• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Một vài suy nghĩ về phương pháp dạy học tích cực môn những vẫn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng

Thứ ba - 17/01/2017 15:04

     Cùng với xu hướng phát triển của thời đại về các lĩnh vực khoa học - công nghệ, sự bùng nổ về thông tin, giáo dục - đào tạo trong thời gian qua có bước phát triển mới. Trong những năm gần đây, giáo dục - đào tạo nước ta có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp. Để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ và năng lực phục vụ sự  phát triển của xã hội, việc đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay. Phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm là một trong những mục tiêu được nhiều nhà giáo dục nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn và xây dựng thành lý luận mang tính khoa học và được áp dụng rộng rãi trong các loại hình giáo dục, đào tạo.
    Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một pho lịch sử vàng của dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu và học tập môn Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam một cách có hệ thống và sâu sắc sẽ góp phần làm sáng tỏ kho tàng quý báu đó. Môn học này cung cấp cho người học những sự kiện, nội dung cơ bản, bài học kinh nghiệm chủ yếu trong quá trình ra đời, trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp người học nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, từ đó nâng cao ý thức phát huy truyền thống, có năng lực vận dụng những tri thức lịch sử Đảng vào thực tiễn công tác. Bên cạnh đó, học tập và nghiên cứu môn học này còn giúp người học có nhận thức và hiểu được sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay.
    Đặc thù của các môn lý luận chính trị nói chung, bộ môn Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng là môn học mang tính chính trị, tính khoa học và tính thực tiễn sâu sắc, với mục đích là góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận, củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do đó, việc nghiên cứu và trình bày có hệ thống, dễ hiểu, dễ tiếp thu và phù hợp với đối tượng môn học không phải là việc đơn giản, nhất là đối tượng học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở trường chính trị tỉnh có trình độ, nhận thức, độ tuổi không đồng đều. Vì vậy, công việc này đòi hỏi sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu của giảng viên để làm chủ kiến thức của môn học này.
    Thực tế hiện nay, trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, một số giảng viên vẫn dùng phương pháp thuyết trình là chủ yếu, rất ít có sự trao đổi giữa giảng viên với học viên. Vì vậy, giờ học trở nên khô khan với những thuật ngữ khó hiểu trong các môn học nói chung, trong đó có môn Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nữa, những vấn đề lý luận và thực tiễn hiện nay đều có những chuyển biến rõ rệt trong xu thế phát triển chung của đời sống chính trị - xã hội, do đó việc thực hiện giảng dạy theo phương pháp truyền thống cũng sẽ không đạt được kết quả cao trong mỗi bài giảng.
   Trong thời gian vừa qua, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
   Một là, nhà trường đã tổ chức được một số hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị và bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực. 
   Hai là, đa số giảng viên trong nhà trường đã nhận thức được sự quan trọng và tính cấp thiết về việc đổi mới phương pháp dạy học.
   Ba là, một số giảng viên đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào quá trình soạn bài và lên lớp.
   Bốn là, ngoài những phương tiện dạy học truyền thống, giảng viên đã tích cực sử dụng các phương tiện dạy học mới nhằm nâng cao chất lượng cho bài giảng (máy vi tính, projecto, bảng ghim, tài liệu phát tay…).
    Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực cũng còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục.
   Một là, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào việc soạn bài và giảng bài của giảng viên chưa nhiều; một số giảng viên chưa thấy được sự cần thiết của việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực.
   Hai là, việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực ở một số đồng chí chưa phù hợp với mục tiêu và nội dung dạy học, các kỹ năng thực hiện phương pháp dạy học mới chưa nhuần nhuyễn, do đó chưa đạt được hiệu quả cao trong dạy học. 
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
  - Một số giảng viên chưa thấy được vai trò, ý nghĩa của phương pháp giảng dạy mới, chưa được tập huấn về phương pháp dạy học tích cực, do đó họ chưa thể áp dụng phương pháp mới vào nhiệm vụ giảng dạy của mình.
  - Việc chuẩn bị cho bài giảng theo phương pháp dạy học tích cực công phu và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng nên một số giảng viên còn chưa có đủ khả năng đầu tư hoặc ngại trong việc chuẩn bị...
  - Chương trình, giáo trình còn nhiều bất cập, đặc biệt là về nội dung, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, chưa cập nhật được những tri thức mới, thực tiễn hơn.
  - Người học cũng chưa thích ứng với phương pháp học tập mới, một số học viên cho rằng phương pháp truyền thống dễ tiếp thu hơn.
    Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng phương pháp dạy học tích cực, cần chú trọng thực hiện một số nội dung mang tính giải pháp, định hướng:
   Thứ nhất, về phía nhà trường: Tạo điều kiện cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy chuyên ngành và một số phương pháp dạy học mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; Nhà trường cần tiếp tục trang bị phương tiện hỗ trợ giảng dạy (giáo cụ, phương tiện dạy học); mua sắm, bổ sung các phương tiện hỗ trợ giảng dạy; Cần đổi mới quy trình và hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên, đánh giá theo quá trình học tập của học viên, chứ không chỉ đánh giá ở kết quả điểm thi học phần và thi tốt nghiệp. Nếu áp dụng cách thức đánh giá học tập theo quá trình, học viên sẽ tích cực tham gia vào quy trình dạy học và đó cũng là điều thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới.
   Thứ hai, thông qua việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực của bản thân và ý kiến của giảng viên nhà trường, để đạt được kết quả tốt trong quá trình sử dụng phương pháp mới cần chú ý những vấn đề sau: xác định rõ mối quan hệ giữa mục tiêu, nội dung và phương pháp, trong đó cần xác định mục tiêu dạy học là trọng tâm từ đó lựa chọn nội dung và phương pháp thích hợp để đạt được mục tiêu đề ra; lựa chọn những phương pháp thích hợp đem lại hiệu quả cao nhất, phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học và điều kiện, phương tiện hiện có; mạnh dạn sử dụng các phương pháp và phương tiện mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
   Tóm lại, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào quá trình giảng dạy các môn học nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. “Giáo dục không nhằm mục tiêu nhồi nhét kiến thức mà là thắp sáng niềm tin” (Education is not the filling of a pail, but the lighting of a fire – W. B. Yeast)[1]. Có nhiều phương pháp và cách thức tổ chức dạy học tích cực sẽ phát huy tính chủ động, độc lập và sáng tạo của người học, điều đó có ý nghĩa thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của  Trường Chính trị Hoàng Đình Giong.
   Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng dạy môn Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng là trên cơ sở phương pháp truyền thống, kết hợp với phương pháp hiện đại, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng cho hiệu quả khả quan, người học có thể nắm vững kiến thức và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt và sáng tạo.
 
                                             ThS. Phùng Thị Thu
                                    Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Trường Đại học Nha Trang, Sổ tay Phương pháp giảng dạy và đánh giá (Lưu hành nội bộ), 2006, tr.5.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.