• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Thứ sáu - 13/01/2017 08:08

      Đại hội XII của Đảng thể hiện bước phát triển mới trong các quyết sách đúng đắn, đổi mới, phù hợp ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân. Các văn kiện của Đại hội là được xây dựng trên cơ sở luận cứ khoa học từ tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới; đồng thời, là sự kết tinh trí tuệ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân tộc; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng. Văn kiện Đại hội XII cũng là bước phát triển và cụ thể hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tiếp tục xác định rõ hơn mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tộc trong giai đoạn mới đầy triển vọng và không ít thách thức. Đại hội đánh dấu một bước trưởng thành mới của Đảng. Qua chặng đường đổi mới 30 năm, Đảng ta vững vàng đưa dân tộc ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng. Những thành tựu về kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế đều có bước phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững hoà bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.
      Tổng kết chặng đường 30 năm, Đại hội XII đúc rút 3 kết luận: Một là, những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; Hai là, những thành tựu đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; Ba là, những thành tựu đó khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Từ những thành tựu cũng như hạn chế, Đại hội rút ra 5 bài học. So với bài học của các Đại hội trước, các bài học Đại hội XII rút ra đều có những điểm mới, đặc biệt là bài học thứ tư về mối quan hệ dân tộc - quốc tế đã nhấn mạnh “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”.
     Thực hiện Nghị Quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các Trường Chính trị tỉnh, thành phố hiện nay. Một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng giảng dạy trước hết cần nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên.
      Trường Chính trị Hoàng Đình Giong là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức luôn là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của Nhà trường. Trải qua sáu mươi tám năm kể từ khi thành lập trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng (01/7/1948 - 01/7/2016), đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho.
     Hiện nay, đội ngũ công chức, viên chức nhà trường có 44 biên chế, trong đó có 34 giảng viên (thạc sỹ 17, đại học 17). Đội ngũ giảng viên nhà trường luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ giảng viên đi trước, trong giảng dạy và công tác luôn thể hiện lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt; lối sống trong sạch, lành mạnh. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng các giảng viên vẫn luôn gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
     Nhà trường đang đứng trước những thời cơ thuận lợi cho sự phát triển sang một giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Với truyền thống 68 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn đoàn kết, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; cùng với cơ sở vật chất của trường được trang thiết bị khá đầy đủ và tương đối đồng bộ phục vụ cho dạy và học, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
    Tính đến 2016 đội ngũ giảng viên của Nhà trường có tuổi nghề: từ 3 đến 10 năm 15 đồng chí (chiếm 44,12%); từ 11 đến 20 năm 10 đồng chí (chiếm 29,41%); trên 20 năm 9 đồng chí (chiếm 26,47%). Như vậy, số giảng viên có kinh nghiệm trong giảng dạy chiếm tỷ lệ không nhiều, trong 5 năm tới số giảng viên có thâm niên, kinh nghiệm đến tuổi nghỉ hưu. Trước tình hình đó, Nhà trường đã cử giảng viên trẻ đi đào tạo văn bằng hai, sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, tăng cường nghiên cứu thực tế ở cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng.
    Tuy nhiên, Nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách phải vượt qua. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và của Tỉnh đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao cả về số lượng, chất lượng, đa dạng về nội dung, hình thức đào tạo. Nhà trường phải không ngừng đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy để sát với yêu cầu thực tiễn của người học. Để giải quyết những vấn đề đó, trước hết phải có đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
    Cơ cấu giảng viên trong các chuyên ngành vẫn còn chưa thật hợp lý. Một số môn học chưa có giảng viên đúng chuyên ngành. Việc phân bổ số giờ giảng dạy giữa các môn học không đồng đều, có môn giảng dạy nhiều, có môn giảng dạy ít. Vì vậy, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, cũng cần chú ý cả đào tạo chuyên ngành thứ hai để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
    Đời sống của cán bộ, giảng viên Nhà trường hiện nay còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc an tâm công tác, chất lượng giảng dạy. Nhà trường cần chăm lo, cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên phát huy năng lực để tăng thêm thu nhập chính đáng. Làm cho giảng viên gắn bó với nghề nghiệp, gắn bó với Nhà trường, tận tâm, tận lực cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh.
    Hiện nay đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đang có sự hẫng hụt. Một trong những nguyên nhân của sự hẫng hụt đó là trong một thời gian dài các chế độ chính sách của giảng viên trường Chính trị chưa được chính thức và cụ thể hóa trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, mà chỉ là vận dụng, nên có nhiều bất cập, gây không ít khó khăn trong việc thu hút những người có đủ phẩm chất trình độ, năng lực để tăng cường cho đội ngũ giảng viên.
    Đảng và Nhà nước cần rà soát, xây dựng cơ chế chính sách cho cán bộ, giảng viên trường Chính trị. Hiện nay hầu hết cán bộ các cấp tỉnh, huyện và chủ chốt cơ sở đều tốt nghiệp đại học và ngày càng nhiều người có trình độ sau đại học; vì vậy, đòi hỏi giảng viên trường Chính trị phải có trình độ cao, có kiến thức thực tiễn, năng lực sư phạm, có phẩm chất chính trị, đạo đức. Việc tuyển chọn giảng viên đã khó, việc đào tạo, rèn luyện để đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy cũng không kém phần khó khăn và mất nhiều thời gian. Do đó, đề nghị Học viện, Ban Tổ chức Trung ương có cơ chế thu hút giảng viên trường Chính trị bằng các chế độ phụ cấp ưu đãi như các ban Đảng.
     Nhà trường cần xây dựng quy hoạch đội ngũ giảng viên, trên cơ sở đó có kế hoạch cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kế hoạch đào tạo cần tuân thủ theo quy hoạch về chuyên môn.
     Khuyến khích giảng viên tích cực nghiên cứu thực tế, tham gia các đề tài khoa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tăng cường công tác nghiên cứu tổng kết nội dung các chương trình đào tạo mà Nhà trường đã thực hiện; rút kinh nghiệm phương pháp giảng dạy;  nội dung nghiên cứu khoa học; cách thức quản lý … Công tác nghiên cứu khoa học phải thật sự gắn với nhiệm vụ trung tâm là dạy và học. Tăng cường tổ chức đi thực tế học tập kinh nghiệm công tác giảng dạy, quản lý ở các trường chính trị tỉnh bạn. Khi có điều kiện cần cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Việc đi học tập kinh nghiệm ở nơi khác cần có mục đích, yêu cầu rõ ràng và phải thật sự quan tâm đến tính hiệu quả của nó. Đi tìm hiểu kinh nghiệm ở các địa phương khác, nước khác, điều quan trọng là cần phải tìm cách áp dụng một cách hợp lý vào các hoạt động của Nhà trường.
     Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành công sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Cao Bằng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là trách nhiệm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cũng như của toàn thể cán bộ, viên chức Nhà trường./.
 
                                                                                         CN. Bế Dũng
                                                                       Bí Thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng

 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.