• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tìm hiểu về thừa kế trong Bộ Luật dân sự 2015

Chủ nhật - 30/09/2018 10:59

      Thừa kế là một chế định dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc dịch chuyển tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi, quyền nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền nghĩa vụ của người thừa kế.
       Bộ Luật dân sự sửa đổi năm 2015 (BLDS năm 2015) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 24/11/2015 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017) gồm 27 chương, 689 điều. Bài viết này giới thiệu một số quy định mới về Thừa kế của Bộ luật dân sự năm 2015 cụ thể như sau:
       Một là, về đối tượng được hưởng thừa kế, trong BLDS năm 2015  có quy định về đối tượng được hưởng không phải cá nhân, quyền được hưởng thừa kế theo di chúc còn được đặt ra với cả cơ quan, tổ chức. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng thừa kế theo di chúc (Điều 609)
      Hai là, quyền của người quản lý di sản đã được quy định chặt chẽ hơn, trước đó trong BLDS năm 2005 có quy định về thù lao cho người quản lý di sản thừa kế là sự thỏa thuận với người được hưởng thừa kế. Nhưng trong thực tế có sự mâu thuẫn về các lợi ích liên quan đến thù lao giữa người quản lý di sản và người hưởng thừa kế. Để bảo vệ quyền lợi cũng như công sức của người quản lý di sản trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý với công sức bỏ ra để quản lý di sản và mức thù lao đó do người hưởng thừa kế chi trả (khoản 3 Điều 618); Trong BLDS năm 2015 còn đưa thêm đối tượng được thanh toán chi phí bảo quản và thù lao quản lý di sản ngoài người quản lý di sản theo ý chí của người để lại di chúc, sự thỏa thuận của những người thừa kế thù lao những người đang chiểm hữu, sử dụng, quản lý di sản cũng được hưởng thù lao từ người hưởng thừa kế và chi phí bảo quản di sản đến khi giao cho người khác quản lý (khoản 2 Điều 616). Trong thứ tự ưu tiên thanh toán trước khi chia di sản (Điều 658 BLDS năm 2015)
      Ba là, thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Điều 623 BLDS năm 2015 đã quy định mới về thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Trước đó BLDS năm 2005 có đưa ra thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế là 10 năm nhưng nhiều trường hợp khi nộp đơn lên Tòa án yêu cầu chia di sản nhưng bị trả lại đơn do hết thời hiệu khởi kiện. Những di sản về quyền sử dụng đất, tài sản đăng ký quyền sở hữu không làm thủ tục đăng ký sang tên được và cũng không có cách giải quyết vụ thể vì không có quy định về giải quyết các vấn đề này khi phát sinh. Quy định mới này giúp cho người làm luật có hướng cụ thể, thống nhất khi gặp các vấn đề phát sinh khi hết thời hiệu khởi kiện.
     Bốn là, về người người lập di chúc, trong BLDS năm 2005 thì người lập di chúc là người đã thành niên thì có quyền lập di chúc trừ trường hợp người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Trong luật không có quy định về khả năng nhận thức, tình trạng của người lập di chúc trong lúc lập di chúc. Để đảm bảo ý chí trong di chúc của người để lại di chúc thì  Điều 625 BLDS năm 2015 về người lập di chúc có thêm điều kiện để được công nhận người lập di chúc có giá trị pháp luật, cụ thể:
          1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình
          a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
      Năm là, chữ viết và tiếng nói của di chúc, trong BLDS năm 2005 có quy định thêm về người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình. Điểm mới trong BLDS năm 2015 thì đã bỏ đi phần quy định về tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trong di chúc; về  công bố di chúc nếu di chúc được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra bằng tiếng Việt và phải công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bản di chúc đó mới có giá trị pháp luật (khoản 5 Điều 647).
     Sáu là, nội dung di chúc. Điểm mới của BLDS năm 2015 so với BLDS 2005: Nội dung di chúc được tẩy xóa, sửa chữa nhưng để di chúc có hiệu lực và được minh bạch về nội dung thì người lập di chúc và người làm chứng phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc phần bị tẩy xóa, sửa chữa thêm tránh sự thay đổi nội dung di chúc mà không có sự đồng ý của người để lại di chúc (khoản 3 Điều 631).
     Bảy là, người làm chứng trong di chúc, BLDS năm 2005 không quy định phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự; trong BLDS năm 2015 có quy định những người có đủ năng lực hành vi dân sự mới được làm chứng trong việc lập di chúc (Điều 632).
     Tám là, trường hợp di chúc bị thất lạc, như quy định của BLDS năm 2005 về việc xử lý di chúc bị thất lạc thì di chúc sẽ được giải quyết theo hai trường hợp: Di chúc bị thất lạc và không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật; trường hợp di sản chưa được chia mà tìm thấy di chúc thì chia di sản theo di chúc. Còn trường hợp tìm thấy di chúc nhưng di sản thừa kế đã chia theo pháp luật thì chưa có cách giải quyết cụ thể. Để khắc phục hạn chế trên thì trong BLDS năm 2015 còn quy định thêm về trường hợp vẫn còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế và tìm thấy di chúc bị thất lạc và tài sản đã chia thì sẽ được chia theo nội dung di chúc nếu những người thừa kế có yêu cầu chia di sản theo di chúc (khoản 3 Điều 642).
     Chín là, về từ chối nhận di sản, trong BLDS năm 2005 có quy định về thời hạn để yêu cầu từ chối nhận di sản là 6 tháng, nếu trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có ai yêu cầu từ chối nhận di sản thì coi như người thừa kế đồng ý nhận di sản. Nhưng trong thực tế, do nhiều yếu tố như khoảng cách… mà người thừa kế không tiếp nhận được thời điểm mở thừa kế để từ chối nhận di sản, khi có yêu cầu từ chối nhận di sản để nhượng quyền hưởng di sản cho người khác nhưng hết thời hạn 6 tháng yêu cầu từ chối nên họ vẫn phải nhận di sản thừa kế theo quy định. Để thể hiện ý chí của người thừa kế, BLDS năm 2015 không quy định một thời hạn cụ thể để từ chối mà thời gian từ chối nhận di sản sẽ phải thực hiện trước thời điểm phân chia di sản (khoản 3 Điều 620)
     Mười là, quy định cụ thể hơn về người được di tặng tài sản. Cũng giống như quy định về người thừa kế thì người được di tặng cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (khoản 2 Điều 646)
     Mười một là, hạn chế phân chia di sản, để đảm bảo cuộc sống cho người còn sống thì khi hết thời hạn 3 năm yêu cầu hạn chế mà người còn sống vẫn gặp khó khăn, khi phân chia di sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của họ thì người thừa kế có thể yêu cầu tòa án ra hạn thêm một thời hạn nữa và không quá 3 năm. Như vậy thời hạn tối đa để hạn chế phân chia di sản là không quá 6 năm và người thừa kế phải chứng minh việc chia di sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người còn sống. Sau thời hạn trên thì tòa án sẽ phân chia di sản thừa kế theo quy định. (Điều 661)
    Bộ Luật dân sự năm 2015 là một bộ luật có sự thay đổi lớn trong ngành luật Dân sự nước ta, có vai trò, ý nghĩa quan trọng, các quy định đưa ra trong luật có tác động mạnh mẽ tới quyền lợi của cá nhân, pháp nhân và các điểm mới về thừa kế không là ngoại lệ trong đó./.
                                                                               ThS. Hoàng Ngọc Mai
                                                                Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.