• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Vận dụng Nghị quyết số 18-NQ/TW vào giảng dạy Phần III.1, III.2 trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Chủ nhật - 30/09/2018 11:13

     Hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.
     Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là hạt nhân của hệ thống chính trị.
     Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương) quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
     Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận là một bộ phận của hệ thống chính trị; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện hoạt động các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, đảng viên, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
     Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu. Đảng đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”......
     Qua thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, hệ thống chính trị vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ...
     Trên cơ sở đi sâu đánh giá tình hình, nguyên nhân hạn chế, bất cập của công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (viết tắt là Nghị quyết 18).
     Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Học viện Chính trị quốc gia ban hành trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn liên quan đến các vấn đề về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật.... cho học viên, trong đó, Phần III.1 Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, Phần III.2 Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, có những bài chịu ảnh hưởng toàn bộ, hoặc một phần của nội dung Nghị quyết 18. Do vậy, việc đưa nội dung Nghị quyết 18 vào giảng dạy thuộc các phần học III.1, III.2 là hết sức cần thiết.    
     Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
     Thứ nhất, giảng viên cần chủ động, tích cực nghiên cứu toàn văn Nghị quyết 18: Qua hoạt động này, giảng viên sẽ nắm chắc những nội dung cơ bản, khái quát của Nghị quyết, đặc biệt là những điểm mới thể hiện sự phát triển về nhận thức và lý luận của Đảng để kịp thời truyền tải đúng tới học viên. Cụ thể: Nghị quyết số 18 có 6 quan điểm chỉ đạo; mục tiêu tổng quát; 3 nhóm mục tiêu cụ thể; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung; 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung vào việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời giảng viên sẽ xác định được ngay nội dung của Nghị quyết sẽ đáp ứng phần nào trong giáo trình mà giảng viên đang tìm kiếm.
     Thứ hai, xác định phạm vi ảnh hưởng của Nghị quyết 18 đến từng bài: Có bài sẽ chịu tác động của Nghị quyết một cách trực tiếp và toàn diện (Bài 1 Phần III.1: Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay). Nhưng có bài chịu tác động ảnh hưởng của một phần nội dung Nghị quyết (Mục 2.3 Phần III của Nghị quyết ảnh hưởng đến bài 3 phần III.1: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Có bài ảnh hưởng bởi một số nội dung của Nghị quyết (Bài 11 Phần III.2 Một số vấn đề về cải cách hành chính ở cơ sở có nội dung về tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương tới cơ sở, vấn đề cán bộ, công chức của toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính… thì nội dung Nghị quyết cần quan tâm là ý 3 mục 1 Phần II, từ ý thứ 2 đến ý thứ 9 mục 1 Phần III, mục 2.2, 2.3 phần III). Khi đã xác định rõ được mức độ ảnh hưởng của Nghị quyết đến từng bài sẽ giúp giảng viên có sự lựa chọn nội dung phù hợp trong Nghị quyết để đưa vào bài giảng, giúp mang lại hiệu quả cao và tránh được sự trùng lặp.
     Thứ ba, lựa chọn nội dung Nghị quyết để đưa vào bài giảng một cách phù hợp: Để khai thác có hiệu quả và không gây nhàm chán cho học viên đòi hỏi giảng viên phải bám sát vào các nội dung trong bài mà giáo trình đã cung cấp để đưa nội dung Nghị quyết vào cho phù hợp; tránh việc tham kiến thức đưa toàn văn Nghị quyết và truyền đạt đơn điệu. Giảng viên có thể trích chi tiết các nội dung quan trọng hoặc có thể nói tinh thần, khái quát những nội dung của Nghị quyết có liên quan đến bài giảng. Trong quá trình trích dẫn Nghị quyết cần kết hợp với phân tích, giải thích và lấy ví dụ chứng minh… sẽ làm cho nội dung Nghị quyết đưa vào sinh động, thuyết phục và hấp dẫn học viên.
     Thứ tư, giảng viên phải thường xuyên bám sát kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh để kịp thời cập nhật những nội dung Nghị quyết đã được cụ thể hóa ở  địa phương: Vì trên tinh thần Nghị quyết có những nội dung các địa phương sẽ cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình của mình để triển khai có hiệu quả. Việc giảng viên bám sát vào kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh góp phần bảo đảm tính cập nhật, tính thời sự trong mỗi bài giảng, tuyên truyền các văn bản của Tỉnh đến học viên nhanh nhất. Bảo đảm tính thống nhất và quyết tâm của tỉnh trong việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng.
     Thứ năm, vận dụng nội dung Nghị quyết ra đề thi mở cho Phần III.1, III.2: Bên cạnh việc giảng dạy cần chú trọng sử dụng Nghị quyết trong việc xây dựng các đề thi tự luận theo hướng mở. Việc ra đề vào nội dung trích trong Nghị quyết là điều kiện quan trọng để học viên tự liên hệ nội dung của Nghị quyết gắn với nội dung bài giảng và gắn với thực tiễn ở địa phương, đơn vị nơi công tác. Qua đó giúp học viên có cách nhìn nghiêm túc, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể góp phần thực hiện tốt nội dung Nghị quyết 18 nói riêng và nội dung các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết… của Đảng nói chung tại cơ sở.
     Để đưa Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào giảng dạy, mỗi giảng viên cần tích cực tham gia học tập, nghiên cứu sâu nội dung của Nghị quyết. Vận dụng hiệu quả nội dung của Nghị quyết 18 vào từng  bài giảng, phần học cho phù hợp với từng đối tượng học viên; kết hợp linh hoạt các phương pháp, phương tiện giảng dạy để học viên nhận thức đúng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong Nhà trường đồng thời góp phần đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống./.
                                                               ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                                Giảng viên  Khoa Nhà nước và Pháp luật

    Tài liệu tham khảo
    Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.