• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tìm hiểu lịch sử chiến thắng Đông Khê giải phóng Cao Bằng 03/10/1950

Thứ năm - 30/09/2021 16:42

    Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, lực lượng kháng chiến của ta phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường. 
    Để đẩy mạnh đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, ngày 12-8-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phát động “Tuần lễ thi đua giết giặc lập công”[1]. Nội dung Chỉ thị nêu rõ:“Trung ương, Chính phủ và Bộ tư lệnh đương chuẩn bị một chiến dịch lớn”[2]. Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Biên giới được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp làm chỉ huy trưởng, kiêm bí thư; đồng chí Trần Đăng Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách công tác hậu cần của chiến dịch.
    Làng Tả Phầy Tẩư thuộc huyện Quảng Uyên (nay là xóm Đà Vĩ trên, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) được chọn làm "Bản doanh" của sở chỉ huy chiến dịch. Trong Chỉ thị ngày 12 tháng 8 năm 1950, Trung ương Đảng đã nêu rõ: Chiến dịch Biên giới là chiến dịch rất quan trọng và nhắc nhở các địa phương trong toàn quốc phối hợp, kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch không cho phép chúng tiếp viện. Trong đó, Cao Bằng là chiến trường chính của chiến dịch, đồng thời cũng là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của  phục vụ chiến dịch. Ngay từ đầu năm 1950, Đảng bộ Cao Bằng đã nhận được Chỉ thị của Trung ương bắt tay vào công việc chuẩn bị cho chiến dịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Ban chỉ đạo đã huy động được 78.824 người, với 1.340.748 công phục vụ cho chiến dịch. Ngoài sức người, Cao Bằng huy động đóng góp được 2.346 tấn gạo, trên 120 tấn thực phẩm phục vụ chiến dịch.
    Về nhiệm vụ quân sự do Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho bộ đội địa phương tỉnh là: chặn quân địch vào phía Án Lại, Nước Hai, Bản Tấn; chặn đường rút lui về phía Bắc Kạn; Đông Khê truy kích và tiêu hao địch; chặn đường tiếp tế hàng không của chúng; khi mặt trận Đông Khê nổ súng thì thị xã Cao Bằng cùng nổ súng phối hợp. Ngoài ra, Bộ đội địa phương còn được giao nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ kho tàng, các trục đường giao thông chính để phục vụ cho chiến dịch.
    Ngày 16 tháng 8 năm 1950, Hội nghị Đảng ủy mặt trận bàn phương án tác chiến, thấy rằng ở thị xã Cao Bằng địch có lực lượng mạnh và bố trí phòng ngự vững chắc, do đó Hội nghị đã đề nghị lên Trung ương Đảng là đánh Đông Khê trước, đề nghị này được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y và Người chỉ rõ: Đông Khê là nơi địch sơ hở, nhưng lại là vị trí rất quan trọng, nếu mất Đông Khê, địch phải đem quân đến ứng cứu, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt chúng.
    Theo sự phân công của Trung ương Đảng, cuối tháng 8 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Cao Bằng, tại làng Tả Phầy Tẩư (xóm Đà Vĩ dưới) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe Bộ Chỉ huy chiến dịch báo cáo tình hình; Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã duyệt một đơn vị bộ đội trước khi đánh chiếm đồn Đông Khê. Sau đó Người ra sở chỉ huy tiền phương tại Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An trực tiếp quan sát, theo dõi chỉ đạo Mặt trận Đông Khê. Tại đây Người đã làm bài thơ "Lên núi" nổi tiếng:
    Chống gậy lên non xem trận địa
    Vặn trùng núi đỡ vạn trùng mây
    Quân ta khí mạnh nuốt Nu Đẩu
    Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
    Rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Sau hai ngày đêm chiến đấu ác liệt quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, diệt trên 300 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Phối hợp với Đông Khê, tại thị xã Cao Bằng quân ta cũng đã nổ súng giam chân và tiêu hao địch. Trong trận mở màn chiến dịch đánh Đông Khê đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm, như: chiến sĩ La Văn Cầu nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương của mình để tiếp tục xông lên phá lô cốt địch; Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình bịt lỗ châu mai mở đường cho đơn vị xông lên diệt địch; dân công Đinh Thị Dậu nhiều lần lăn vào lửa đạn để cứu thương binh đưa về hậu tuyến.
    Mất cứ điểm Đông Khê, quân địch rơi và tình thế vô cùng nguy khốn. Sau khi diệt xong cứ điểm Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: địch có thể lấy lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui về. Do đó, ý định tác chiến của ta là “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng.
    Đúng như dự đoán của ta sau thất bại Đông Khê, Tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương vội vàng thực hiện kế hoạch rút quân khỏi thị xã Cao Bằng. Theo kế hoạch này, Binh đoàn Lơ Pagiơ (Le Page) ở Thất Khê (gồm 4 tiểu đoàn, do Trung tá Lơ Pagiơ chỉ huy), có nhiệm vụ hành quân tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón Binh đoàn Sáctông (Charton, gồm 3 tiểu đoàn, do Trung tá Sáctông chỉ huy) từ Cao Bằng rút về. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân Pháp còn mở cuộc hành quân đánh lên vùng tự do Thái Nguyên, nhằm thu hút chủ lực của ta, giải tỏa cho hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn.
    Đêm 30 tháng 9 năm 1950, Binh đoàn Lơ Pagiơ từ Thất Khê lên, định bất ngờ chiếm lại Đông Khê. Sáng ngày 01 tháng 10 năm 1950, bị chặn đánh, chúng đã chiếm một số điểm cao ở cửa ngõ nam Đông Khê. Ý đồ bất ngờ chiếm lại Đông Khê của địch bị thất bại. Nhiều trận quân ta tiến công địch diễn ra quyết liệt ở dãy điểm cao nam Đông Khê như: Nà Tục, Chộc Ngả, Khau Áng, Khau Luông, đã gây cho địch nhiệu tổn thất nặng, buộc chúng phải dạt sang phía tây quốc lộ số 4 và hy vọng đón cánh quân của Sáctông ở khu vực Cốc Xả.
    Cốc Xả là dãy núi đá vôi lớn hiểm trở cách Đông Khê 7 km về phía Tây Nam. Được lệnh khẩn trương tiến đánh địch, cùng với 4 tiêu đoàn chủ lực, quan và dân tỉnh Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ, tiến đến khu vực Cốc Xả hình thành thế bao vây và hiệp đồng tiến công địch. Sáng ngày 07 tháng 10 năm 1950 quân ta mở đợt tiến công, quân địch hoảng loạn tháo chạy, ta bám đánh và gọi hàng, đến chiều ngày 08 tháng 10 năm 1950 Lơ Pagiơ cùng bộ tham mưu địch đã bị quân ta bắt tại Nà Cao (cách Cốc Xả 4 km), Binh đoàn Lơ Pagiơ hoàn toàn bị tiêu diệt.  Khi nhận được tin Binh đoàn Lơ Pagiơ bị quân ta đánh ở Cốc Xả, thì sáng ngày 03 tháng 10 năm 1950, Binh đoàn Sáctông, gồm 2000 tên, cùng với tên tỉnh trưởng ngụy quyền Nông Ngọc Tu và một số tay chân đắc lực của chúng vội vã rút khỏi thị xã Cao Bằng. Ngày 03 tháng 10 năm 1950, thị xã Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng.
    Sau khi rút khỏi thị xã Cao Bằng, Binh đoàn Sáctông theo quốc lộ số 4, hy vọng hợp quân với Lơ Pagiơ tại Cốc Xả. Tên đương tháo chạy qua Cốc Gằng bị đại đội 398 thuộc tiểu đoàn địa phương chặn đánh; khi chúng đến Nặm Nàng gặp đoạn đường ta phá hoại từ trước chúng phải bỏ xe chạy theo đường rừng  hướng về Bản Lủng, Mông Xã; đến ngày 07 tháng 10 năm 1950, cùng với bộ đội chủ lực ta chặn đánh địch ở Lam Hai, Nà Gạo, mặc dù máy bay địch ném bom bắn phá xuống trận địa, gây cho ta thêm nhiêu khó khăn nhưng với ý chí quyết thắng, tinh thần chủ động tiến công địch, bộ đội ta vây chặt địch ở Cốc Xả. Tiếp đó, ngày 07 tháng 10 năm 1950, Binh đoàn Sáctông bị tiêu diệt hoàn toàn. Sáctông cùng 20 sĩ quan trong bộ tham mưu và tên Nông Ngọc Tu, Tỉnh trưởng ngụy quyền Cao Bằng phải kéo cơ trắng xin hàng ở bản Nà Kéo. Trên một ngàn quân cứu viện gồm lính bộ binh, lính dù từ Thất Khê lên cũng bị quân ta đánh tại Bông Lau và Lũng Phầy. Trận tiêu diệt gọn Binh đoàn Sáctông đã đưa chiến dịch tới toàn thắng. Với chiến thắng Đông Khê, ngày 03-10-1950 thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Chiến dịch Biên giới năm 1950 toàn thắng, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); khai thông 750 km đường biên giới Việt - Trung; giải phóng 40 vạn dân và khoảng 4.000 km2, tạo ra bước ngoặt lớn đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
    Sau chiến thắng Đông Khê, ngày 10 tháng 10 năm 1950 Thường vụ Trung ương Đảng ra Thông cáo "về những nhiệm vụ trước mắt sau chiến thắng Đông Khê"[3]; Thông cáo đề ra 9 nhiệm vụ trước mắt, trong đó nhiệm vụ thứ 7, Thông cáo nêu rõ: "...Động viên toàn dân đẩy tới phong trào thi đua ái quốc, phát triển chiến tranh nhân dân, lập thành tích để chuẩn bị chào mừng Hội nghị bảo vệ hòa bình thế giới ở Việt Nam ...họp ngày 13 tháng 11 năm 1950....Đồng thời động viên các đồng chí lãnh đạo chiến dịch Thu - Đông năm nay cho kỳ đạt kế hoạch đã định, đặng chuẩn bị dự Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, chuẩn bị Đảng ra công khai..."4]. Thực hiện Thông cáo của Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố xây dựng Đảng, chính quyền; thi đua khai hoang, phục hóa, phát triển kinh tế, xã hội…và tiếp tục huy động sức người, sức của cùng với cả nước thực hiện trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 07-5-1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; chi viện cho tiền tuyến giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước 30 - 4 - 1975.
    Tóm lại;  Nhân dịp Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Đông Khê giải phóng Cao Bằng (03/10/1950 - 03/10/2021) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cùng tìm hiểu, ôn lại một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng. Qua đó nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của nhân các dân tộc trong tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
 

               ThS. Đặng Văn Dũng
             Trưởng khoa Xây dựng Đảng

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia. H.2001, t.11, tr. 459.
[2] Tức là chiến dịch Biên giới năm 1950. (Lúc ấy Chiến dịch chưa nổ ra, để giữ bí mật nên trong Chỉ thị còn ghi là Chiến dịch XXXX).
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia. H.2001, t.11, tr. 492.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia. H.2001, t.11, tr. 497, 498.
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.