
    Bên cạnh những kết quả đạt được trên, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại huyện Bảo lạc vẫn còn một số hạn chế: Cơ chế phân công, phối hợp trong giải quyết TTHC chưa chặt chẽ và chưa đồng bộ. Việc kết hợp giữa bộ phận TN&TKQ với các phòng chuyên môn chưa nhịp nhàng, phân công công việc và phân định thời gian chưa cụ thể. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc tại bộ phận TN&TKQ tuy đã được UBND huyện đầu tư nâng cấp, song các máy móc, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…
    Do vậy, trong thời gian tiếp theo, để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại huyện Bảo Lạc, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
    Một là, tăng cường công tác lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền đối với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
    Hai là, tiếp tục tổ chức bộ phận TN&TKQ tại UBND huyện theo hướng hiện đại hóa: Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các thiết bị chuyên dụng để có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Áp dụng hệ thống xếp hàng tự động phục vụ việc cấp số giao dịch cho công dân.
   Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ.
    Nâng cao chất lượng trong công tác lựa chọn công chức từ các phòng, ban của huyện đảm nhận các công việc liên quan đến việc giải quyết các TTHC tại các phòng chuyên môn, đặc biệt, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ.
    Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức về chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng hành chính, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; đồng thời có chế độ đãi ngộ đối với công chức thuộc bộ phận TN&TKQ.
    Bốn là, thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền các nội dung liên quan về giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
    Cần tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng các quy định liên quan về việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của huyện, nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về trách nhiệm thực hiện công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức hiệu quả hoạt động phổ biến, tuyên truyền thông qua Cổng thông tin điện tử của huyện, đa dạng nội dung tuyên truyền trên Đài Truyền thanh huyện, và các phương tiện thông tin truyền thông khác...thường xuyên cập nhật và giới thiệu các hoạt động về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn huyện đến mọi người dân.
    Năm là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
    Thường xuyên tiến hành kiểm tra đối với các hoạt động thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gồm cả kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của công chức, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, sai phạm để kịp thời xử lý, khắc phục.
    Với việc tìm hiểu những kết quả đạt được như  trên góp phần nâng cao kiến thức thực tiễn về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho mỗi giảng viên, đặc biệt giảng viên trẻ; từ đó giảng viên có thể lựa chọn để vận dụng phù hợp trong các bài giảng có nội dung liên quan. Ví dụ: Nội dung 3.3. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước trong Bài 1. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (Phần C. Xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị - II. Nội dung cơ bản về Nhà nước và Pháp luật Việt Nam); Bài 9. Cải cách hành chính ở cơ sở (Phần D. Quản lý hành chính nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị); Bài 8. Cải cách hành chính nhà nước (chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên); hoặc chuyên đề báo cáo: Cải cách hành chính ở bộ, ngành, địa phương (chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính). Giảng viên có thể dùng kết quả trên để minh họa về cải cách thủ tục hành chính ở địa phương; hoặc thông qua đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại huyện Bảo Lạc sẽ gợi mở bài học kinh nghiệm để học viên áp dụng triển khai cơ chế trên vào địa phương, đơn vị đang công tác.
    Tóm lại, thực hiện mô hình cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cách hành chính của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với quy luật phát triển khách quan của kinh tế thị trường và đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước tại cấp huyện nói chung và tại huyện Bảo Lạc nói riêng. Việc tìm hiểu và vận dụng các kết quả trên góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của mỗi giảng viên, gắn lý luận với thực tiễn./.

ThS. Nguyễn Thị Oanh
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.