• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số kinh nghiệm viết bài cho Trang Thông tin điện tử, Thông tin Lý luận thực tiễn tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Thứ năm - 30/09/2021 16:46

    Điều 6, Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 2252- QĐ/HVCTQG, ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) quy định giảng viên có nhiệm vụ“Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; góp phần phát triến kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương, phát triển lý luận; đấu tranh chống những luận điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần tham gia xây dựng đảng, hệ thống chính trị”.  Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, trong thời gian qua đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều nỗ lực cố gắng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Trong hai năm 2019 - 2020, hầu hết các giảng viên đều tập trung viết bài cho Trang điện tử và Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn” của Trường. Bước sang năm 2021, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, ngay từ đầu năm, các khoa, phòng chuyên môn của Nhà trường đã chủ động và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, viết bài cho báo, tạp chí của Trung ương, địa phương, Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn”, Trang điện tử của Trường với những kết quả cụ thể: 09 bài bài viết trên Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn”; 13 bài viết trên Trang điện tử của Trường; 01 bài viết trên Trang điện tử của Trung ương; 19 bài viết trên Trang điện tử địa phương; 05 bài viết trên Báo địa phương; 02 bài viết trên Báo Trung ương ISSN.
    Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn được tính giờ khoa học như biên soạn, bổ sung tài liệu có 44 lượt giảng viên tham gia; chủ biên và tham gia biên soạn sách chuyên khảo có 11 giảng viên tham gia…
    Kết thúc sáu tháng đầu năm, có 07/32 giảng viên hoàn thành và hoàn thành vượt mức định mức nghiên cứu khoa học năm 2021, bằng 21,88%; 10/32 giảng viên hoàn thành trên 50% định mức nghiên cứu khoa học/năm, bằng 31,25%; 15/32 giảng viên hoàn thành trên 30% định mức nghiên cứu khoa học/năm, bằng 46,87% định mức. Qua các bài viết, có thể khẳng định một số ưu điểm rõ nét của đội ngũ giảng viên của Nhà trường như: một số giảng viên đã tận dụng tốt thời gian, chủ động phân chia thời gian một cách hợp lý để viết bài; đã biết cách khai thác và gửi bài cho báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đã biết cách tập trung vào những vấn đề thời sự liên quan đến các mặt của đời sống xã hội, nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Bên cạnh những ưu điểm kể trên, một số các hạn chế trong cách viết bài cũng được bộc lộ:
    Về lựa chọn chủ để bài viết: thực tế cho thấy, việc lựa chọn chủ đề bài viết hiện đang là một khó khăn cho các giảng viên được phản ánh trong thực tế viết bài cho Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn” và Trang điện tử của Trường, các chủ đề được người viết tiếp cận và chia sẻ còn rất hạn chế như chỉ tập trung vào việc chỉ ra sự khác biệt giữa văn bản pháp quy cũ với các văn bản pháp quy mới; hoặc có những giảng viên chỉ tập trung vào việc trình bày những vấn đề lý luận mà thiếu đi sự vận dụng lý luận vào thực tiễn hiện nay... Kinh nghiệm cho thấy việc lựa chọn chủ đề hết sức phong phú có thể khai thác trên nhiều mặt, nhiều góc độ của đời sống thực tiễn, từ đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội mà gần đây nhất là trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX... Vấn đề đặt ra là mỗi giảng viên tùy theo chuyên môn được đào tạo chuyên sâu, có thể tìm hiểu và khai thác những vấn đề đang được đặt ra để lựa chọn chủ đề bài viết.
    Về cách đặt tên cho bài viết: thực tế trong quá trình biên tập cho thấy việc đặt tên cho bài viết đang là một hạn chế của đội ngũ giảng viên hiện nay. Nhiều bài viết có tình trạng giữa tên của bài viết với nội dung bài chưa phù hợp và đây cũng là một khó khăn cho các biên tập viên trong việc chỉnh sửa, đặt lại tên cho bài viết; một số bài viết lựa chọn tên bài có phạm vi quá rộng trong khi nội dung bài không bao quát được...Kinh nghiệm cho thấy, tên bài viết phải phản ánh được nội dung cho toàn bộ chủ đề mà người viết phản ánh, đây là yêu cầu bắt buộc. Do vậy, người viết cần phải chú ý xác định đúng nội dung, mục đích viết bài của mình qua đó xây dựng tên bài cho phù hợp.
     Về thực hiện nội dung bài viết: một số bài viết  không giải quyết hết nội dung mà tên bài viết đã xác định. Kinh nghiệm cho thấy, cần xác định bài viết là “đứa con tinh thần”, thể hiện ý thức trách nhiệm và tâm huyết của tác giả, chắc chẵn sự đầu tư cho bài viết sẽ nhiều hơn, chất lượng bài viết sẽ cao hơn sẽ gạt bỏ được hiện tượng “viết cho có”. Đồng thời, việc tập trung nghiên cứu sâu chủ đề bài viết sẽ giúp tác giả nhận thức rõ các vấn đề mà tác giả quan tâm với các chiều cạnh của nó, qua đó định hướng cho việc lần lượt giải quyết các nội dung của bài viết theo chủ đề. Đây chính là cơ sở để tác giả có thể vận dụng được nội dung bài viết vào bài giảng của mình. Với kinh nghiệm cho thấy, để hoàn thành được bài viết cần đào sâu suy nghĩ về bài viết, hình thành trong tư duy của mình gần như là toàn bộ nội dung cần viết và cách thức giải quyết những nội dung đó. Điều này giúp người viết không tốn nhiều thời gian vì các dữ liệu, số liệu, thứ tự logic của nội dung đã được cân nhắc thận trọng trước đó.
    Về kết luận của bài viết: kết luận của bài viết là sự chốt lại những nội dung cơ bản của cả bài viết, qua đó tác giả có thể khẳng định được vai trò, ý nghĩa thực tiễn của những nội dung đã được trình bày. Thực tế cho thấy, nhiều bài viết không có được kết luận tương xứng thỏa đáng với nội dung đã thể hiện. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, tác giả nên quay lại chủ đề bài viết đã được thể hiện qua tên bài và dựa vào đó trình bày kết luận của bài sẽ bảo đảm cho người viết không bị lan man, đồng thời có thể nêu rõ được vai trò, ý nghĩa thực tiễn mà bài viết đã đề cập. 
    Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên theo quy định, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
    Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục tăng cường quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các khoa phòng trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy;
    Thứ hai, các khoa phòng xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, trình Ban Giám hiệu phê duyệt; giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng giảng viên trên cơ sở nhiệm vụ được phân công; hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ kinh nghiệm về ý tưởng, xây dựng kết cấu bài viết…
    Thứ ba, Ban biên tập cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ biên tập trên cơ sở tôn trọng ý tưởng của tác giả, giúp người viết hoàn thành tốt bài viết của mình đảm bảo chất lượng;
    Thứ tư, giảng viên nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm; chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế, lựa chọn chủ đề phù hợp để viết bài…
    Tóm lại, hướng tới việc hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên một cách thực sự có chất lượng, việc khẳng định lại những kết quả đã đạt được và chỉ ra những hạn chế cần sớm được khắc phục, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện bài viết là một việc làm cần thiết. Hy vọng rằng, cùng với các giải pháp đã được trình bày, một số kinh nghiệm thực tế của bản thân được chia sẻ, sẽ được đội ngũ giảng viên Nhà trường vận dụng để các bài viết đạt được chất lượng cao hơn trong thời gian tới./.

 CN. Tô Quang Hải
     Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.