• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Bước đầu tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghệ (4.0)

Chủ nhật - 30/09/2018 10:44

    Cách mạng công nghệ lần thứ tư bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Sau nhiều bước đi đầu tiên tại Hội chợ Hannover (Đức) năm 2011, một số cuộc hội thảo đã được tổ chức để bàn đến khái niệm “nền công nghệ” (indusstru 4.0). Năm 2012, Chính phủ Đức thông qua bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “cách mạng công nghệ, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cuối năm 2015, Giáo sư Klaus Schawn, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, xuất bản cuốn sách “Cuộc cách mạng  công nghệ lần thứ tư”, diễn tả một cách hệ thống nội dung cuộc cách mạng này và làm gì để thích ứng với nó. Ngày 20/01/2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 được khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Kể từ thời điểm này, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh chóng trở thành vấn đề thời sự nóng hổi trên toàn thế giới. Điểm khác biệt so với các cuộc cách mạng trước đây, cuộc cách mạng 4.0 khởi đầu dựa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghệ số, nổi bật với sự phổ biến của các thành tựu như vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, người máy, xe tự lái, công nghệ in 3D, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học hiện đại… xóa nhòa mọi ranh giới giữa con người với thế giới và giúp con người, sản phẩm và máy móc tự kết nối, giao tiếp với nhau…Phần lớn công việc sẽ được tự động hóa, robot với trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế lao động của con người, nguồn lực lao động sẽ đạt đến trình độ kỹ thuật rất cao. Theo dự báo của LHQ, 47% công việc hiện tại hiện nay sẽ có 75% tự động trong vòng 20 năm tới, làm cho một số công việc trở nên lỗi thời thậm chí là biến mất (một số công việc của công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, lái xe taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng, phi công… sẽ được thay thế bằng robot). Theo báo cáo toàn cầu, trong khoảng 10 năm tới, có khoảng 375 triệu người trên toàn cầu sẽ phải chuyển sang làm việc khác do bị thay thế bởi robot.
    Trải qua các thời kỳ phát triển kể từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất, nhân loại đã có bước tiến bộ rực rỡ chưa từng thấy nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Chưa bao giờ con người đạt đến trình độ tri thức về khoa học công nghệ sản xuất ra nhiều của cải vật chất như bây giờ. Chưa bao giờ con người xứng đáng là con người thông minh (homo sapiens) như bây giờ, nhưng quy mô, cách thức và con người hiện đại phải đối mặt trước những vấn đề toàn cầu (đói nghèo, bệnh tật, thảm họa môi trường sinh thái, an ninh, khủng bố, xung đột, trật tự an toàn xã hội…) cũng chưa bao giờ xuất hiện nhiều như bây giờ, từ thực tiễn đầy nghịch lý này, cộng đồng quốc tế đã thức tỉnh nhau rằng, phát triển không thuần túy là tăng trưởng kinh tế, mà còn bao hàm hàng loạt nội hàm văn hóa, xã hội, đạo đức, an ninh, sinh thái…; tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế sẽ gây ra nhiều mô hình phản phát triển; làm tiêu tan cả phồn vinh vật chất và văn minh tinh thần. Giải pháp thay thế cấp bách và duy nhất đúng đắn là triển khai mô hình phát triển bền vững với 17 mục tiêu mà Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) vạch ra từ cuối năm 2015 cho toàn thế giới thực hiện đến năm 2030. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tìm kiếm phương thức sản xuất mới hiệu quả, bền vững hơn trước những thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số hay các vấn đề an ninh khác ngày càng tăng lên.
   Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức của con người trong việc tạo ra của cải vật chất, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến mọi quốc gia, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi cơ bản con đường đi của thế giới; sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) là nếu không kịp thay đổi, không bắt kịp và có định hướng, bước đi đúng đắn phù hợp, sẽ bị tụt lại phía sau.
   Vậy Việt Nam đón nhận cuộc cách mạng này như thế nào? Nhìn lại bốn cuộc cách mạng công nghệ của thế giới, quốc gia dân tộc Việt Nam gần như đứng ngoài 2 cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên và trong 2- 3 thập kỷ vừa qua đã có bước hội nhập vào cuộc cách mạng lần thứ ba. Còn đối với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình nhận thức mới chỉ thực sự bắt đầu. Ở nước ta, tình hình nghiên cứu và phát triển công nghệ đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tuy được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã có những bước chuyển biến, triển khai ở hầu hết các bộ, ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này mới là bước đầu và còn gặp nhiều khó khăn. Khái niệm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo chỉ từ năm 2015 mới được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chế tạo và sử dụng robot chủ yếu trong các hoạt động giảng dạy của một số trường đại học. Các máy in 3D được 5 doanh nghiệp sản xuất hiện nay đều phụ thuộc 100% linh kiện từ Trung Quốc và thị trường về in 3D vẫn ít người quan tâm, đều có mã nguồn mở tải miễn phí từ Internet nên hầu như không phát huy được tính ưu việt của công nghệ 3D. Nhà máy thông minh vẫn còn là điều xa vời trong chiến lược sản xuất - kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong nước. Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng không đáng kể so với các nguồn năng lượng hóa thạch. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ được triển khai thử nghiệm ở 1 số địa phương. Nền sản xuất của Việt Nam đang ở năng suất thấp, áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa có các tập đoàn, công ty hàng đầu trên thế giới, doanh thu còn nhỏ, chưa đủ sức để hòa vào sự phát triển của thế giới. Khi nền sản xuất công nghệ, kỹ thuật cao sẽ chiếm lĩnh trên thị trường, hàng hóa chất lượng tốt, giá rẻ sẽ tràn vào nước ta, doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với mất năng lực cạnh tranh, phá sản, công nhân lao động sẽ  bị mất việc, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.…. Thách thức không chỉ đặt ra đối với doanh nghiệp mà còn đối với các địa phương, nó đòi hỏi các địa phương cũng phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa vào khai thác sang các ngành công nghệ cao hơn. Để làm tốt việc tiếp thu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, ngay từ bây giờ Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp và các cơ quan, địa phương, đơn vị cần có kế hoạch nhanh chóng để bắt tay ngay vào tiến hành hội nhập, tận dụng ngay vào tiến trình hội nhập, tận dụng mọi cơ hội tối đa cho sự phát triển mạnh của quốc gia, dân tộc trong làn sóng văn minh nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để không tiếp tục bị lỡ chuyến tàu trong cuộc cách mạng này, Việt Nam cần nỗ lực, định hướng được rõ mục tiêu cách thức tiếp cận, tầm nhìn, tư duy lãnh đạo đến hành động của người dân và các doanh nghiệp, sự cầu thị, tự cường cộng với lợi thế của người đi sau. Những yêu cầu đặt ra ấy sẽ được Đảng, Nhà nước và nhân dân lần lượt giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo, quyết liệt trên cơ sở tích cực chuẩn bị hành trang cho mình, trong đó việc xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực lãnh đạo, quản lý phải luôn luôn được quán triệt là một khâu đột phá. Đó cũng là vấn đề hiện nay đang bức thiết đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống trường chính trị nói riêng./.

                                                                                            CN. Nhâm Thế Sằn
                                                                         Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tài liệu tham khảo
1. http://cdns.edu.vn
2. https://baomoi.com
3. http://www.vietnamreport.net
4. PST.TS. Trần Thị Vân Hoa - Cách mạng công nghiệp 4.0 vấn đề đặt ra cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật - 2017.
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.