• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Phân biệt một số loại đơn thư theo pháp luật hiện hành phục vụ bài 10 Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ở cơ sở học phần những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước

Thứ ba - 30/03/2021 14:31

    Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Qua đó giúp các cơ quan nhà nước nắm được thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của các cơ quan đơn vị, trên cơ sở đó Nhà nước có các biện pháp, chủ trương phù hợp để điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.  Bài 10. Phần III.2. Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ở cơ sở có một số khái niệm chưa được làm rõ, văn bản hết hiệu lực pháp luật thông qua bài viết này, tác giả muốn làm rõ hơn các khái niệm cụ thể để phục vụ quá trình giảng dạy và giới thiệu để học viên cập nhật văn bản và rõ ràng hơn về các khái niệm và những nội dung có liên quan.
    Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.1. Khái niệm được quy định trong giáo trình cụ thể phần 2.1. Những vấn đề cơ bản về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
    Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
     a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
     b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.2
     Khái niệm này được thay thế khái niệm trong giáo trình mục 3.1.1. Quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 thay thế cho Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2011 đã hết hiệu lực pháp luật.
     Như vậy, khi đưa ra khái niệm Khiếu nại và khái niệm Tố cáo trước hết sự phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo được thể hiện ở bản chất, trong đó khiếu nại nhằm hướng tới lợi ích, đòi lại lợi ích mà chủ thể khiếu nại cho là họ đã bị xâm phạm; còn mục đích của tố cáo là hướng tới việc xử lý hành vi vi phạm và người có hành vi vi phạm. Bản chất này chi phối toàn bộ các quy định của pháp luật và thái độ đối với hai loại này. Với hai nội dung này làm rõ cho phần 2 và phần 3 giữa khiếu nại và tố cáo cụ thể:
     Về chủ thể: Nếu như khiếu nại cho phép công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại thì pháp luật chỉ cho phép công dân có quyền tố cáo.
     Về thái độ xử lý: Khiếu nại không được khuyến khích nhưng tố cáo lại được khuyến khích: khiếu nại là đi đòi lại lợi ích cho mình nên pháp luật không đặt vấn đề khuyến khích, trong khi đó, tố cáo là sự thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội, Nhà nước thông qua việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm, tránh được những thiệt hại cho lợi ích [1]của Nhà nước, của xã hội và các cá nhân khác. Vì vậy, việc tố cáo cần được khuyến khích và pháp luật đã thể hiện thái độ đó qua việc có những quy định khen thưởng cho người tố cáo đúng.
     Cách xử lý đơn:
     Những chú ý khi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo:

Tiêu chí Khiếu nại Tố cáo
Việc xử lý đơn không đúng thẩm quyền Không đúng thẩm quyền thì người tiêp nhận không phải chuyển đơn Không đúng thẩm quyền thì khi nhận được, dù không thuộc thẩm quyền của mình thì cũng phải có trách nhiệm xử lý thông tin đó bằng cách chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nếu thấy cần thiết thì phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm tránh thiệt hại có thể xảy ra.
 
Giải quyết Phải có quyết định giải quyết Quy định vấn đề xử lý tố cáo.
Thời hiệu 90 ngày Không có thời hiệu.
Vấn đề rút đơn Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại vì lợi ích cá nhân, nên họ có quyền tự định đoạt, có thể tiếp tục hay chấm dứt việc khiếu nại bằng cách rút đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại được rút thì cơ quan nhà nước sẽ chấm dứt việc giải quyết Người tố cáo có thể vì một lý do nào đó (bị mua chuộc, dụ dỗ hay đe doạ) mà rút đơn tố cáo thì không có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền không giải quyết nữa, nếu cơ quan có trách nhiệm đã có bằng chứng đáng tin cậy về hành vi vi phạm thì vẫn sẽ tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm để xử lý, ngăn chặn thiệt hại hoặc thu hồi tài sản hay những xử lý khác để giữ tính nghiêm minh của pháp luật.
    Với 2 khái niệm phản ánh và kiến nghị sẽ làm nổi bật và rõ nét hơn để phân biệt với Khiếu nại và Tố cáo, trên thực tế hiện nay trong quá trình trao đổi và tìm hiểu tại các Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức và người dân nhầm lẫn các khái niệm này nên trong quá trình phân loại đơn thư giải quyết chưa đúng theo quy định của pháp luật.
    Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.3
    Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều này và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.4
    Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng xấu (có thể bị thiệt hại cụ thể về vật chất) ở đây không nhất thiết là của người hoặc tổ chức kiến nghị, mà có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhiều người, của cộng đồng dân cư theo khu vực hoặc của nhiều cơ quan, tổ chức.
    Xử lý phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc cụ thể trong thực hiện các quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh:
    Phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ban, ngành (kể cả đơn vị trực thuộc): Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi cho các sở, ban, ngành liên quan để xử lý.          Phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý. Phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức cấp xã: Văn bản đề nghị xử lý phản ánh, kiến nghị được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý.
    Nội dung phản ánh, kiến nghị gồm:
    Phản ánh về hành vi: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức.
    Phản ánh về nội dung quy định hành chính, gồm: sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; sự không đồng bộ, không thống nhất của các quy định hành chính, quy định hành chính không phù hợp với pháp luật.
    Nội dung mở rộng phù hợp với đối tượng học viên các sở, ban, ngành trong vấn đề xử lý phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh:
    Đối với phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh: có văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị đến các sở, ban, ngành để nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Đối với phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện; Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã: Văn bản đề nghị xử lý phản ánh, kiến nghị được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền.
    Tuỳ theo trường hợp cụ thể, nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính liên quan đến hai hay nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác nhau mà các cơ quan này không thống nhất được về phương án xử lý; những phản ánh, kiến nghị đã được các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xử lý hoặc chỉ đạo xử lý nhưng cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị; những phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
    Do tính chất đặc thù của hai loại đơn kiến nghị và phản ánh nói trên nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết như đối với đơn khiếu nại, tố cáo.
Khi đã xác định được đơn (vụ việc) thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cá nhân, cơ quan phải căn cứ nội dung và tính chất từng vụ việc để đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời, đúng pháp luật.
    Những nội dung vụ việc nêu trên, cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm cần thành lập các tổ chuyên môn, có thể có sự phối hợp của nhiều bộ phận chuyên môn, kiểm tra, xác minh cụ thể để kết luận và đưa ra biện pháp giải quyết.
    Theo đó, dù vụ việc kiến nghị hay phản ánh ở trường hợp nào, thì việc xem xét, xử lý, giải quyết cần kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Các biện pháp đưa ra để xem xét, giải quyết không nhất thiết phải theo một trình tự thủ tục nhất định, mà cơ quan, người có thẩm quyền cần căn cứ tính chất, nội dung vụ việc để đưa ra các giải pháp, biện pháp giải quyết phù hợp.
         ThS. Hoàng Ngọc Mai
Giảng viên  khoa Nhà nước và pháp luật
                                                               
 


[1] Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011
2 Khoản 1 Điều 2  Luật Tố cáo năm  2018
3 Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10271/ VBHN - VPCP ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
4. Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 10271/ VBHN - VPCP ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.