• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Làm rõ “Nhân tố thời đại” trong bài giảng "Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" - Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ bảy - 30/06/2018 10:46

          Những điều kiện khách quan của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta đã được trình bày trong Phần I.1. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Bài 4: "Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" với các nội dung cơ bản: thời đại; sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ; xu thế toàn cầu hóa. Bàn về  nhân tố thời đại, cần làm rõ những nội dung sau:
          Câu hỏi đầu tiên được đặt ra: Thời đại là gì? Theo Đại từ điển tiếng Việt: "Thời đại là khoảng thời gian lịch sử dài được phân chia ra theo những sự kiện có đặc trưng giống nhau"[1]. Tuy nhiên, ở mỗi ngành khoa học có cách gọi và phân chia khác nhau. Dưới góc độ kinh tế  - xã hội có thể hiểu thời đại là một khái niệm dùng để phân kỳ lịch sử xã hội, phân biệt những nấc thang phát triển của xã hội loài người. Theo đó, thời đại cho ta biết rõ đặc điểm, mâu thuẫn cơ bản và xu hướng phát triển để lựa chọn hướng đi phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Với cách đặt vấn đề như trên, cần lý giải được tại sao nhân tố thời đại được coi là điều kiện khách quan của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ một nước có nền kinh tế đang phát triển như ở nước ta.
          Xã hội xã hội chủ nghĩa được lựa chọn để có thể thực hiện ở một nước có điểm xuất phát thấp như nước ta về thực chất là định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội và phải trải qua thời kỳ lịch sử đặc biệt, thông qua những hình thức quá độ. Mô hình xã hội chủ nghĩa như nước ta đang xây dựng là một xã hội đang trong quá trình hình thành chưa có tiền lệ trong lịch sử, do vậy, Đảng ta xác định: "...từng bước hình dung ngày càng sáng tỏ về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm rõ những mô hình cụ thể trong từng lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa..."[2]. Như vậy có thể khái quát xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", được xây dựng trên cơ sở lấy con người làm trung tâm; lấy khoa học công nghệ và kinh tế thị trường gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường có sự quản lý của nhà nước làm phương tiện. Với quan niệm như trên, có thể khẳng định định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài có tính quy luật mà lịch sử xã hội loài người nhất định sẽ vươn tới, như văn kiện Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội và đó là quy luật tiến hóa của lịch sử"[3].
           Thực tiễn cho thấy, chủ nghĩa tư bản trong hàng trăm năm phát triển đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển của nhân loại nhưng vẫn chứa đựng trong lòng nó những mâu thuẫn cơ bản:
           Thứ nhất, đó là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Đây là mâu thuẫn xuyên suốt trong thời đại ngày nay kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công cho đến khi chủ nghĩa cộng sản được xác lập trên phạm vi toàn thế giới;   
          Thứ hai, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân cùng với biểu hiện của nó như phân hóa giàu nghèo, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường làm cho mâu thuẫn càng trở nên gay gắt;
         Thứ ba, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc cùng với tình trạng đói nghèo của các nước kinh tế chậm phát triển là nguyên nhân dẫn tới những xung đột dân tộc, tôn giáo ở những nước này gia tăng;
         Thứ tư, giữa các nước tư bản chủ nghĩa có những mâu thuẫn về lợi ích quốc gia, lợi ích của các tập đoàn tư bản do vậy luôn diễn ra những cuộc đấu tranh lúc ngấm ngầm, lúc công khai. Mặc dù trong mấy thập kỷ gần đây, chủ nghĩa tư bản đẩy mạnh việc điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới song đều không thể giải quyết triệt để những mâu thuẫn nêu trên, cho thấy chủ nghĩa tư bản không phải là tương lai của nhân loại, nó nhất định sẽ được thay thế bởi một chế độ kinh tế - xã hội tiến bộ hơn.
        Mặt khác, trong hàng thập kỷ qua, hàng trăm quốc gia thông qua kinh tế thị trường để đi lên chủ nghĩa tư bản nhưng không phải tất cả đều thành công. Thực tế cho thấy chỉ một số rất nhỏ các nước công nghiệp mới (NIC) và các nước thuộc nhóm G7 là đạt được mục tiêu, đại bộ phận còn lại hiện vẫn đang tìm kiếm con đường để đi đến một xã hội phồn vinh thích ứng với hoàn cảnh của mỗi nước. Đồng thời, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũ (1991) và các nước Đông Âu không chứng minh được tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội hiện thực đã lỗi thời. Có chăng, nó chỉ chứng minh cho việc cần thiết phải nhận thức đúng đắn về  những nguyên lý của chủ nghĩa  Mác - Lê nin, tránh xa chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, chủ nghĩa giáo điều và vận dụng một cách linh hoạt những thành tựu về lý luận do nhân loại sáng tạo ra vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Thành tựu của nhân dân Trung Quốc trong công cuộc cải cách; những thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới vừa qua là những minh chứng cụ thể.
         Quán triệt sâu sắc nhân tố thời đại, Đảng ta trong suốt hơn 80 năm qua luôn kiên định con đường đi lên chủ ngĩa xã hội ở Việt Nam, như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định: "Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử"[4]. Như vậy, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự lựa chọn hợp quy luật và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại. Đặc biệt, trong hơn ba mươi năm đổi mới đất nước ta "đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử"[5], trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại, tạo tiền đề vững chắc cho toàn Đảng toàn dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
          Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới do tác động của nhân tố thời đại, Đảng ta nhận định: "...trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp...Quá trình toàn cầu hóa, và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là các nước lớn ngày càng tăng"[6]. Do vậy, Đảng ta chủ trương: "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa"[7].
          Tóm lại, thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới mở đầu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Đây là thời kỳ nhân loại đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội gắn liền với cuộc        
cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra những tiền đề vật chất kỹ thuật và xã hội ngày càng đầy đủ cho việc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề thời đại ngày nay chỉ là một nội dung trong Bài 4: Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của chương trình Trung cấp lý luận chính trị  - hành chính, nhưng việc hiểu và lý giải đầy đủ vấn đề trên là rất quan trọng, góp phần thực hiện bài giảng thành công./.
 
                                                            CN. Tô Quang Hải
                                Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh




[1] Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa  - Thông tin, năm 1999, tr 1591
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1994, tr 24)
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1994, tr 26)
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H 2016, tr. 16
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H 2016, tr. 16
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H 2016, tr. 70
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H 2016, tr. 76

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.