• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Những điểm cần lưu ý khi vận dụng Nghị định số 108/2020/NĐ-CP vào bài giảng Chính quyền địa phương ở Việt Nam

Thứ năm - 31/03/2022 09:03

    Đối với một giảng viên trường chính trị tỉnh, việc cập nhật và bổ sung nội dung văn bản mới phục vụ cho bài giảng, luôn là một công việc thường xuyên, liên tục. Mỗi bài giảng, mỗi phần giảng, mỗi mục, mỗi ý đều đòi hỏi người giảng viên phải thường xuyên rà soát, cập nhật những nội dung văn bản mới để đưa hợp lý vào bài giảng. Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị thuộc phần nội dung do Khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhiệm, trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ về việc cập nhật, bổ sung Nghị định số 108/2020/NĐ- CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108) sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2014/NĐ- CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 37) phục vụ cho việc soạn giảng của mình.
    Bài 2. Chính quyền địa phương ở Việt Nam thuộc Phần II. Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm có 03 mục, mục 1. Một số vấn đề lý luận về chính quyền địa phương, mục 2. Quá trình hình thành, phát triển và thực trạng chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay, mục 3. Quan điểm và giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. Trong mục 2. Quá trình hình thành, phát triển và thực trạng chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay có nội dung 2.2.1. Những kết quả đạt được về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. Sau khi giới thiệu xong các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ngoài việc giới thiệu cho học viên về các cơ quan chuyên môn, chức năng nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Nghị định số 37, giảng viên còn phải cập nhật thêm những điểm mới của Nghị định số 108.
    Thứ nhất, về số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Sau khi đã nêu 10 phòng được tổ chức thống nhất được quy định tại Điều 7 nghị định số 37 cụ thể là: Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính- Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Thanh tra huyện, Văn phòng HĐND, Ủy ban nhân dân, 05 phòng đặc thù được tổ chức ở một số địa phương quy định trong Điều 8 Nghị định số 37 cụ thể là ở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị, ở các huyện có Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Dân tộc, giảng viên cần nhấn mạnh điểm mới trong Nghị định số 108 về việc thành lập thêm phòng chuyên môn cho Ủy ban nhân dân các huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Nghị định số 108 sửa đổi bổ sung điểm b, khoản 3 Điều 8 Nghị định số 37, cụ thể là: Đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa cao thì Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng  nhân dân cùng cấp quyết định việc tổ chức 2 phòng chuyên môn, cụ thể là Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị.
    Về tiêu chuẩn thành lập Phòng Dân tộc, giảng viên cần nêu nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 37, sau đó so sánh Nghị định số 108 để làm toát lên điểm mới của Nghị định số 108. Nghị định số 37 quy định về tiêu chí thành lập Phòng Dân tộc là : “Căn cứ tiêu chí quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân các cấp”. Nghị định số 108 quy định cụ thể: “Có ít nhất 5.000 (năm nghìn) người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại”.
    Về tổ chức các cơ quan chuyên môn ở các huyện đảo, sau khi nêu quy định tại Điều 9 Nghị định số 37 về số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện đảo không quá 10 phòng, giảng viên cần nhấn mạnh điểm mới trong Nghị định số 108 sửa đổi bổ sung Điều 9 Nghị định số 37 quy định riêng với huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang từ 10 phòng chuyên môn được thành lập không quá 12 phòng chuyên môn.
    Thứ hai, về điểm mới quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được tổ chức thống nhất ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, giảng viên cần giới thiệu qua cho học viên nắm khái quát 08 Phòng chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện được sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ, gồm có: Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hoá và Thông tin, Phòng Y tế, Thanh tra huyện,Văn Phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Sau đó trình bày nhiệm vụ quyền hạn quy định tại Nghị định số 37 và nêu điểm mới của Nghị định số 108 đối với các phòng chuyên môn, cụ thể:
    Phòng Nội vụ: Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 37 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nội vụ: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua - khen thưởng”. Nghị định 108 bổ sung nhiệm vụ  tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; tín ngưỡng.
    Phòng Tư pháp: Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Nghị định 108 bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính; chức năng quản lý bồi thường nhà nước.
    Phòng Tài nguyên và Môi trường: Khoản 4 Điều 7 Nghị định 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo)”. Nghị định 108 bổ sung chức năng, nhiệm vụ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về:  đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu.
    Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội: Khoản 5 Điều 7 Nghị định 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Việc làm; dạy nghề; lao động, tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. Nghị định 108 sửa đổi chức năng, nhiệm vụ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về “dạy nghề” thành “giáo dục nghề nghiệp”.
    Phòng Văn hoá và Thông tin: Khoản 6 Điều 7 Nghị định 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; quảng cáo; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin; phát thanh truyền hình; báo chí; xuất bản; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại; hạ tầng thông tin”. Nghị định 108 bổ sung chức năng, nhiệm vụ  tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin điện tử.
    Phòng Y tế: Khoản 8 Điều 7 Nghị định 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nghị định 108 bỏ chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch hóa gia đình; bổ sung quy định: Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Y tế thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực y tế do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.
    Thanh tra huyện: Khoản 9 Điều 7 Nghị định 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”. Nghị định 108 bổ sung chức năng, nhiệm vụ  tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
    Văn Phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân: Khoản 10 Điều 7 Nghị định 37 quy định: “Tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân về: Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chuyển hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết và nhận kết quả để trả cho cá nhân, tổ chức”. Nghị định 108 bổ sung chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính
    Thứ ba, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn trong đơn vị hành chính cấp huyện được sửa đổi, bổ sung như sau:
    Phòng Kinh tế: Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiểu thủ công nghiệp; khoa học và công nghệ; công nghiệp; thương mại”. Nghị định 108 bổ sung chức năng, nhiệm vụ  tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chống thiên tai.
    Phòng Kinh tế và Hạ tầng: Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: Cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sĩ; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng; giao thông”. Nghị định 108 bổ sung chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
    Phòng Dân tộc: Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 37 quy định: “Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc”. Nghị định 108 bổ sung quy định trường hợp không tổ chức riêng Phòng Dân tộc thì chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực dân tộc do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.
     Tóm lại, trên đây là một số ý kiến trong việc tìm hiểu, vận dụng Nghị định số 108 vào Bài 2. Chính quyền địa phương ở Việt Nam thuộc Phần II. Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam chương trình Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng. Khi được phân công giảng bài này, việc tìm hiểu và cập nhật những nội dung đã nói ở trên là rất cần thiết cho người giảng viên trong việc nâng cao chất lượng bài giảng./.

ThS. Chu Văn Thắng
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.