• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Xây dựng nông thôn mới ở xã Chu Trinh và một số bài học kinh nghiệm

Thứ ba - 28/12/2021 10:02

    Xã Chu Trinh nằm ở phía Nam của thành phố Cao Bằng, trên trục đường Quốc lộ 4A đi huyện Thạch An, có diện tích tự nhiên là 27,12km2. Theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc sáp nhập, đổi tên các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày 9 tháng 9 năm 2019, Chu Trinh hiện nay có 5 xóm hành chính, trên địa bàn xã có 06 dân tộc sinh sống, đông nhất là dân tộc Tày và Nùng chiếm 99,53%, ngoài ra còn một số dân tộc khác như dân tộc Kinh, Mông, Dao, Giẻ Chiêng. Ngày 2 tháng 4 năm 2020, xã Chu Trinh được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
    Xã Chu Trinh được thành phố lựa chọn xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh vừa chuyển từ huyện Hòa An, sáp nhập vào thành phố Cao Bằng, cách đây khoảng 11 năm (tháng 11/2010). Là một xã thuần nông, mật độ dân cư thưa, trình độ dân trí còn thấp, phương thức sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp là những khó khăn thách thức đối với cấp ủy và chính quyền xã Chu Trinh.
    Sau khi tiếp nhận chủ trương, nghị quyết, kế hoạch từ tỉnh, Thành phố về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bàn bạc, thảo luận và xác định vệc xây dựng nông thôn mới là một vấn đề lớn, một khối lượng công việc cần rất nhiều về công sức, kinh phí và thời gian, đòi hỏi cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ xã đến các xóm. Bộ máy chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Chu Trinh nhanh chóng được thành lập do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban.
    Công tác tuyên truyền, vận động được xác định hàng đầu, bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là người dân, thông qua vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên làm nòng cốt công tác tuyên truyền được mở rộng, tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp xóm tới toàn thể các tầng lớp nhân dân, toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã.
    Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng, đại đa số nhân dân đã hiểu và và tự nguyện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương và tỉnh cấp là 5.331.000.000 đồng, xã đã huy động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn được 400.000.000 đồng, nhân dân đóng góp thông qua ngày công lao động là 4.516 công, hiến đất được 4.720m2, đóng góp tiền mặt được 758.000.000 đồng phục vụ cho các công trình công cộng như xây nhà văn hóa, giao thông nông thôn, thủy lợi, công trình cấp nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn.
    Công tác giải phóng mặt bằng khá thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm kinh phí rất lớn. Phong trào “bê tông hóa” đường giao thông nông thôn của xã Chu Trinh, người dân đã đóng góp tiền mua vật liệu, góp công sức cùng thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, làm cho bộ mặt của xã ngày khởi sắc hơn.
    Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, từ 57 hộ năm 2010 xuống còn 48 hộ; hộ cận nghèo từ 47 hộ xuống còn 41 hộ năm 2020. Nhiều hộ dân bắt đầu có những chuyển hướng tích cực từ mô hình quảng canh sang mô hình thâm canh, tăng vụ, phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,3%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ bản thực hiện tốt các quy định về môi trường; 74% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 60%. Để có được những kết quả như vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, đó là:
    Thứ nhất, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND thành phố, sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể cả xã một cách thống nhất, đồng bộ. Ban chỉ đạo đã xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phù hợp điều kiện thực tiễn cụ thể xã và của từng xóm.
    Thứ hai, trong công tác lãnh đạo, luôn luôn coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị - xã hội, với cách thức, phương pháp tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu và nhận thức đúng và đầy đủ về quyền lợi cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới không có mục đích nào khác là phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống nhân dân. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sát sao tiến độ của từng hạng mục, đồng thời trực tiếp đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn nảy sinh đối với cuộc sống của người dân.
    Thứ ba, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã phát huy trí tuệ tập thể, trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động các nguồn lực trong dân, đồng thời mọi đóng góp của dân được công khai bàn bạc, dân chủ trong cộng đồng dân cư để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện, tăng thêm lòng tin, đồng lòng, đồng thuận, đồng hành của nhân dân. Đảng ủy, Ban chỉ đạo của xã cam kết thống nhất giữa lời nói đúng và việc làm đúng, tạo niềm tin và sự lan tỏa trong nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

ThS. Trần Thị Thu Hồng
Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng

 


Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.