• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập phần V.2 “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong hiện nay

Thứ tư - 30/06/2021 15:06

    Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở là một trong những học phần thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được đưa vào giảng dạy và học tập tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Học phần này cung cấp lý luận khoa học về các hoạt động xây dựng đảng của tổ chức cơ sở đảng; đồng thời huấn luyện, hình thành các kỹ năng cơ bản để vận dụng vào thực tiễn các hoạt động công tác đảng của chi bộ, đảng bộ cơ sở. Hiện nay, việc giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong do khoa Xây dựng Đảng đảm nhiệm. Chương trình học gồm có 9 bài giảng, với những nội dung về lý luận và kỹ năng, phương pháp về những hoạt động công tác của tổ chức cơ sở đảng như: nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; công tác đảng viên; công tác cán bộ; tổ chức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ; công tác tư tưởng; công tác dân vận; công tác kiểm tra giám sát; công tác của cấp ủy đảng và người bí thư; công tác văn phòng cấp ủy.
   Trong quá trình thực hiện, việc giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Đội ngũ giảng dạy “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” khá lớn về số lượng (08 đồng chí) và được đào tạo bài bản đúng chuyên môn. Trong số đó, có ½ giảng viên nằm trong Ban chấp hành Đảng bộ trường, có vốn kiến thức lý luận sâu, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý; có kinh nghiệm về phương pháp, kỹ năng giảng dạy và thực tiễn phong phú là những lợi thế cho việc truyền đạt lý luận, kỹ năng, phương pháp tiến hành công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng gắn với thực tiễn đảng bộ, chi bộ nơi học viên đang công tác. Ngoài ra, có ½ giảng viên còn lại là giảng viên trẻ từ 30 - 40 tuổi, có tinh thần cầu thị, có nhiệt huyết giảng dạy, thường xuyên vận dụng những phương pháp giảng dạy tích cực thu hút được học viên cùng tham gia vào quá trình giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, trình độ tri thức của học viên ngày càng cao giúp tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Vì thế, kết quả học tập học phần “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” của học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính khá cao, đa số đạt điểm khá, giỏi.
    Tuy nhiên, qua thực tiễn giảng dạy, các đợt thao giảng, dự giờ, cùng các hình thức lấy ý kiến phản hồi từ học viên đang học tập tại trường, qua kết quả chấm thi. Là một giảng viên trẻ giảng dạy “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở”, tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế trong giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong. Dù số lượng giảng viên giảng dạy khá lớn nhưng có đến 5 đồng chí là giảng viên kiêm nhiệm của khoa nên thời gian dành cho giảng dạy và trao đổi chuyên môn chưa nhiều; gần ½ giảng viên giảng dạy là giảng viên trẻ dù đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn nhưng kiến thức lý luận chưa sâu, kinh nghiệm thực tiễn còn ít, cách tiếp cận vấn đề trong bài giảng chưa khoa học. Thêm nữa, dù đã vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng nhưng chưa được đa dạng, sử dụng phương pháp hỏi - đáp là chủ yếu. Ngoài ra, việc phát huy vai trò của học viên cùng làm rõ nội dung của bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn chưa cao; với môn học có tính đặc thù về công tác đảng, tuy nhiên vẫn còn tình trang một số ít học viên theo học ở các lớp chưa phải là đảng viên, nên việc quan tâm đến nội dung bài giảng có mức độ, hoặc có học viên còn tư tưởng học để lấy bằng cấp, đủ điểm qua môn…
     Thực trạng trên cho thấy, cần phải quan tâm tới nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở”. Vậy, trong điều kiện nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của Nhà trường hiện nay, với cương vị là giảng viên giảng dạy học phần trên, cá nhân xin chia sẻ một số suy nghĩ như sau:
      Thứ nhất, giảng viên và học viên cần nhận thức đúng đối tượng của tổ chức cơ sở đảng trong học phần “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở”.
      Căn cứ vào Điều lệ Đảng khóa XI, tổ chức cơ sở là tổ chức cơ sở của Đảng được lập ở đơn vị ở cơ sở; tổ chức cơ sở đảng được lập dưới hai loại hình cơ bản: Một là, ở xã, phường, thị trấn. Hai là, ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, quân đội, công an và các đơn vị khác. Với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở thì tổ chức cơ sở đảng là trung tâm lãnh đạo mọi tổ chức chính quyền, đoàn thể, lãnh đạo tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội; an ninh - quốc phòng…trong đó, đối tượng tổ chức cơ sở đảng hướng đến chính là cán bộ, đảng viên và tất cả nhân dân. Giảng viên cần làm rõ với học viên về vai trò của họ trong từng hoàn cảnh để có nhận thức đúng đắn. Từ đó, giảng viên và học viên sẽ xác định đúng vị trí, vai trò của bản thân, quan tâm hơn đến nội dung của từng bài học trong học phần.
      Thứ hai, giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” cần chú trọng tính đảng, tính khoa học, tính giáo dục, tính chiến đấu, sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn.
      Tính đảng trong giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” đòi hỏi người dạy khi tiếp cận, truyền đạt, giải thích nội dung bài giảng đứng trên lập trường, quan điểm lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính đảng đòi hỏi giảng viên khi truyền đạt những tri thức lý luận phải làm rõ sự đúng đắn quan điểm, đường lối, cương lĩnh, nghị quyết của Đảng đối với từng mặt xây dựng nội bộ đảng. Đồng thời, tính đảng còn đặt ra khi giảng cần phải có tính chiến đấu, làm rõ những mặt tốt, tích cực, phê phán những mặt xấu, tiêu cực dựa trên cơ sở lý luận khoa học của Đảng. Trên cơ sở đó, yêu cầu học viên phải tiếp thu kiến thức dựa trên tính đảng tạo niềm tin vững chắc vào Đảng và nhận rõ trách nhiệm của bản thân với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; nhận diện, phản bác lại những quan điểm sai trái của thế lực thù địch; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
      Tính khoa học có nghĩa là phải nắm rõ đối tượng theo loại hình lớp học gắn với loại hình của tổ chức cơ sở đảng của học viên. Nguyên tắc này đòi hỏi giảng viên phải nắm được đặc điểm tình hình của học viên như: Trình độ, lứa tuổi, dân tộc, chức vụ, đơn vị, địa phương công tác,…căn cứ vào đó đưa ra kế hoạch, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp.
      Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy đòi hỏi giảng viên và học viên trên cơ sở lý luận, những nội dung đề cập trong giáo trình cần liên hệ được với thực tế ở đơn vị, địa phương. Lấy lý luận để soi sáng, vận dụng vào điều kiện thực tiễn; ngược lại lấy thực tiễn ở địa phương để chứng minh sự đúng đắn của lý luận.
      Chú trọng vận dụng những nguyên tắc trên, tạo ra niềm tin, động lực, định hướng trong giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở”, thúc đẩy tư duy sáng tạo, sự suy nghĩ tìm tòi sâu sắc để tiếp cận chân lý, hướng mọi hoạt động tới mục tiêu nhận thức đúng đắn nghiệp vụ công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng đúng đắn hơn.
       Thứ ba, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy tích cực trong công tác giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở”.
        Đổi mới phương pháp dạy và học tập thì người dạy và người học cần phải đổi mới tư duy đối với phương pháp giảng dạy tích cực, trong đó lấy học viên làm trung tâm. Giảng viên không nên nặng về thuyết trình mà cần trên cơ sở những nội dung được đề cập ở giáo trình, người dạy đa dạng hóa phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung để giải quyết vấn đề đưa ra một cách logic, khoa học, vừa thu hút được học viên. Phương pháp này đòi hỏi người học viên chủ động tham gia một cách tích cực.
       Việc đa dạng hóa phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng dạy và học tập “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở” tránh được sự khô khăn của đặc thù môn học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả bài giảng. Sử dụng phương pháp phù hợp bài giảng được giải quyết nhẹ nhàng, giảng viên không phải độc thoại từ một phía, học viên sẽ chăm chú tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
      Thứ tư, thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng; chú ý đến tự nghiên cứu, trau dồi lý luận và thực tiễn, tự rèn luyện.
      Thường xuyên học tập là cách nâng cao trình độ, kỹ năng hiệu quả nhất. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, giảng viên cần có kế hoạch học tập tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu về Nghiệp vụ công tác đảng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế cung cấp cho giảng viên những luận cứ khoa học, kinh nghiệm thực tiễn đưa giảng dạy làm sinh động bài giảng.
       Ngày 01/4/2021 Đảng ủy Trường Chính trị Hoàng Đình Giong ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐU “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Trương Chính trị Hoàng Đình Giong về việc nâng cao chất lượng chuyên môn đối với đội ngũ giảng viên trẻ giai đoạn 2021 - 2023”. Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu Nhà trường, Khoa chủ quản, Đoàn Thanh niên đã xây dựng kế hoạch thao giảng, dự giờ cho từng giảng viên. Đối với giảng viên giảng dạy Phần V.2. “Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở”, đặc biệt đội ngũ giảng viên trẻ cần nghiên cứu làm rõ nội dung lý luận của bài giảng gắn với thực tiễn ở cơ sở, phải tự ý thức rèn luyện. Sau khi kết thúc đợt thao giảng, dự giờ, giảng viên chủ động tiếp thu những ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung bài giảng hoàn thiện hơn.
     Đối với học viên đang theo học tại nhà trường, học viên cần nâng cao ý thức tự giác, chủ động khi lắng nghe, tiếp thu và tận dụng thời gian học tập trên lớp để trao đổi bài giảng với giảng viên và học viên trong lớp. Trong những giờ tự nghiên cứu, học viên xem lại những nội dung đã học tự liên hệ với thực tế địa phương, nơi công tác. Trong thời gian thi, học viên nên tập trung làm rõ trọng tâm câu hỏi, tận dụng hết thời gian làm bài. Thực hiện tốt việc học tập trên lớp, giờ từ nghiên cứu, đặt tâm huyết vào bài thi thì trình độ, kỹ năng công tác đảng ở cơ sở sẽ được nâng lên, điểm số bài thi cũng cao.
     Việc nâng cao chất lượng giảng dạy học phần V.2. Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở, là những nội dung về nghiệp vụ công tác đảng rất thiết thực. Do đó trong quá trình soạn giảng đòi hỏi giảng viên thường xuyên nghiên cứu lý luận, tìm hiểu bổ sung thêm kiến thức thực tiễn và sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền đạt tới học viên, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng sâu sắc và thiết thực./.

   CN. Văn Thị Như Quỳnh
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.