• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Kinh tế thị trường hoàn toàn phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Thứ năm - 30/09/2021 17:07

    Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xây dựng mô hình kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: Khi nói đến kinh tế thị trường là nói đến chủ nghĩa tư bản, chính vì vậy không thể kết hợp kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng sự thật hoàn toàn không phải như vậy.
    Như chúng ta đã biết, kinh tế thị trường là kinh tế hàng hoá ở giai đoạn phát triển cao, trở thành hình thức kinh tế phổ biến, chi phối nền sản xuất xã hội, khi mọi yếu tố đầu vào của sản xuất và sản phẩm do sản xuất tạo ra, cả tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, đều là hàng hoá, các sản phẩm này đến tay người sản xuất hay người tiêu dùng đều phải qua mua bán, trao đổi, phải thông qua thị trường, phụ thuộc vào thị trường. Các quy luật của nền kinh tế hàng hoá như quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật lưu thông tiền tệ…cũng là những quy luật của kinh tế thị trường; hơn nữa các quy luật của nền kinh tế hàng hoá chỉ được phát huy và thể hiện đầy đủ trong nền kinh tế thị trường.
    Định hướng xã hội chủ nghĩa là thuật ngữ chỉ đặc trưng của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm duy vật lịch sử mà trực tiếp là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, lịch sử phát triển của xã hội loài người tuân theo các quy luật khách quan như một quá trình lịch sử - tự nhiên, thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Từ xã hội cộng sản nguyên thuỷ tới xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và nhất định sẽ đi lên cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là xã hội xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là giai đoạn cao hơn, phát triển hơn chủ nghĩa tư bản, trên cơ sở kế thừa những thành tựu nhân loại đã sáng tạo ra và tích luỹ được từ chủ nghĩa tư bản, đồng thời khắc phục những hạn chế của chủ nghĩa tư bản, xoá bỏ những cản trở do chủ nghĩa tư bản tạo ra đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại, mà mâu thuẫn cơ bản nhất là mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hoá của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, làm cho sự phát triển của nền sản xuất xã hội bị giới hạn bởi mục đích chật hẹp là đem lại lợi nhuận tối đa cho tư bản, mà cũng vì mục đích tối đa hoá lợi nhuận mà sinh ra những mâu thuẫn xã hội sâu sắc.
    Từ cách tiếp cận như trên, chúng ta có thể khẳng định rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mô hình kinh tế phù hợp với thực tiễn nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sở dĩ như vậy là do:
    Một là, chúng ta thấy rằng Đảng ta khi lựa chọn mô kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự lựa chọn cẩn trọng, không chủ quan, được đúc rút từ quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn ở nước ta. Nếu như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta mới chỉ đưa ra luận điểm là phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội, thì đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng ta đề cập, vận hành cơ chế kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quan lý của Nhà nước. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta lần đầu tiên sử dụng cụm từ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta về lựa chọn xây dựng mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ. Sở dĩ trước đây có quan niệm cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản là vì nhận thức của chúng ta về kinh tế thị trường chưa đầy đủ. Cùng với quá trình đổi mới về tư duy Đảng ta khẳng định: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại…Thực tiễn đổi mới ở nước ta đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội”[1]. Kinh tế thị trường bên cạnh những mặt tích cực thì cũng còn đó không ít những khuyết tật. Do đó, chỉ khi nào gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa, thì mới bảo đảm nền kinh tế đó hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế phục vụ đông đảo đời sống nhân dân. Chính vì lẽ đó Đảng ta lựa chọn và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn.
    Hai là, Đảng và Nhà nước ta coi kinh tế thị trường như là công cụ, phương tiện để xây dựng cơ sở vật chất cho xã hội xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phục vụ nâng cao đời sống cho nhân dân. Có thể nói, đây là điểm khác biệt căn bản giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các loại hình kinh tế thị trường khác. Như vậy, kinh tế thị trường không phải là mục đích mà chỉ là công cụ, phương tiện để thực hiện mục tiêu tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn cũng cho thấy việc vừa phát triển kinh tế thị trường, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là việc làm chưa từng có trong tiền lệ, đòi hỏi sự kiên trì mục đích phát triển kinh tế thị trường, vận dụng các quy luật kinh tế thị trường để vừa phù hợp quy luật kinh tế, vừa đảm bảo các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
    Ba là, định hướng xã hội chủ nghĩa giúp chúng ta xây dựng cơ chế vận hành nền kinh tế theo hướng phục vụ tối đa lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, trong qua trình lãnh, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính sách kinh tế, Đảng ta luôn khằng định phải tiến hành “quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích nhân dân lao động, của toàn thể nhân dân”[2]. Như vậy, hệ thống công cụ Nhà nước sử dụng để quản lý nền kinh tế thị trường hướng tới mục tiêu giải phóng sức sản xuất, giải phóng sức lao động phát huy mặt mạnh, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của nó, phục vụ cho lợi ích của người lao động.
    Có thể khẳng định rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế không chỉ phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại, điều đó được minh chứng qua những kết quả đạt được của 35 năm đồi mới. Về kinh tế: quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 271,2 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.779 USD, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Về văn hoá - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giảm 1,4%/năm giai đoạn 2016 - 2020…
    Như vậy, những ý kiến cho rằng kinh tế thị trường không thể kết hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa hoặc là định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là “cái đuôi” khi gắn với kinh tế thị trường…những cách hiểu như vậy quả thật là cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ, cố tình làm ngơ trước thực tiễn đã thay đổi, không chịu đổi mới nhận thức lý luận; hoặc cố tình đi ngược lại quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

ThS. Nông Văn Dũng
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

 
 
 
 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2008, tr.139.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001,tr. 87 – 88.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.