• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số ý kiến trao đổi về giáo trình Phần III.2 Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ bảy - 30/06/2018 10:39

       Ngày 21/4/2014, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có Quyết định số 1479/QĐ- HVCTQG về việc ban hành “Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính”. Trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, ngày 8/7/2014, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3058/QĐ-HVCTQG về việc đưa vào sử dụng bộ giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (chỉnh sửa, bổ sung năm 2014) được áp dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ tháng 8/2014.
    Sau 2 năm thực hiện, tiếp thu ý kiến đóng góp của giảng viên và học viên từ các cơ sở đào tạo, đồng thời do yêu cầu của thực tiễn cũng như hệ thống chính sách, văn bản mới sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 14/7/2016, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG về việc điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Cùng với việc điều chỉnh chương trình, bộ giáo trình cũng được chỉnh lý, cập nhật, bổ sung và đưa vào sử dụng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương từ  đầu năm  2017.
 Giáo trình mới có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cần thiết, bước đầu hợp lý hóa việc phân công nhiệm vụ cho các khoa chuyên môn của các  trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nội dung giáo trình cũng được chỉnh lý, cập nhật văn kiện Đại hội XII của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của bộ giáo trình xuất bản năm 2014. Tuy vậy, từ thực tiễn quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy giáo trìnhTrung cấp lý luận chính trị - hành chính (Phần III.2: Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước) vẫn còn một số bất cập sau đây:
    Một là, khung chương trình phân bổ chưa thực sự hợp lý giữa các bài. Nhiều bài học với dung lượng kiến thức lớn nhưng thời gian giảng dạy chỉ có 04 tiết, gây khó khăn cho giảng viên và học viên trong quá trình dạy và học. Đơn cử Bài 1: Lý luận chung về hành chính nhà nước là chuyên đề quan trọng có tính chất nhập môn, tổng quan của toàn bộ học phần nhưng chỉ được bố trí 04 tiết. So với giáo trình 2014, giáo trình 2017 còn bổ sung thêm mục “Đặc điểm và các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước”, hoặc Bài 4: Quản lý đất đai, địa giới hành chính và xây dựng ở cơ sở - đây là bài học với khối lượng kiến thức lớn, có nhiều vấn đề nóng bỏng thể hiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và người dân; nhưng thời lượng 04 tiết là không hợp lý. Vì vậy, có thể nói, việc tiếp cận nội dung bài học nhiều khi không còn là “cưỡi ngựa xem hoa” mà có học viên còn gọi là “cưỡi tên lửa xem hoa”.
    Hai là, nội dung nhiều phần học, bài học chỉ hướng tới đối tượng học viên là cán bộ, công chức chính quyền cơ sở, trong khi đối tượng học viên của chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay rất đa dạng, nên nội dung chương trình chưa mang tính phổ quát chung cho tất cả các đối tượng học viên.
    Ba là, nhiều bài học vẫn còn sử dụng, trích dẫn văn bản pháp luật hết hiệu lực pháp luật. Cụ thể cần sửa đổi một số nội dung như sau:
   - Bài 1: Lý luận về quản lý hành chính nhà nước: Mục 3. Các điều kiện tiến hành hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở (trang 34) nhiều nội dung được viết theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 (đã hết hiệu lực pháp luật). Vì vậy, đoạn này cần được viết lại như sau:
   + Thay các viện dẫn Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 bằng Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
   + Từ dòng 8 đến dòng 16 (trang 35), cần viết lại là:
   Ủy ban nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban nhân dân tỉnh loại I có không quá bốn Phó Chủ tịch; tỉnh loại II và loại III có không quá ba Phó Chủ tịch. Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh gồm có các sở và cơ quan tương đương sở.
  Ủy ban nhân dân huyện gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban nhân dân huyện loại I có không quá ba Phó Chủ tịch; huyện loại II và loại III có không quá hai Phó Chủ tịch. Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện gồm có các phòng và cơ quan tương đương phòng.
   Ủy ban nhân dân xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Ủy ban nhân dân xã loại I có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại II và loại III có một Phó Chủ tịch.
  - Bài 2: Quản lý cán bộ, công chức ở cơ sở
  + Bổ sung Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 04 năm 2013 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”.
  + Tại mục 5.2.1 và 5.2.2 trang 72, 73 về chế độ phúc lợi bắt buộc và phúc lợi tự nguyện cần cập nhật các quy định mới. Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung 2014 quy định từ ngày 01/01/2016, cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
  -  Bài 3: Quản lý ngân sách ở địa phương
 + Mục 1.2.1. Thẩm quyền, nguyên tắc và các tiêu chí phân cấp; thay các viện dẫn Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 bằng Luật Ngân sách nhà nước 2015.
 + Bổ sung Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn thay Thông tư số 06/2003/TT-BTC đã bãi bỏ.
  - Bài 7: Quản lý hành chính - tư pháp ở cơ sở: Cần viện dẫn Luật thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 chứ không phải Luật thi hành án hình sự 2011.
 - Bài 9: Kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế  hành chính ở cơ sở: Phần tài liệu tham khảo cần ghi cụ thể Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001); Hiến pháp năm 2013 thay cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2013).
 - Bài 10: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở cơ sở: Danh mục tài liệu tham khảo:
 + Cần ghi cụ thể Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001); Hiến pháp năm 2013 thay cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2013).
 + Bổ sung Luật Tiếp công dân năm 2013.
 - Bài 11: Một số vấn đề về cải cách hành chính ở cơ sở
 + Bổ sung Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 của Chính phủ quy định “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
 + Bổ sung Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020”.
 + Mục 2.2.2. Thực hiện thủ tục cải cách hành chính theo hướng “Một cửa” và “Một cửa liên thông” nên sửa lại thành Thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Cũng trong mục này, cần trích dẫn nội dung Quyết định 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 thay thế cho Quyết định 93/2007/QĐ-TTg đã hết hiệu lực.
   Giáo trình là tài liệu quan trọng, cần thiết phục vụ nghiên cứu giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên, đòi hỏi tính pháp lý, độ chính xác cao và phù hợp với đối tượng người học. Với những ý kiến cá nhân chỉ ra những bất cập của giáo trình Phần III.2: Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước; hi vọng sẽ góp phần giúp cho giảng viên, học viên chú ý trong quá trình dạy và học đạt kết quả./.
                                                        ThS. Nguyễn Thị Oanh
                                        Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật
 

 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.