• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Xây dựng đạo đức công vụ vì nhân dân trong nền hành chính hiện nay

Thứ bảy - 30/06/2018 10:32

   Đạo đức công vụ là hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, hành vi trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, chức trách bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ. Giá trị cốt lõi mà công chức đảm nhận thể hiện ở cách công chức xử sự và đóng góp để xã hội tốt đẹp hơn, bao gồm dịch vụ công tốt và từng cá nhân công chức phải trau dồi, bồi dưỡng về mọi mặt để tiến bộ hơn, qua đó xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp và trong sạch, tận tụy, công tâm.
    Vấn đề đạo đức công vụ công chức là vấn đề có tầm quan trọng đến sự thành bại của nền hành chính. Đối với công tác xây dựng chính quyền, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và việc phòng chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước.
   Đạo đức công vụ được xem xét từ hai góc độ:
   Thứ nhất, là yêu cầu về đạo đức đối với một công dân. Đó là đạo đức, là chuẩn mực, là đức tính của bản thân con người trong xã hội. Nói cách khác với tư cách là công dân người công chức phải mang trong mình những nguyên tắc chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội nói chung mà trong đó họ tồn tại với tư cách là một công dân.
   Thứ hai, là góc độ đạo đức nghề nghiệp. Với tư cách là công chức họ phải tuân thủ những nguyên tắc, chuẩn mực, quy định cách ứng xử của người công chức trong hoạt động thực thi công vụ mà không bao giờ được vi phạm đạo đức của nghề công chức. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức đạo đức, biến nhận thức đạo đức thành hành vi đạo đức, thành thực tiễn đạo đức là việc làm hết sức cần thiết trong thực tiễn điều hành quản lý xã hội hiện nay ở nước ta.
   Nâng cao đạo đức công vụ là quá trình tác động tích cực, có mục đích của các chủ thể tới đối tượng với nội dung, hình thức và phương pháp thích hợp nhằm làm biến đổi đời sống đạo đức của đội ngũ công chức theo hướng ngày càng hoàn thiện về mặt nhân cách của họ, là nâng cao lòng yêu nghề, tinh thần tận tụy với công việc; nâng cao thái độ tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; là thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong hoạt động công vụ; là nâng cao chủ nghĩa tập thể, tinh thần hợp tác, tôn trọng pháp luật, tôn trọng đồng nghiệp trong thực thi công vụ.
   Thực tế cho thấy, hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần khắc phục khó khăn, cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực sự đóng vai trò chủ thể quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, không ít cán bộ, công chức đang bộc lộ những thiếu sót cần khắc phục về mặt phẩm chất, đạo đức.
   Hiện nay trong đội ngũ cán bộ, công chức có một số hạn chế về phẩm chất đạo đức: Trong quá trình triển khai văn bản vẫn chưa có sự đồng nhất giữa các cán bộ, công chức, vận dụng các chủ trương, chính sách một cách tự do, tùy tiện theo ý mình, gây bất lợi cho người dân, có trường hợp xử lý tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và có cả những khoản thù lao, quà biếu ngoài quy định; trong quá trình thực thi công vụ vẫn còn tồn tại một số ít cán bộ, công chức giải quyết công việc cho dân theo kiểu “ban ơn”  “ban phát”, chưa thực sự là quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ, quan hệ thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng đối với người dân. Mặt trái của cơ chế thị trường làm một số cán bộ, công chức tỏ thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền khi giải quyết công việc. Tinh thần xử lý công việc chưa cao, còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm “ăn thật làm giả” và người gánh chịu thiệt hại, hậu quả không ai khác chính là người dân. Tinh thần, thái độ làm việc này hoàn toàn trái ngược với những chuẩn mực đạo đức trong nền công công vụ, đó là: Thái độ cử xử đúng mực, lịch sự, nhã nhặn; thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tận tụy, nhiệt tình, trung thực, không vụ lợi, vun vén cá nhân; tồn tại tình trạng nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện bè phái, ghen ghét, đố kị, tị nạnh lẫn nhau, không hợp tác với nhau trong thực hiện nhiệm vụ dẫn tới ách tắc trong công việc hoặc hiệu quả công việc không cao; một số cán bộ, công chức chưa thường xuyên học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác hạn chế…
   Để xây dựng và nâng cao đời sống công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
   Thứ nhất, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về công vụ và đạo đức công vụ, nhằm giới hạn các hành vi của cán bộ, công chức theo quy chuẩn cụ thể. Cần cụ thể hóa những giá trị đạo đức thành giá trị pháp luật, lấy “pháp lý là chuẩn của đạo đức” song song với việc tăng cường giám sát thực thi pháp luật. Đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là đối với cán bộ công chức, làm cho pháp luật trở thành yêu cầu tự nguyện trong hành vi của mọi người dân,  trở thành những chuẩn mực đạo đức, loại bỏ tính hình thức đạo đức hay đạo đức giả ở mỗi con người.
   Thứ hai, cần tập trung nghiên cứu, giải quyết những mâu thuẫn nội tại về đạo đức để hình thành nền tảng đạo đức quốc gia có bản sắc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Trong đó, đạo đức công vụ xuất phát từ sự ủy quyền của người dân, vì quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân và các tổ chức xã hội, từ đó tăng cường tiếng nói của xã hội về vấn đề đạo đức công chức, công vụ, tạo ra sự phản biện chính đáng, trung thực của công  dân. Đồng thời, phải có cơ chế hữu hiệu để người dân được thực hiện quyền giám sát nhằm hạn chế tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy trách nhiệm hoặc có hành động làm phương hại đến lợi ích xã hội.
   Thứ ba, cần sớm nhận diện những khó khăn, thách thức đang đặt ra trong quá trình điều hành quản lý toàn diện các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó có chính sách xây dựng hệ giá trị của nền công vụ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam với các giá trị cốt lõi như lấy dân làm gốc, tôn trọng và phát huy dân chủ, phục vụ chuyên nghiệp, liêm chính và trách nhiệm giải trình. Đặt các vấn đề về trách nhiệm là căn bản của giá trị đạo đức công vụ. Làm rõ các nguyên tắc về trách nhiệm và trách nhiệm giải trình nhằm đề xuất các nguyên tắc này trở thành một trong những nguyên tắc hàng đầu của đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, cần xây dựng các năng lực bảo vệ đạo đức trong cơ quan, tổ chức với các biện pháp thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, không để vi phạm rồi mới đưa ra xem xét, xử lý. Đồng thời, tiếp tục tìm các giải pháp, cách thức giảm áp lực, khuyến khích tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ với việc bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp. Qua đó, hướng các cá nhân phấn đấu để trở thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình, được nhân dân, thừa nhận, tôn vinh, thay vì tìm mọi cách để trở thành lãnh đạo, quản lý trong khi trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức còn nhiều hạn chế.
   Thứ tư, xây dựng, định hướng giá trị nghề nghiệp riêng đối với từng vị trí việc làm và chức danh theo yêu cầu của đạo đức xã hội. Hình thành sự thống nhất giữa đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp, nhằm ra tạo một hành lang an toàn về mặt ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp. Xây dựng chế độ bảo đảm cho lời hứa và cam kết thực hiện các nhiệm vụ công trở thành những ràng buộc về mặt đạo đức của công chức đối với nhân dân.
   Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức. Xây dựng các cơ chế quản lý đối với cán bộ, công chức đề cao nền tảng đạo đức công vụ. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trên cơ sở xác định đúng tính chất, nội dung, đặc thù công việc. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo cơ chế quản lý  mới và kỹ năng làm việc.
   Thứ sáu, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống và những yêu cầu, chuẩn mực trong thực thi công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, những người thừa hành công vụ, dựa trên các giá trị, nguyên tắc đó. Đề cao sự tự rèn luyện, tu dưỡng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, công chức. Tiếp tục tăng cường việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nêu gương đạo đức; gắn kết đạo đức công vụ với việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.
                                                                     ThS. Hoàng Ngọc Mai
                                                    Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật


 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.