• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Đề cuất một số giải pháp khắc phục bệnh kinh nghiệm trong công tác và học tập đối với cán bộ cấp xã

Thứ sáu - 13/01/2017 08:24

    Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã khẳng định: “Nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn đơn giản, hiểu biết về chủ nghĩa tư bản hiện đại chưa sâu sắc, có mặt còn lệch lạc; phương pháp tư duy chưa tới tầm biện chứng, còn dừng lại ở trình độ cảm tính, ở chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc thực dụng”(1). Qua đó làm nảy sinh những bức xúc trong dân, chưa tạo đủ niềm tin trong dân và chưa đáp ứng được mong muốn cũng như ý trí và nguyện vọng của nhân dân.
    Trong tác phẩm “Tổng kết thực tiễn với việc phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS Trần Văn Phòng, bệnh kinh nghiệm là “Căn bệnh tuyệt đối hóa kinh nghiệm cá biệt, cụ thể, biến chúng thành những kinh nghiệm phổ biến áp dụng những kinh nghiệm này cho mọi trường hợp, mọi điều kiện, hoàn cảnh” (2), coi thường lý luận khoa học, khuyếch  đại vai trò thực tiễn, hạ thấp vai trò lý luận trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
    Biểu hiện của bệnh kinh nghiệm trong cán bộ cấp xã thể hiện ở các phương diện sau đây:
   Thứ nhất, cán bộ cấp xã mắc bệnh kinh nghiệm thường thỏa mãn với vốn kinh nghiệm bản thân, họ cho rằng bằng kinh nghiệm có thể giải quyết được mọi vấn đề và họ luôn hạ thấp lý luận, ngại học lý luận, không chịu nâng cao trình độ lý luận, coi thường khoa học kỹ thuật, coi thường giới tri thức, thiếu nhìn xa trông rộng, dễ bảo thủ trì trệ. Do không đánh giá đúng vai trò của tri thức lý luận, đội ngũ trí thức, cán bộ lý luận chỉ chú trọng đến những giá trị của những kinh nghiệm cá biệt, cụ thể. Bởi vì, trong một số những kinh nghiệm cá biệt này đã mang lại lợi ích nhất định trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể của thực tiễn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến coi thường việc học tập lý luận, không giải quyết đúng đắn và thỏa đáng mối quan hệ giữa lý luận với chính trị, giữa tính đảng với tính khoa học trong lý luận làm cho lý luận trở nên yếu kém và lạc hậu.
   Thứ hai, biểu hiện ở lối suy nghĩ giản đơn, phong cách tư duy áng chừng, đại khái, phiến diện, yếu về lôgich, thiếu tính hệ thống và hướng vào quá khứ là chủ yếu. Cán bộ cấp xã mắc bệnh kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn thường rơi vào tình trạng mò mẫm, tùy tiện đối với việc thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, bệnh kinh nghiệm của cán bộ cấp xã còn thể hiện cả ở trong lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn. Điều này, thể hiện rõ nét ở chỗ nhiều cán bộ cấp xã khi học tập, nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện của Đảng … đã tiếp thu, lĩnh hội và hiểu chúng qua lăng kính chủ quan, kinh nghiệm của cá nhân mình, thậm chí còn kinh nghiệm hóa những nguyên lý, lý luận. Vì vậy, ở không ít cán bộ cấp xã còn có thái độ đơn giản, qua loa, đại khái, nắm lý luận còn rời rạc, chắp vá.
    Nguyên nhân mắc bệnh kinh nghiệm của cán bộ cấp xã là do tầm nhìn hạn chế bởi kinh nghiệm cũ, nên trong hoạt động lãnh đạo thiếu dự kiến, chỉ thấy việc trước mắt mà không thấy việc lâu dài, chỉ thấy việc cục bộ, bộ phận mà không thấy việc tổng thể, chỉ nhìn thấy cái riêng mà không thấy cái chung, chỉ nhìn thấy từng sự kiện riêng lẻ chứ không nhìn thấy mối liên hệ giữa các sự kiện, chấp hành, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thiếu chủ động, máy móc. Trước những sự việc mới nảy sinh trong thực tiễn, cán bộ cấp xã thường lúng túng, thiếu phân tích, chọn lọc để vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của địa phương.
    Để khắc phục bệnh kinh nghiệm đối với cán bộ cấp xã, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
    Một là, nâng cao trình độ nhận thức lý luận cho cán bộ cấp xã, cụ thể là nâng cao phương pháp tư duy, từ tư duy kinh nghiệm lên tư duy khoa học, trước hết trang bị lý luận khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư duy biện chứng, vận dụng sáng tạo những hiểu biết ấy vào việc giải quyết các nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra. Công việc này cần được xác định là việc lâu dài, từng bước, thường xuyên và liên tục, phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp mới có thể đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
   Hai là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã. Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, cần quan tâm tới những vấn đề như: Đổi mới nội dung chương trình; đổi mới phương pháp và đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho quá trình đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị
    Ba là, thực hiện đồng bộ chính sách cán bộ, dân chủ hóa trong Đảng và trong đời sống xã hội ở cơ sở.
    Bốn là, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo tự học, tự rèn luyện của cán bộ cấp xã. Trước hết, cần nâng cao nhận thức tính tất yếu và vai trò của tự học, tự rèn luyện của họ, đồng thời xây dựng kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch tự học, tự rèn luyện kiến thức lý luận chính trị.
    Năm là, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cấp xã thông qua định hướng đúng trong tổng kết thực tiễn nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học. Điều này đòi hỏi mỗi cấp ủy cơ sở Đảng phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của mình, đồng thời phải hình thành thái độ khoa khọc đối với công tác tổng kết thực tiễn.
    Trên đây là một số giải pháp nhằm khắc phục bệnh kinh nghiệm, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
                                                   CN. Hoàng Ngọc Mai
                                            Khoa Nhà nước và Pháp luật


 
 
 

(1)  Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương  khóa IX “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”.(4.2001)
 (2) GS.Trần Văn Phòng (2010), Tổng kết thực tiễn với việc phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG, tr 44 - 45.
 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.