• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một vài suy nghĩ về cách soạn giảng của giảng viên tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong hiện nay

Thứ năm - 30/09/2021 16:59

    Trường Chính trị Hoàng Đình Giong có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đội ngũ giảng viên của Trường hiện nay là 32 đồng chí đều được đào tạo cơ bản, đáp ứng các tiêu chí của giảng viên Trường Chính trị. Trong những năm gần đây, chất lượng giảng dạy của giảng viên được lãnh đạo tỉnh và các ngành các cấp quan tâm, để nâng cao năng lực giảng dạy của bản thân đáp ứng được những yêu cầu của học viên thì mỗi giảng viên cần phải nỗ lực cố gắng học tập, nghiên cứu và rèn luyện, đặc biệt là trong quá trình soạn giáo án và giảng dạy trên lớp.
    Cùng với nghiên cứu khoa học thì soạn giáo án và giảng dạy là một trong những công việc chính của người giảng viên. Để việc soạn giảng có hiệu quả, bài giảng có chất lượng, đòi hỏi giảng viên cần sử dụng kết hợp nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đặc biệt cách phát hiện ra những vấn đề trọng tâm, từ khóa, cách phân tích cũng như đưa ra những lý lẽ chứng minh, ví dụ minh họa, kết thúc nội dung vấn đề.
    Hiện tại, cơ bản giảng viên Nhà trường đã biết cách khai thác, tìm hiểu nội dung vấn đề từ đọc hiểu, tìm ra những nội dung quan trọng, biết cách phân tích và khái quát được nội dung cơ bản của bài học. Điều đó được thể hiện qua chất lượng giáo án, chất lượng giảng dạy trên lớp và những nhận định, đánh giá của học viên đối với giảng viên của Trường qua các buổi dự giờ cũng như qua phản hồi từ phía học viên.
    Tuy nhiên, một số ít giảng viên còn lúng túng, chưa biết cách triển khai những nội dung bài học sao cho dễ hiểu, phù hợp với đối tượng người học. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là làm sao cho các giảng viên có thể phát hiện ra những vấn đề chính, trọng tâm của bài để từ đó phân tích sâu vấn đề, giúp học viên dễ hiểu và có thể vận dụng được nội dung của bài học vào quá trình thực tiễn công tác có hiệu quả.
    Để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của giảng viên tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong trong thời gian tới, việc phát hiện vấn đề trong soạn giáo án và giảng dạy có thể thực hiện theo 5 bước sau:
    Bước 1: Đọc hiểu
    Thực chất của việc đọc hiểu chính là quá trình tích lũy kiến thức của giảng viên, là lượng kiến thức mà mỗi giảng viên cần nắm và có được qua quá trình học tập, nghiên cứu, trao đổi,…
    Đọc hiểu có vai trò quan trọng đối với quá trình soạn giảng của giảng viên. Giúp giảng viên có được một lượng kiến thức lớn, tổng quát trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Từ nền tảng kiến thức sẵn có, khi đọc một đoạn văn, một nội dung nào đó để soạn giáo án, giảng viên sẽ hiểu nhanh vấn đề hơn. Giúp giảng viên tự tin hơn trong giảng dạy, tạo tiền đề cho các bước phân tích sâu bài giảng, từ đó nâng cao chất lượng bài giảng và giúp học viên hiểu, dễ dàng tiếp thu nội dung.
    Để bước đọc hiểu có hiệu quả, đòi hỏi giảng viên phải có quá trình tích lũy kiến thức hàng ngày trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, …để vận dụng, lựa chọn những nội dung phù hợp đưa vào chuyên đề giảng dạy.
    Bước 2: Thiết kế nội dung
    Thiết kế nội dung chính là việc sắp xếp lại các nội dung trong từng mục, phần, bài,…theo mục đích của giảng viên. Việc thiết kế nội dung có vai trò rất quan trọng, sẽ giúp cho mục, phần, bài, …được sắp xếp theo một trật tự, logic. Làm cho giảng viên dễ dàng truyền tải nội dung đến học viên và học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu nội dung bài giảng hơn. Để việc thiết kế nội dung của bài giảng được hiệu quả, đòi hỏi giảng viên phải biết tách ý, gộp ý và sắp xếp lại các ý trong từng phần, từng nội dung sao cho phù hợp. Tuy nhiên, việc sắp xếp các ý phải đảm bảo kết cấu, không đi ngược lại nội dung trong giáo trình.
    Bước 3: Tìm từ khóa, ý chính
    Từ khóa thường là một từ hoặc một cụm từ trong một câu, một đoạn mang ý chính. Việc tìm ra từ khóa, ý chính có vai trò rất quan trọng đối với việc soạn giáo án và giảng dạy của giảng viên: Làm cho bài giảng của giảng viên đi đúng hướng, trọng tâm, trọng điểm và tiết kiệm được thời gian, tránh lan man, dài dòng, không tập trung vào những nội dung không cần thiết.
    Để hiểu được nội dung của đoạn (mục, phần, bài) đang nghiên cứu, giảng viên có thể tìm chủ đề, tìm ý chính của đoạn ở đầu, ở giữa, ở cuối đoạn văn hoặc có đoạn ý chính không được thể hiện trong bất kỳ một câu nào của đoạn mà đòi hỏi người đọc tự rút ra.
    Bước 4: Phân tích, chứng minh
    Phân tích là làm rõ hơn, sâu hơn ý chính của vấn đề, chứng minh là sử dụng dẫn chứng để làm rõ vấn đề đã nêu ra.
    Phân tích, chứng minh, đưa ra ví dụ là một trong những bước chính, quan trọng nhất khi giảng viên thực hiện hoạt động soạn giáo án và giảng bài, sẽ làm rõ, sâu hơn cho bài học, giúp học viên hiểu rõ nội dung của vấn đề.
    Với việc phân tích, có thể phân tích bằng 3 cách: diễn dịch, quy nạp và so sánh. Với việc chứng minh, đưa ra ví dụ có thể được thực hiện bằng lời văn (định tính) hoặc con số (định lượng). Trong phân tích nên sử dụng cả chứng minh và đưa ví dụ để làm sinh động hơn và củng cố thêm cho phần lý luận của bài giảng.
    Bước 5: Chốt vấn đề
    Chốt vấn đề là: tóm tắt, khái quát lại nội dung của vấn đề, sau đó cần xác định nội dung trọng tâm và nêu ý nghĩa của nội dung vừa tìm hiểu đối với thực tiễn của học viên.
    Chốt vấn đề có vai trò quan trọng đối với học viên. Giúp học viên nắm được khát quát vấn đề, biết được đâu là nội dung trọng tâm và có thể ứng dụng, áp dụng được vào thực tiễn như thế nào cho có hiệu quả.
    Chốt vấn đề cần bám sát ý chính, từ khóa, các mục trong bài học; bài học nói về vấn đề gì thì trình tự khái quát lại các vấn đề đó; nhấn mạnh nội dung nào là trọng tâm của bài; nêu ý nghĩa, vai trò, cách ứng dụng, khả năng ứng dụng của nội dung bài học vào trong quá trình công tác, thực tiễn của học viên.
    Trên đây là 5 bước trong việc phát hiện vấn đề theo cách nhìn của tác giả khi tìm hiểu nội dung bài học để phục vụ quá trình soạn giảng của giảng viên. Đó là đọc hiểu; thiết kế nội dung; tìm từ khóa, ý chính; phân tích, chứng minh và chốt lại nội dung đã nghiên cứu. Trong 5 bước trên, bước nào cũng đều cần thiết, tuy nhiên, quan trọng là việc tìm ra từ khóa và phân tích sẽ làm cho học viên hiểu rõ, sâu sắc vấn đề. Với các bước phát hiện vấn đề như trên, giảng viên có thể ứng dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng bài học và quá trình làm việc của bản thân để nâng cao hơn nữa chất lượng soạn giáo án vào các chương trình giảng dạy tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường ngày một hiệu quả hơn./.

 ThS. Hoàng Kim Huệ
Giảng viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.