• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một điều kiện kinh tế khách quan để nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

Chủ nhật - 30/09/2018 11:21

    Kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa được quyết định bởi thị trường, là sự mở rộng khách quan của quan hệ hàng - tiền và những quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh...trong đó quy luật giá trị là đặc trưng nhất[1].
    Lịch sử xã hội loài người đã trải qua hai mô hình cơ bản: kinh tế tự nhiên và kinh tế hàng hóa với sự phát triển từ thấp đến cao. Cho đến nay, mặc dù sự phát triển kinh tế thị trường còn khác nhau về mức độ, phạm vi, tính chất giữa các quốc gia nhưng đều có một điểm chung là phát triển theo mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước.
    Có thể khẳng định, so với mô hình kinh tế tự nhiên, mô hình kinh tế hàng hóa hay giai đoạn cao của nó là mô hình kinh tế thị trường là bước phát triển lớn của nhân loại trong cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Chủ nghĩa tư bản đã vận dụng và phát triển mô hình kinh tế này, mặc dù còn nhiều khuyết tật song như Mác nhận xét, nó đã góp phần đưa năng suất và sự xã hội hóa sản xuất lên mức "đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả thế hệ trước gộp lại"[2].    
    Ở Việt Nam, khái niệm "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001). Đây là kết quả của 15 năm đổi mới từ năm 1986, được đúc kết trên cơ sở đánh giá và rút ra qua các bài học kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII. Nội dung, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được khẳng định: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế  thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội"[3].
    Sau hơn ba mươi năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thành tựu to lớn và hết sức quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế  - xã hội. Việc chuyển mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra điều kiện khách quan để nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau:
    Thứ nhất, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa xét về thực chất là sự "rút ngắn" đáng kể về khoảng cách về trình độ phát triển giữa nước ta với các nước phát triển thông qua các hình thức trung gian của "chủ nghĩa tư bản nhà nước", thông qua đó tạo điền kiện thuận lợi để phát huy mối quan hệ giữa khoa học - công nghệ với kinh tế thị trường, tạo điều kiện để nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa;
    Thứ hai, các chủ thể tham gia kinh tế thị trường chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất kinh doanh với những mô hình doanh nghiệp phù hợp với vốn, trình độ công nghệ và quy mô, góp phần giải phóng sức lao động, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển;
     Thứ ba, quan hệ sản xuất mới, tiến bộ ngày càng được củng cố và hoàn thiện với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức phân phối phù hợp với yêu cầu phát triển trình độ lực lượng sản xuất mới;
     Thứ tư, giúp nền kinh tế nước ta mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, góp phần khắc phục có hiệu quả tình trạng khó khăn về vốn và khoa học công nghệ;
     Thứ năm, kinh tế thị trường tạo điều kiện học tập kinh nghiệm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn và công nghệ mới từ các nước, góp phần phát triển "rút ngắn" xét cả về thời gian và tốc độ;
      Thứ sáu, kinh tế thị trường tạo điều kiện phối hợp, hợp tác để khắc phục những vấn đề có tính chất toàn cầu như suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên,đói nghèo, dịch bệnh...góp phần tạo điều kiện cho kinh tế  - xã hội phát triển bền vững.
      Từ sự phân tích trên đây có thể chỉ ra, việc lựa chọn mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, là điều kiện để nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa./.
                                                                  CN. Tô Quang Hải
                                   Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh




[1] Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1999, tr. 949
[2] C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H 2002, t4, tr. 603
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr 204 -205

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.