• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Trường Chính trị Hoàng Đình Giong với việc thực hiện công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cấp xã tại tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu - 30/07/2021 09:58

    Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường có lồng ghép biến đổi khí hậu của mỗi cấp là công cụ quản trị nhà nước quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Về phương pháp luận, đến nay thực hiện đổi mới lập kế hoạch cấp xã, huyện đã có những bước tiến vững chắc theo hướng gắn bó hơn với năng lực thực hiện của địa phương và có thể áp dụng tương đối thuận lợi cả ở những vùng vốn được coi là khó khăn, nghèo nhất của tỉnh và cả nước.
    Tại tỉnh Cao Bằng, quá trình thí điểm đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã có sự tham gia bắt đầu thực hiện từ năm 2006, do Dự án quản lý Nhà nước - khuyến nông và thị trường (CB-GEM) hỗ trợ kinh phí. Sau quá trình thí điểm, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn (PS-ARD), Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Cao Bằng (DBRP). Năm 2019 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy trình lập kế hoạch phát tiển kinh tế - xã hội (KHPT KT-XH) hàng năm cấp xã có sự tham gia gắn với nguồn lực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tại Quyết định số 1715/QĐ- UBND, ngày 07/8/2009. Đến năm 2014 tiến hành mở rộng thực hiện tại tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.
    Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã có quá trình phối hợp thực hiện Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng (DBRP - Dự án IFAD giai đoạn 1) từ năm 2009 - 2014 về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã và tham gia giảng dạy các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã và các nhóm cùng sở thích. Căn cứ Quyết định số 698/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung Văn kiện Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Quyết định 1669/QĐ-BCĐ ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ về việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan thực thi hoạt động Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng; Hợp đồng hợp tác năm 2020 giữa Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng với Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, Nhà trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và giảng dạy Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm ở cấp xã tại 03 huyện dự án (gồm các huyện: Hà Quảng, Thạch An, Nguyên Bình), có 280 cán bộ cấp huyện, xã được đào tạo (theo Quyết định số 805/QĐ-UBND, ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm ở cấp xã).
    Đối với các tỉnh Miền núi phía Bắc nói chung và Cao Bằng nói riêng, những rủi ro do biến đổi khí hậu hiện là rất lớn, do vậy bất cứ một đầu tư nào trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng cần quan tâm đến yếu tố thích ứng và giảm nhẹ rủi ro. Có nhiều nguyên nhân cần được quan tâm như: sự vào cuộc của các ban ngành liên quan đến môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong tiến trình lập kế hoạch còn ở mức độ nhất định; các kịch bản về biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai thường chung chung và mới ở quy mô cấp tỉnh (hiếm khi xuống đến huyện), chứ chưa đến tiểu vùng/xã nên thông tin đầu vào liên quan đến biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai cho lập kế hoạch còn thiếu; các nhu cầu kinh tế hoặc sinh kế thường được ưu tiên nhiều hơn là các nhu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong giai đoạn mới, cần giới thiệu thêm các công cụ về phát triển thị trường, lồng ghép các công cụ đánh giá, dự đoán về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu nhằm xác định, đánh giá được tất cả các lĩnh vực cũng như những rủi ro tại địa phương, từ đó giúp cho việc xây dựng các kế hoạch hành động được toàn diện và hiệu quả hơn.
    Trong năm 2021, Nhà trường tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng thực hiện tập huấn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường cho các xã và lồng ghép chuyên đề này vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Quy trình 10 bước trong Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm cấp xã có một số điểm mới trong từng bước như sau:
    Bước 1. Hội nghị triển khai công tác lập kế hoạch xã: bổ sung dự kiến nguồn lực của xã trong 5 năm tiếp theo; xác định tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu 5 năm gần đây; lựa chọn và phân tích chuỗi giá trị ưu tiên.
    Bước 2. Thu thập nhu cầu thôn, xóm, thị trường: bổ sung thu thập nhu cầu thị trường, tổ công tác lập kế hoạch xã tổ chức họp với các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất của xã để thảo luận về nhu cầu thực tế của thị trường.
    Bước 7. Tổ công tác chỉnh sửa dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo ý kiến của huyện (tên của bước 7 trước đây là: Phòng Tài chính - Kế hoạch lấy ý kiến các bên liên quan rà soát bản kế hoạch và ngân sách xã), không tổ chức hội nghị tại huyện; công tác chỉnh sửa cập nhật bản kế hoạch của các xã phải thực hiện liên tục khi có các ý kiến chỉ đạo, góp ý của UBND huyện và các phòng chuyên môn của huyện.
    Bước 9. Họp HĐND xã thông qua kế hoạch chính thức năm X+1 và kế hoạch hoạt động theo lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tới (tên của bước 9 trước đây là: Họp HĐND xã thông qua KH và NS chính thức năm X+1). Đối với năm thực hiện thu thập nhu cầu thôn xóm, UBND xã trình bày thêm Biểu 7 để HĐND xã thông qua kế hoạch hoạt động theo ngành, lĩnh vực ưu tiên của xã trong giai đoạn từ 3-5 năm.
    Một số lưu ý: Kết quả thu thập nhu cầu thôn, xóm sẽ được sử dụng cho việc lập kế hoạch cấp xã từ 3-5 năm tiếp theo. Do đó, từ năm kế hoạch thứ 2, Bước 1,2 chỉ tổ chức họp giữa lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã, tổ công tác lập kế hoạch xã và các trưởng thôn với doanh nghiệp để rà soát lại các nhu cầu thị trường và hoạt động tại Biểu 7. Chỉ thực hiện thu thập bổ sung nhu cầu thôn, xóm khi các nhu cầu thu thập trước đó đã thực hiện xong hoặc khi có các nhu cầu cấp bách khác. Đối với các hoạt động được bổ sung, tổ công tác lập kế hoạch xã bổ sung vào Biểu 7 và trình HĐND xã thông qua tại bước 9.
     Việc triển khai công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giúp chính quyền xã, huyện coi trọng và có trách nhiệm trong công tác lập kế hoạch. Qua phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin từ nhiều phía, nhất là từ người dân đã giúp cán bộ địa phương hiểu được các nguồn lực có sẵn hoặc các nguồn vốn cần huy động (ngân sách, doanh nghiệp, các chương trình, dự án, đóng góp của người dân…) để đầu tư, từ đó chất lượng bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã từng bước được nâng lên. Việc thực hiện các hoạt động trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội xã đã huy động được đáng kể nguồn lực từ nhân dân tự nguyện đóng góp để thực hiện (công lao động, vật liệu sẵn có tại địa phương, đất đai, tiền…). Người dân được trực tiếp tham gia từ việc xác định hoạt động đến việc thực hiện, giám sát khi triển khai các hoạt động; các công trình, dự án sau khi được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp như đường nội đồng, đường liên thôn, kênh mương, thủy lợi đã góp phần cải thiện điều kiện nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh của người dân, phát huy hiệu quả tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các xã.
     Qua việc thực hiện công tác tập huấn cho các xã đã giúp giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong cập nhật thêm kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến thị trường và biến đối khí hậu, hiểu biết thêm về các hoạt động của Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đang hỗ trợ tại Việt Nam; rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm... Đồng thời mở rộng được vốn kiến thức của mình và vận dụng những kiến thức lý luận vào trong thực tiễn giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Khi tài liệu được đưa vào giảng dạy các lớp học tại Trường sẽ giúp học viên nâng cao kiến thức về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường và tập trung hỗ trợ cho hoạt động nhân rộng thực tế công cụ lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm cấp xã tại tỉnh Cao Bằng.
    Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng các xã về “Hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm ở cấp xã” phát huy vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ địa phương, hiểu thêm về nội dung định hướng thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu, để nâng cao tính khả thi của kế hoạch; đặc biệt là vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân trong việc tham gia xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, đảm bảo tính hiệu quả sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, bền vững, ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào tại địa phương. Từ đó đã thu được những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa thực tiễn, bài học thành công của các xã trong công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường.
    Để phát huy hiệu quả công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm ở cấp xã, sự phối hợp trong thực hiện các hoạt động của Trường Chính trị Hoàng Đình Giong với Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng, cần thực hiện các nội dung sau:
   Một là, tiếp tục nâng cao năng lực của cấp cơ sở trong quá trình lập kế hoạch. Xây dựng chương trình truyền thông về đổi mới tư duy lập kế hoạch cấp xã trên toàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên nguồn của Trường về lập kế hoạch ở các cấp để triển khai chương trình tập huấn, nâng cao năng lực lập kế hoạch theo hướng cầm tay chỉ việc cho cán bộ xã và thôn, xóm; trong đó lồng ghép các nguồn vốn và phân cấp cho huyện để mở các lớp tập huấn, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kế hoạch cấp huyện, xã và đào tạo lại cho những cán bộ chưa được tập huấn trong thời gian phù hợp.
    Hai là, Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tiếp tục phối hợp với Nhà trường nghiên cứu và biên soạn các tài liệu hỗ trợ phụ nữ dân tộc về thực hiện bình đẳng giới, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh nhằm huy động sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tài liệu về kỹ năng cho lãnh đạo và cán bộ cấp xã vận dụng vào lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm ở cấp xã (đưa vào nội dung giảng dạy tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị và các lớp bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở);
    Ba là, phối hợp với Dự án tiếp tục hỗ trợ cho các giảng viên của Nhà trường đi nghiên cứu thực tế, sử dụng các tư liệu để giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng bài giảng.
    Phát huy hiệu quả công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế; đồng thời tạo được sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

ThS. Đoàn Thị Vân Thúy
Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.