• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và con đường cứu nước, cứu dân

Thứ sáu - 04/06/2021 11:28

    Cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gắn liền với giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc oanh liệt nhất của nhân dân Việt Nam. Trong đó, việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc là dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
     Trở lại lịch sử cuối thế kỷ XIX, nước ta bị rơi vào cảnh nô lệ lầm than dưới ách thuộc địa của thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam đã liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của kẻ thù dưới ngọn cờ của một số nhà yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản, song đều lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam trong cơn bế tắc “tình hình đen tối như không có đường ra”[1].
      Sinh ra trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa và tinh thần đấu tranh cách mạng, ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Tất Thành đã được tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước trong vùng và tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Do đó, Nguyễn Tất Thành đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng cho dân tộc. Mặc dù rất khâm phục các bậc tiền bối, song Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì theo Người, cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”; cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng cụ còn nặng cốt cách phong kiến… Trên cơ sở phân tích cách nghĩ, cách làm của các bậc cha chú đều dẫn tới thất bại, Nguyễn Tất Thành đã “thấy rõ và quyết định con đường nên đi”[2].
      Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba, nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin của hãng Năm Sao rời cảng Nhà Rồng đi Mác-xây (Pháp). Chuyến đi lịch sử của Nguyễn Tất Thành sang phương Tây chỉ với hai bàn tay trắng cùng tinh thần yêu nước, thương dân và với một nghị lực phi thường, một ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Rời bỏ lý thuyết nho giáo, không tán thành Duy Tân, không theo lời khuyên của cụ Phan Bội Châu đi Nhật Bản, Nguyễn Tất Thành hướng vào nơi có tư tưởng “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”. Người ra đi để xem xét họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào cứu nước. Về mục đích ra đi của mình, Người chỉ rõ: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”[3], và “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[4].
       Qua thực tiễn tìm hiểu cuộc cách mạng Mỹ năm 1776, cuộc cách mạng Pháp 1789, phong trào giải phóng của các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Tất Thành nhận thấy cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp tuy nêu cao khẩu hiệu tự do, bình đẳng, nhưng không đưa lại tự do, bình đẳng thật sự cho quần chúng lao động “Tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[5]. Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi. Đến đâu Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Một trong những cảnh ấy Người đã trông thấy ở Đaca (Dacar): “Đến Đaca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả canô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”[6]. Cảnh tượng đó làm cho Nguyễn Tất Thành rất đau xót. Người liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào khốn khổ của mình. Họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo của bọn thực dân. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường Người đi qua, tạo nên ở Người mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa. Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi qua Máctiních (Martinique) (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Tại đây, Người có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Người vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Người đã đến thăm quận Brúclin (Brooklin) của thành phố Niu Oóc (New York). Người đi xe điện ngầm đến khu Háclem (Harlem) để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen. Ở nước Mỹ không lâu nhưng Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ. Đằng sau khẩu hiệu “cộng hòa dân chủ” của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột rất tàn bạo. Người cảm thông sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận những kẻ phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này Người đã viết lại trong bài báo Hành hình kiểu Linsơ. Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ, sau đó sang Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, Người nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng Người đã tranh thủ học tiếng Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư liên hệ với cụ Phan Châu Trinh, lúc này đang ở Pháp, thông báo tình hình sinh hoạt, học tập của mình, hỏi thăm tình hình người thân của cụ Phan. Trong thư Nguyễn Tất Thành cũng bày tỏ và thăm dò ý kiến của cụ Phan về tình hình thời cuộc. Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Đraytơn Cơớc, phía Tây Luân Đôn. Sau đó chuyển sang làm phụ bếp ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton), phố Hây Makét, một khách sạn sang nổi tiếng ở Luân Đôn.
        Năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia phong trào công nhân Pháp. Tại đây, qua nhiều kênh khác nhau, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã biết đến cách mạng tháng Mười Nga (1917) và đã tham gia vào nhiều phong trào ủng hộ cuộc cách mạng này. Đặc biệt, năm 1920, tại Thủ đô Pari Nguyễn Ái Quốc đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa ” của V.I.Lênin (đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17-7-1920). Bằng sự mẫn cảm về chính trị, tư duy nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của 10 năm lăn lộn trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa và tư bản, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt NamSau này Người nhớ lại: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[7]. Bản Luận cương của V.I.Lênin đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc và Người đã hình thành nên quan điểm về giải phóng dân tộc: Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn thắng lợi phải theo con đường cách mạng vô sản. Trên bình diện tổng thể, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc đã đáp ứng hai câu hỏi lớn đặt ra cho dân tộc Việt Nam, là làm thế nào để giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị của đế quốc, thực dân, giành lại nền độc lập, tự do cho nhân dân; và lựa chọn con đường, phương thức nào để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với xu thế đi lên của thời đại mới. Nói cách khác, với việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc kéo dài hai phần ba thế kỷ. Luận cương của V.I.Lênin đã mở ra con đường đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tác phẩm đã giúp Nguyễn Ái Quốc tìm thấy lời giải cho những câu hỏi lớn về vận mệnh dân tộc, soi sáng con đường giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người đã xúc tiến và chuẩn bị những điều kiện cần thiết, hướng phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam vào con đường cách mạng vô sản,để từ đó đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn sóng gió, thác ghềnh đi đến những bến bờ thắng lợi.
         Cùng với việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, Nguyễn Ái Quốc còn dày công chuẩn bị về mặt tổ chức để huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925). Chính những thanh niên trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã tham gia phong trào “vô sản hoá” để cùng ăn, cùng ở, lao động, đồng thời truyền bá lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Thông qua phong trào “vô sản hóa”, lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.
          Trong quá trình hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người không ngừng xúc tiến việc tìm đường trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Ngày 28/01/1941 (tức ngày mùng hai tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, tìm đường cứu nước, cứu dân đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ hay ngẫu nhiên, mà là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược lớn, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cách mạng cả nước, nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai. Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thắng lợi mà đỉnh cao là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Như vậy, trong thời kỳ vận động đấu tranh giải phóng dân tộc, với sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng về nước để xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng; triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Cùng với những vấn đề trọng đại được đưa ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 và những quyết định quan trọng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Cao Bằng, đã tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng. Có thể nói, rất nhiều vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam đã được đặt ra và giải quyết trên đất Cao Bằng đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám rồi tiếp tục mở đường cho những thắng lợi to lớn về sau này.
          Lịch sử là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại đến tương lai và con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2011) và 80 năm Người trở về tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 - 28/01/2021), chúng ta cùng nhìn lại hai sự kiện này, từ đó góp phần làm rõ thêm cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Người, cung cấp những luận cứ quan trọng để chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chống phá cách mạng Việt Nam./.

ThS. Bế Dũng
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.401.
[2]Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.
[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.461.
[4] Báo Nhân Dân, Số 4062, ngày 18-5-1965.
[5]Nguyễn Ái Quốc: Đường Cách mệnh, các tổ chức tiền thân của Đảng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, 1977, tr 32-33.
[6]Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.23.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.562.
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.