• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tìm hiểu, vận dụng Nghị định số 107/2020/NĐ-CP vào bài giảng Lý luận về quản lý hành chính nhà nước

Thứ tư - 30/06/2021 14:49

    Việc cập nhật và bổ sung nội dung văn bản mới phục vụ cho bài giảng ở trường chính trị tỉnh là một công việc thường xuyên của giảng viên. Trong bài viết này, tác giả chỉ giới hạn nói về việc cập nhật, bổ sung Nghị định số 107/2020/NĐ- CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 24) quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phục vụ cho việc giảng dạy Bài 1. “Lý luận về quản lý hành chính nhà nước” Phần III.2. “Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước” tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng.
    Bài 1. Lý luận về quản lý hành chính thuộc Phần III.2. Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước chương trình Trung cấp lý luận chính trị- hành chính gồm có 03 mục, mục 1. Quản lý, quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước, mục 2. Tổ chức hành chính Trung ương và hành chính địa phương, mục 3. Các điều kiện tiến hành hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở. Trong mục 2. Tổ chức hành chính Trung ương và hành chính địa phương có nội dung 2.2.2. Cấu trúc hành chính địa phương, giảng viên đảm nhiệm bài này ngoài việc giới thiệu cho học viên về các cơ quan chuyên môn, chức năng nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP còn phải cập nhật thêm những điểm mới của Nghị định số 107.
    Về việc bổ sung thêm Sở Du lịch trong cơ cấu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
    Điều 8 Nghị định số 24 quy định 17 sở, ngành được tổ chức thống nhất ở các địa phương, cụ thể là: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân.
    Điều 9 Nghị định số 24 quy định các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương có 03 sở ngành, đó là Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
    Sau khi đã nêu 17 cơ quan được quy định tại Điều 8 Nghị định số 24, 03 sở ban đặc thù được tổ chức ở một số địa phương, giảng viên cần nhấn mạnh Điều 9 Nghị định số 107 bổ sung thêm sở Du lịch trong nhóm các cơ quan đặc thù được tổ chức ở một số địa phương, đồng thời, nêu quy định về tiêu chuẩn thành lập Sở Du lịch được quy định tại Điều 9 Nghị định số 107 như sau:
    Sở Du lịch được thành lập khi đáp ứng các điều kiện: Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật); Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) hàng năm của địa phương với tỷ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.
    Về tiêu chuẩn thành lập các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương
    Đối với Sở Ngoại vụ: Giảng viên cần nêu nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định số 24, sau đó so sánh Nghị định 107 để làm toát lên điểm mới của Nghị định.
    Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 24 quy định tiêu chuẩn Sở Ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng các tiêu chí: Có đường biên giới trên bộ và có cửa khẩu quốc tế hoặc quốc gia. Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 24 quy định Đối với những tỉnh không có đường biên giới, nhưng phải có đủ các điều kiện: Có các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế mở, Khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Có khu du lịch quốc gia hoặc di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
    Nghị định số 107 sửa đổi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị đinh số 24: “Có đường biên giới trên bộ và có cửa khẩu quốc tế hoặc quốc gia” thành “ Có cửa khẩu quốc tế đường bộ”. Bỏ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị đinh số 24: “ Đối với những tỉnh không có đường biên giới, nhưng phải có đủ các điều kiện: Có các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế mở, Khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Có khu du lịch quốc gia hoặc di sản văn hóa được UNESCO công nhận”. Bổ sung quy định: “Có cửa khẩu quốc tế đường hàng không, có cảng biển quốc tế, có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ Việt Nam đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỷ Việt Nam đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên. Địa phương đáp ứng một trong các tiêu chí đã nêu trong Khoản 1 Điều 9 Nghị định 107 nêu trên sẽ thành lập Sở Ngoại vụ.
    Đối với Ban Dân tộc: Giảng viên cần nêu nội dung Khoản 2 Điều 9 sau đó nêu điểm mới trong Nghị định số 107. Điểm a, b Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 24 quy định tiêu chuẩn thành lập đối với Ban Dân tộc. Cụ thể: Ban Dân tộc được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đảm bảo có 2 trong 3 tiêu chí. Các tiêu chí được quy định trong Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 24, cụ thể như: a) Có trên 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản; b) Có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; c) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
    Nghị định số 107 sửa đổi bổ sung như sau: Thay cụm từ “có trên” thành “ít nhất”,  trong Điểm a, b Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP.
    Về việc sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của 09 sở ngành: Như trên đã nói các sở ngành được tổ chức thống nhất ở các địa phương theo Điều 8 Nghị định số 24 là 17 sở, các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương có 03 sở. Trước hết, giảng viên cần nêu các sở được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 107, sau đó sẽ trình bày lần lượt từng sở theo Nghị định số 24 và nêu những điểm mới của Nghị định số 107.
    Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của 09 sở ngành, gồm Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Công thương; Sở xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân. Cụ thể:
    Sở Nội vụ: Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Nội vụ: “ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua - khen thưởng.”
    Nghị định số 107 bổ sung nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; tín ngưỡng. Như vậy, từ ngày 25 tháng 11 năm 2020, Sở Nội vụ có thêm nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và tín ngưỡng.
    Sở Tư pháp: Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Tư pháp “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; pháp chế; công chứng, chứng thực; nuôi con nuôi; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; luật sư, tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải cơ sở; bán đấu giá tài sản; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.
    Nghị định số 107 bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển chức năng này sang Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
    Sở Công Thương: Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Công Thương “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; dầu khí; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; lưu thông hàng hóa trên địa bàn; xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập kinh tế; thương mại quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn; quản lý an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật”.
     Nghị định số 107 bỏ 02 nhiệm vụ, bổ sung thêm 01 nhiệm vụ đối với Sở Công thương. Cụ thể: Bỏ quy định về tham mưu, giúp UBND tỉnh trong quản lý vật liệu xây dựng. Bổ sung chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập kinh tế quốc tế. Bỏ quy định về quản lý an toàn thực phẩm.
    Sở Xây dựng: Khoản 8 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Xây dựng “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: Cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sỹ; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, không bao gồm việc quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng”.
    Nghị định số 107 bỏ chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Chức năng này được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
    Sở Tài nguyên và Môi trường: Khoản 9 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh có biển, đảo)”.
     Nghị định số 107 bổ sung quy định về tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý chất thải rắn.
    Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Khoản 11 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Lao động; việc làm; dạy nghề; tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội”.
    Nghị định số 107 đổi cụm từ “dạy nghề” thành “giáo dục nghề nghiệp” (trừ các trường sư phạm). Đổi cụm từ “an toàn lao động” thành “an toàn , vệ sinh lao động”. Thay cụm từ “bảo vệ và chăm sóc trẻ em” thành “trẻ em”.
    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khoản 12 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch “ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo (không bao gồm nội dung quảng cáo quy định tại Khoản 10 Điều này); việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật”.
   Nghị định số 107 bổ sung quy định đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện.
   Thanh tra tỉnh: Khoản 16 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.
     Nghị định số 107 bổ sung chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về tiếp công dân. Trước đây chức năng này thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh.
    Văn phòng Ủy ban nhân dân: Khoản 17 Điều 8 Nghị định số 24 quy định về chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Ủy ban nhân dân “ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đầu mối Cổng thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quản lý công báo và phục vụ các hoạt động chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý văn thư - lưu trữ và công tác quản trị nội bộ của Văn phòng”.
    Nghị định số 107 bổ sung quy định chức năng về kiểm soát thủ tục hành chính. Trường hợp không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc do Văn phòng Ủy ban nhân dân thực hiện.
    Trên đây là một số ý kiến trong việc tìm hiểu, vận dụng Nghị định số 107 vào Bài 1. “Lý luận về quản lý hành chính nhà nước” Phần III.2. “Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước” tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng. Khi được phân công giảng bài này, việc tìm hiểu và cập nhật những nội dung đã nói ở trên, người giảng sẽ thu được nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng./.

       ThS. Chu Văn Thắng
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.