• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một vài suy nghĩ về chuyến đi thực tế đầu năm 2021

Thứ ba - 30/03/2021 14:20

    Chào mừng kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2021), 1981 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà trưng từ ngày 03 - 05/3/2021 Công Đoàn Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế cơ sở tại tỉnh Hà Giang để gắn lý luận với thực tiễn, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại những điểm mà Đoàn đến để vận dụng những kết quả thu được từ chuyến đi vào hoạt động công tác chuyên môn.
    7h15 phút sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Trường, điểm đến đầu tiên của đoàn là Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
    Mặc dù đã đọc, đã xem và trong các bài giảng đã đề cấp rất nhiều tư liệu về Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, trong các bài học Phần VI. Tình hình nhiệm vụ địa phương trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; nhưng được đến tận nơi, được tận mắt chứng kiến hệ sinh thái và những điều kỳ diệu của thiên nhiên được tạo thành bởi các dãy núi trùng điệp và những thảm thực vật xanh mang đậm nét hoang sơ của núi rừng có mây mù bao phủ. Phân bố xung quanh vườn là những bản làng, những dòng suối, những triền đồi, những thửa ruộng bâc thang được đồng bào các dân tộc trồng lúa, ngô, sắn, chè…tạo nên những bức tranh vô cùng tươi đẹp đem lại trong tôi thật nhiều cảm xúc.
    Rời Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén huyện Nguyên Bình đoàn thực tế tiếp tục cuộc hành trình đến với huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng. 16h00 chiều cùng ngày chúng tôi có mặt tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, theo chân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chúng tôi được biết khái quát về đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã, đặc biệt được giới thiệu về điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon nơi sinh sống của 62 hộ đồng bảo dân tộc LôLô với diện tích của xóm là 43ha, trong đó cây trồng chủ lực là ngô, lúa. Đặc biệt là, các hộ gia đình ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, như chế biến các món ăn truyền thống, thêu dệt thổ cẩm... Với những điểm như đỉnh gió hú…là một trong những điểm nhấn để thu hút du khách bốn phương về thăm và trải nghiệm.
    Kết thúc ngày thứ nhất với nhiều cảm xúc, đoàn chúng tôi dừng lại ở thị trấn Bảo Lạc, nghỉ ngơi và cảm nhận tình cảm của mảnh đất và con người nơi đây (Hơi bị cụt )..... Sáng sớm hôm sau đoàn tiếp tục hành đến với các điểm tiếp theo trong chương trình tực tế.
    Đi theo quốc lô 34, mất khoảng 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe ôtô Đoàn chúng tôi đã có mặt tại tỉnh Hà Giang. Đi qua Thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chúng tôi đến với con đường huyền thoại “con đường Hạnh phúc”. Càng đi dần càng lên cao, địa hình càng hiểm trở, con đường vắt vẻo qua  các sườn núi. Nhiều đoạn thấy cả xe và người bồng bềnh trên mây, đường dài và quanh co. Để làm nên con đường lịch sử này, hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam đã cống hiến trên 2 triệu lượt ngày công lao động  trong 6 năm, từ năm 1959 - 1965. Có lẽ sự cảm nhận của mỗi người lần đầu đến cao nguyên đá là sự mênh mông và kỳ vĩ của thiên nhiên. Sức người đã khuất phục thiên nhiên, tạo nên con đường thắp sáng tương lai “Con đường Hạnh Phúc”.
    Điểm nhấn của đường Hạnh Phúc là đèo Mã Pì Lèng nằm trên một đỉnh núi thuộc cao nguyên đá Đồng Văn. Đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo lời giải thích của người dân địa phương, Mã Pì Lèng hiểu nôm na nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải ngã và tắt thở. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi. Nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một cổ tay. Đến Mã Pì Lèng mới thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ và càng cảm phục sự trường tồn của các dân tộc Việt Nam sinh sống trên mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc.
    Tạm biệt Mã Pì Lènh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với một địa điểm hết sức ý nghĩa đó là Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Càng đến gần trung tâm xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cột cờ hiện ra thật sinh động, xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, điệp trùng...Theo lịch sử, cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Nhà Lý, ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột bê tông được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Sau khi đất nước được giải phóng, cột cờ tiếp tục được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Cột cờ mới được xây dựng lại vào tháng 3/2010 và hoàn thành vào tháng 9/2010 với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.
    Theo lối chính được xây bằng  839 bậc đá, chúng tôi bước lên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nơi đặt cột cờ Lũng Cú. Cột cờ bề thế và trang nghiêm. Đi theo vòng “xoáy ốc” với chiều cao 33,15m, chúng tôi leo lên đỉnh cột cờ. Trong tĩnh lặng của một không gian, một vòm sáng mở ra khoảng trời với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Trước mắt chúng tôi là lá cờ có chiều dài 9m, chiều rộng 6m với tổng diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Nhìn lá cờ bay phấp phới giữa không gian bao la trên đỉnh núi, mỗi người chúng tôi trào dâng cảm xúc tự hào về quê hương, đất nước. Bất chợp, bên cạnh tôi một người lính già, trên ngực áo gắn đầy những huân, huy chương trong tay cầm chiếc điện thoại thông minh bật bài hát Quốc ca. Trong khoảnh khắc đó, tất thảy mọi người có mặt tại đó không ai nói cũng không ai nhìn ai, nhưng đều đồng loạt giơ tay chào Quốc kỳ với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn đối với biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để tạc nên dáng hình đất nước. 
    Trong quá trình công tác, chắc hẳn tôi sẽ còn có nhiều những chuyến đi thực tế, nhưng đây sẽ là chuyến đi thực tế để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Qua chuyến đi không những tôi có được những tư liệu vô cùng quý báu để phục vụ cho công tác giảng dạy mà tôi còn nhận được rất nhiều những điều chia sẻ, sự quan tâm giành cho nhau từ các thành viên trong đoàn. Tất cả những điều đó đã tạo nên ý nghĩa của chuyến đi thực tế nhiều ấn tượng trong tôi./.

 ThS. Nông Văn Dũng
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.