• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phần Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Thứ ba - 28/12/2021 09:28

    Phần học Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin được cấu thành từ 3 bộ môn thống nhất hữu cơ không thể tách rời của chủ nghĩa Mác-Lênin là: Triết học Mác  - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Nội dung giáo trình được cập nhật những nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
    Chất lượng giảng dạy chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như: trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, công tác quản lý học viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy…Nhưng để nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, giảng viên cần tập trung vào một số giải pháp sau:
    Một là, nâng cao trách nhiệm của mỗi giảng viên trong nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin; tích cực học tập, quán triệt Cương lĩnh, chủ trương, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực nhằm tạo nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
     Hai là, thường xuyên rèn luyện phong cách tư duy, phong cách diễn đạt để  nâng cao kỹ năng tiếp cận vấn đề, kỹ năng phân tích các nội dung bài học nhằm nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy.
    Ba là, tăng cường tích lũy kiến thức thực tiễn và thông tin mới qua các phương tiện thông tin đại chúng để làm phong phú thêm bài giảng tạo sức thu hút đối với học viên.
    Bốn là,  làm tốt việc giới thiệu cho học viên nắm được tính đặc thù của phần học; đối tượng, phương pháp nghiên cứu của từng môn học. Mỗi phần học thuộc Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đều có phương pháp học tập và nghiên cứu riêng. Đặc thù của Triết học là nghiên cứu những quy luật phổ biến nhất của sự tồn tại, vận động và phát tiển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Những quy luật này lại được phản ánh thông qua hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù của chủ nghĩa Mác - Lênin. Giảng viên dạy cho người học tiếp thu, nắm vững những nguyên lý, quy luật, phạm trù của Triết học; định hướng cho học viên áp dụng kiến thức lý luận đã học vào trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đặc thù của Kinh tế chính trị là hệ thống tri thức về những quy luật chi phối quá trình sản xuất và trao đổi tư liệu sinh hoạt vật chất trong đời sống xã hội mà trọng tâm của nó là những quy luật kinh tế của quá trình vận động, phát triển, diệt vong tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa cũng như sự ra đời tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là môn học có tính luận chiến cao, đòi hỏi giảng viên phải hệ thống hóa được các phạm trù, quy luật kinh tế cơ bản, chỉ rõ sự tác động của các quy luật đó tới mọi mặt của đời sống xã hội và sự vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Từ đó làm rõ sự diệt vong tất yếu hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin vào thắng lợi tất yếu của hình thái kinh tế cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội khoa học là hệ thống tri thức chung nhất về cách mạng xã hội chủ nghĩa và quá trình hình thành, phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng hình thái kinh tế - xã hội đó. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải chỉ rõ cơ sở lý luận để rút ra ý nghĩa phương pháp luận, giúp học viên có cơ sở lĩnh hội nội dung bài giảng.
    Năm là, phải làm rõ những thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa trong giáo trình. Định nghĩa, khái niệm được coi là chìa khóa để nghiên cứu các vấn đề khoa học. Đối với các môn lý luận Mác - Lênin nói riêng và các môn lý luận chính trị nói chung, giáo trình thể hiện rất nhiều từ, cụm từ, thuật ngữ kinh điển; các khái niệm, định nghĩa trừu tượng... Nên khi lên lớp giảng viên phải giải thích thật cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu. Cần lưu ý không lạm dụng, trích dẫn kinh điển quá nhiều; chỉ trích kinh điển khi thật cần thiết để làm rõ vấn đề được đề cập tới; khi trích kinh điển thì phải giải thích rõ nội dung, ý nghĩa và liên hệ đến thực tiễn. Bên cạnh đó, khi trích kinh điển phải chính xác, dẫn nguồn trích cụ thể; đặc biệt là không được cắt xén những câu nói của các nhà kinh điển, vì như thế rất dễ dẫn đến sự hiểu sai, hay hiểu không thấu đáo của học viên.
    Sáu là, khâu soạn giáo án giảng viên cần đầu tư nguồn tư liệu về thực tiễn phong phú, sinh động để minh họa cho nội dung lý luận. Lý luận cần được diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Có thể minh họa bằng những câu chuyên thực tiễn. Chú trọng nội dung hướng dẫn học viên vận dụng lý luận cho thực tiễn công tác, dành thời gian phù hợp cho nội dung về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
     Bảy là, xây dựng và sử dụng đa dạng các loại bài tập để củng cố kiến thức bài học, môn học và phần học. Thông qua bài tập giảng viên có thể nắm được mức độ hiểu bài của học viên, điều chỉnh phương pháp giảng cho phù hợp.
    Tám là, đa dạng hóa các chủ đề thảo luận cho mỗi bài. Chủ đề thảo luận cần chuẩn bị trước hoặc chọn lọc từ khảo sát nhu cầu của học viên, hướng đến vận dụng lý luận để giải quyết vấn đề thực tiễn hoặc các tình huống trong cuộc sống.
    Tóm lại, nâng cao chất lượng giảng dạy phần Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là một yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy môn học này, phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm của người giảng viên. Những giải pháp được đề cập trên đây là sự chia sẻ kinh nghiệm còn rất khiêm tốn của người viết qua thực tiễn giảng dạy của mình, hy vọng được đồng nghiệp tiếp nhận và vận dụng vào thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy phần  Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời gian tới./. 

CN. Tô Quang Hải
Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.