• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nền tảng lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ năm - 30/09/2021 16:51

    Tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh là kết quả trải nghiệm và ngiên cứu của các kiểu nhà nước điển hình như Anh, Pháp Mỹ, Nga Xô Viết, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn của Việt Nam. Mặc dù Hồ Chí Minh không dùng khái niệm "Nhà nước pháp quyền", nhưng tư tưởng về xây dựng một nhà nước pháp quyền đã được thể hiện rõ nét trong nhiều tác phẩm và quá trình điều hành nhà nước, đặt nền tảng lý luận căn bản định hướng giá trị về một nền dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
    Tư tưởng xây dựng pháp quyền lần đầu tiên xuất hiện trong "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" (1919), được ký dưới tên Nguyễn Ái Quốc, khi Người thay mặt những người yêu nước Việt Nam ở Pháp gửi đến Hội nghị Vécxây đòi những quyền lợi chính đáng cho nhân dân An Nam như: "đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như cho người Âu, đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật; và sau cùng đòi có một đoàn đại biểu thường trực của dân bản xứ được bầu vào Nghị viện Pháp. Chúng tôi có thể coi các yêu sách rất đúng đắn đó cũng là của chính mình, trong thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết"[1]
    Trong Chính cương vắn tắt năm 1930, khi xác định con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và định hướng tương lai đất nước, tư tưởng xây dựng nhà nước  pháp quyền đã được Hồ Chí Minh đưa ra dựa trên quyền tự do và bình đẳng của nhân dân: "Về phương diện xã hội: dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo công nông hóa"[2]. Những tư tưởng này đã phản ánh tư duy cốt lõi của Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ, tôn trọng pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật, quyền tự quyết của một quốc gia dân tộc.
    Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay khi vừa giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo cả nước tiến hành tổng tuyển cử đề bầu ra chính phủ của nhân dân Việt Nam, thông qua phổ thông đầu phiếu. Chính thức khẳng định vai trò của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được tổ chức và hoạt động một cách hợp Hiến. Đồng thời khẳng định công khai về quyền tự do, bình đẳng của các tầng lớp nhân dân lao động bầu ra thể chế chính trị nhà nước Việt Nam: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà... Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[3] và trong một thời gian rất ngắn bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được hoàn thành (Hiến pháp 1946), khẳng định thể chế chính trị của Nhà nước Việt Nam là thể chế dân chủ, phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước Việt Nam là phục vụ nhân dân: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo"[4].
    Khi viết Tác phẩm "Dân vận" năm 1949, người nhắc lại một lần nữa: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân; Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra; Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"[5]. Bộ máy nhà nước hay chính phủ chỉ là công cụ đại diện cho dân giải quyết những công việc mà nhân dân giao cho. Nhân dân là người gián tiếp tham gia vào công việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực nhà nước, những công việc hệ trọng chính phủ phải xin ý kiến dân. Nhà nước thực thi không đúng chức năng nhiệm vụ của mình, làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ:" và "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ"[6].
    Để có được bộ máy hành chính hoạt động theo đúng tôn chỉ "quyền lực thuộc về nhân dân", Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ: "cán bộ là công bộc của dân","người đầy tới trung thành" của nhân dân. Với nghĩa đó, cán bộ chỉ là người thừa hành, người thay mặt nhân dân để thực thi quyền lực nhà nước. Chính vì vậy cán bộ phải hết sức tận tụy phục vụ nhân dân với tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người cán bộ không chỉ hiểu về pháp luật, giỏi về công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân còn phải là người nghiêm chỉnh, gương mẫu chấp hành pháp luật. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật, không bao che dung túng cho những cán bộ, cho dù đó là những cán bộ cấp cao của Trung ương, nhưng khi mắc những sai phạm nghiêm trọng như cơ hội, tham ô, tham nhũng, biến chất, đều bị xử theo pháp luật. Từ năm 1945 đến năm 1969, Hồ Chí Minh đã đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, ký công bố 16 đạo luật, 613 Sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật, trong đó có 243 Sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước[7].
    Để giữ nghiêm pháp luật của nhà nước, tính kỷ luật của người cán bộ cách mạng, Người đã ký sắc lệnh y án tử hình đối với nguyên đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu Trần Dụ Châu với tội danh "Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, tịch thu ba phần tư tài sản"; Lê Sĩ Cửu với tội danh "biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn lậu, giả mạo giấy tờ, con dấu"[8] khi Chiến dịch Thu Đông 1950 đang bước vào giai đoạn quyết liệt.
    Tóm lại, từ tư tưởng xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đến quá trình thực tiễn điều hành đất nước, Hồ Chí Minh đã để lại những di sản lý luận quý báu về nguyên tắc thượng tôn pháp luật cho dến nay vẫn còn nguyên giá trị, làm tăng thêm lòng tin tưởng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cảnh tỉnh những cán bộ tham gia vào bộ máy quản lý đất nước nhưng không chịu rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, làm hỏng con đường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đổ nhiều xương máu, đấu tranh xây dựng cho mục tiêu cuối cùng là xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân./.

    ThS. Trần thị Thu Hồng
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

 
 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Sự thật, H 2011, tr10
[2] Hồ chí Minh toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia  Sự thật, H2011, tr1
[3] Hồ Chí Minh toàn tập: tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, tr.133
[4] Điều 1, Hiến pháp 1946
[5] Hồ Chí Minh toàn tập: tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, tr.232
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, H 1995  tr.282.
[7] Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Ngọc Thắng: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền, đăng trên Trang thông tin điện tử, Ban Nội chính Trung ương, ngày 01-02-2014
[8] Phương Thúy: Hội khoa học lịch sử Sơn La.vksbacninh.gov.vn "Hồ Chủ tịch y án tử hình Trần Dụ Châu", đăng trên trang Thông tin điện tử, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ chí Minh

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.