• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Những giải pháp cơ bản bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên tại trường chính trị

Thứ sáu - 13/01/2017 08:29

    Hiện nay phương pháp tự học của học viên tại trường chính trị còn hạn chế, phần lớn mong muốn giảng viên đọc và làm bài mẫu để ghi chép, chưa phát huy được khả năng tư duy độc lập và sáng tạo trong học tập. Phương pháp học của học viên còn nặng về thụ động, thiếu tính tích cực trong việc xây dựng cho mình những cách thức tự học thích hợp.
   Học viên đã biết cách tự học, nhưng số có phương pháp tự học tốt chưa nhiều, không ít học viên vẫn còn lúng túng về phương pháp tự học, do đó kết quả học tập chưa cao. Điểm yếu cơ bản của học viên là chưa có phương pháp đúng để nắm được thực chất nội dung lý luận, chưa biết cách đọc và thu hoạch ghi chép khi đọc sách, tài liệu lý luận. Mặt hạn chế chủ yếu trong tự học của học viên là chấp hành thời gian tự học chưa nghiêm và phương pháp tự học chưa thành thạo.
   Từ đó cho thấy quá trình dạy học ở trường chính trị cần có những thay đổi về về biên soạn nội dung dạy học, về cách dạy và cả kiểm tra, đánh giá kết quả học tập để tăng cường việc bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên.
   Đa số các trường chính trị đã coi trọng việc bồi dưỡng động cơ, thái độ, trách nhiệm tự học cho học viên, nhưng còn xem nhẹ và thực hiện chưa thường xuyên việc bồi dưỡng phương pháp tự học như tri thức phương pháp tự học, quy trình tự học. Quan sát các tài liệu phục vụ giảng dạy như: giáo án của giảng viên, tài liệu, giáo trình môn học đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên chưa thấy phản ánh rõ nội dung bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên.
   Trong điều kiện đổi mới giáo dục hiện nay ở nước ta, dưới sự tác động của nhiều yếu tố hiện đại mà đặc biệt là các yếu tố: sự bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức, xã hội học tập và yêu cầu đào tạo cán bộ ở trường chính trị thì vấn đề dạy cách học, bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên để họ biết tự học để trưởng thành đang là một đòi hỏi cấp thiết.
   Hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn giữa mong muốn sự cần thiết bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên và trong khi đó chưa có những giải pháp thực hiện cụ thể. Nhằm giải quyết mâu thuẫn đó, cần đề xuất một số giải pháp cơ bản để bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên ở trường chính trị.
Giải pháp một, soạn các tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng theo định hướng bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên.
   Trong thời đại công nghệ thông tin, kỹ thuật số, với những máy vi tính mà bộ nhớ có thể xử lý được hàng tỷ phép tính một giây, những bộ nhớ ghi được một khối lượng thông tin tương đương hàng trăm cuốn sách; mạng Internet cho phép học viên truy cập, học tập bất cứ lúc nào muốn, thì tài liệu viết theo lối trình bày hết thảy mọi kiến thức trong chương trình một cách trình tự từng vấn đề, giải thích chi tiết nội dung, mà ít chú trọng đến việc kiến tạo các tình huống dạy học để phát triển tư duy, rèn luyện, bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên là vấn đề cần sớm được khắc phục. Thực hiện giải pháp này là điều tất yếu và cần đảm bảo những nội dung cụ thể sau.
   Một là, tài liệu phải tạo thuận lợi cho học viên tự học.
   Chúng ta biết rằng, nội dung quyết định phương pháp, do đó, khi bàn đến giải pháp bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên, trước hết cần phải nói đến việc xây dựng tài liệu. Tài liệu là biểu hiện cụ thể của nội dung dạy học, là chỗ dựa khoa học và tin cậy để giảng viên giảng bài, là tri thức học tập cơ bản của học viên. Do đó, soạn tài liệu theo định hướng bồi dưỡng phương pháp tự học được coi là sự tác động của nội dung dạy học đến việc bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên.
   Tài liệu phải cung cấp được những kiến thức cơ bản, có hệ thống của môn học, cụ thể hoá được nội dung và phương pháp môn học theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, tài liệu đã tạo ra những điều kiện nhận thức thuận lợi cho học viên khi tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, tài liệu cần được thiết kế, biên soạn và trình bày sáng tạo sao cho phù hợp với đặc điểm học viên tại trường chính trị. Đây là điều kiện thuận lợi giúp học viên dễ dàng định hướng và vận dụng có hiệu quả phương pháp tự học để nghiên cứu nội dung tài liệu theo nhiệm vụ tự học đặt ra.
   Hai là, tài liệu cần hướng dẫn được tự học cho học viên.
   Ngoài việc trình bày thông tin khoa học, tài liệu phải đặc biệt chú ý việc chỉ đạo hướng dẫn học tập cho học viên, tức là dẫn dắt tự học của học viên. Thông qua nghiên cứu tài liệu, học viên không chỉ lĩnh hội được tri thức khoa học cụ thể mà quan trọng hơn họ sẽ lĩnh hội được phương pháp nhận thức khoa học.
   Tài liệu có chức năng bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên thể hiện ở việc giao cho học viên các tình huống học tập dưới dạng: câu hỏi, bài tập, gợi ý, chỉ dẫn, tình huống có vấn đề, thảo luận, tra cứu. Qua đó, học viên học tập được phương pháp tư duy giải quyết vấn đề, cách trình bày hệ thống, khái quát, cách diễn đạt vấn đề. Giúp cho việc liên hệ, nhớ lại, củng cố khắc sâu hơn tri thức đã học và tri thức vừa tiếp thu được. Thông qua đó, học viên được thể hiện vai trò là chủ thể, chủ động, tự lực giải quyết các tình huống, từ đó là cơ hội tốt để tự rèn, tự củng cố phương pháp tự học của họ.
   Ba là, tài liệu phải phát huy được cách học cá nhân.
   Tài liệu viết theo hướng bồi dưỡng phương pháp tự học cần gợi cho học viên cách suy nghĩ tìm tòi, tìm đọc các tài liệu khác, liên hệ tri thức của tài liệu với tri thức các khoa học có liên quan để làm sáng tỏ nội dung môn học. Biên soạn tài liệu cần quán triệt yêu cầu bên cạnh bảo đảm mục tiêu tri thức khoa học thì cần bảo đảm hướng dẫn học viên tự học.
    Như vậy, tài liệu viết theo hướng bồi dưỡng phương pháp tự học thì ngoài việc trình bày thông tin học tập, còn phải đặc biệt chú ý hướng dẫn học tập cho học viên, giao cho họ các các tình huống học tập dưới dạng câu hỏi, bài tập nhận thức, các bài kiểm tra và tự kiểm tra.
   Giải pháp hai, giảng viên hướng dẫn học viên nghiên cứu tài liệu, giáo trình qua đó bồi dưỡng phương pháp tự học.
   Một là, hướng dẫn học viên nghiên cứu tài liệu, giáo trình được tiến hành trong các hình thức tổ chức dạy học. Cụ thể như thông qua giảng bài, thảo luận, trước và sau quá trình thi và kiểm tra.
   Hai là, hướng dẫn học viên nghiên cứu giáo trình thông qua việc định hướng nội dung nghiên cứu, định hướng sử dụng thông tin để sử dụng chúng vào giải quyết các vấn đề học tập đặt ra, đồng thời hướng cho học viên học tập phương pháp trình bày, diễn đạt thông tin trong giáo trình mà không dẫn đến việc họ làm theo một cách máy móc, qua đó rèn luyện cho học viên các thao tác tư duy như: phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu thông tin.... Bên cạnh đó, giảng viên còn định hướng thảo luận, tranh luận; ghi chép, tích lũy thông tin; cách thức vận dụng, liên hệ thực tiễn.
   Khi định hướng nghiên cứu nội dung giáo trình, giảng viên hướng cho học viên biết cách đối chiếu lý luận vào thực tiễn; xem xét lý luận phản ánh thực tiễn đến đâu; lý luận soi đường cho thực tiễn thế nào; cách khái quát thực tiễn... để hình thành phương pháp học gắn lý luận với thực tiễn.
   Giải pháp ba, thực hiện phương pháp dạy học giúp học viên nắm vững nội dung, bồi dưỡng phương pháp tự học cho họ.
   Việc thực hiện phương pháp dạy học giúp cho học viên nắm vững nội dung, vừa bồi dưỡng phương pháp tự học thực chất là coi trọng việc dạy phương pháp. Muốn vậy, đòi hỏi phải cải tiến từ nội dung bài giảng (cấu trúc giáo án), vận dụng các phương pháp giảng dạy để chỉ đạo cách học, trong đó coi trọng phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, đến vận dụng phương tiện dạy học hiện đại.
   Một là, cấu trúc nội dung bài giảng phải theo hướng bồi dưỡng phương pháp tự học. Thông qua việc sử dụng nội dung bài giảng gắn với nhiệm vụ bồi dưỡng phương pháp tự học, các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực để chỉ đạo tự học của học viên khi nghe giảng và trong quá trình tự học tiếp theo. Qua đó hình thành và phát triển được những cách thức tự học cho học viên.
   Hai là, vận dụng các phương pháp dạy học để bồi dưỡng phương pháp tự học. Thực hiện phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, giảng viên thật sự đóng vai trò tổ chức điều khiển, hướng dẫn giúp đỡ, thúc đẩy học viên học tập và kiểm tra, điều chỉnh việc học của họ theo mục tiêu dạy học. Dưới sự tác động của các phương pháp dạy học, sẽ góp phần kích thích tư duy phương pháp học tập của học viên; tạo ra nhiều cơ hội cho việc thực hành phương pháp tự học; tạo ra nhu cầu tự học ở nhà, qua đó phát triển phương pháp tự học.
   Ba là, vận dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để đẩy mạnh việc bồi dưỡng phương pháp tự học. Khả năng và hiện thực của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục - đào tạo là rất to lớn. Ngày nay, công nghệ thông tin được coi như một công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập. Đối với giảng viên trường chính trị, có thể ứng dụng công nghệ thông tin ở hai khía cạnh là vận dụng vi tính và phần mềm Power Point vào bài giảng nhằm mục tiêu: vận dụng ưu thế về đa chức năng của máy tính để giảm thời gian truyền đạt của giảng viên, kích thích suy nghĩ, tăng cơ hội thực hành, thao tác học tập của học viên, qua đó mà bồi dưỡng được phương pháp tự học cho họ.
   Giải pháp bốn, hướng quá trình kiểm tra, đánh giá trong dạy học vào việc tăng cường bồi dưỡng phương pháp tự học cho học viên.
   Vai trò của kiểm tra, đánh giá có thể nói là một hoạt động giữ vai trò động lực thúc đẩy cho quá trình đào tạo và tự đào tạo. Kiểm tra, đánh giá không chỉ phản ánh đúng năng lực học tập qua mức độ nắm kiến thức, kỹ năng của mỗi học viên, mà còn phản ánh kết quả tự học và vận dụng phương pháp tự học của từng học viên. Đồng thời từng bước hình thành kỹ năng tự đánh giá, thúc đẩy quá trình tự đào tạo ở mỗi học viên.
   Công tác chuẩn bị và tiến hành kiểm tra, thi đòi hỏi phải thực hiện nhiều việc, nhiều bước như: định hướng ôn tập, ra đề và tổ chức kiểm tra, thi, đều có tác động tích cực đến quá trình tự học, phương pháp tự học của học viên. Trong thời đại khoa học và công nghệ hiện nay, người ta sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện kỹ thuật vào kiểm tra, đánh giá, trong đó có phương pháp trắc nghiệm khách quan.
   Như vậy, việc bồi dưỡng phương pháp tự học có thể được thực hiện bằng các giải pháp cơ bản nêu trên. Để quá trình tự học của học viên mang tính tự giác, có định hướng cần có sự tác động của nhiều yếu tố, nhưng cần thấy được rằng, để quá trình tự học hiệu quả, bền vững bao giờ cũng phải xuất phát từ nội lực của chính bản thân học viên./.
                                  ThS. Hoàng Việt Hưng
                             Phó Trưởng phòng Đào tạo

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.