• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Khó khăn của giảng viên trẻ trong việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy lý luận

Thứ sáu - 13/01/2017 08:32

   Phương pháp dạy học tích cực là một phương pháp mới, đang được áp dụng khá phổ biến trong giảng dạy. Phương pháp này hướng tới việc tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, đồng thời yêu cầu người giảng viên phải nỗ lực nhiều hơn so với giảng dạy theo phương pháp truyền thống.
   Những năm qua, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm tòi, đổi mới nội dung lẫn phương pháp dạy học. Đội ngũ giảng viên trẻ ngày càng vững vàng về trình độ chuyên môn, có tư duy nhạy bén với cái mới, cái hay, có sự nhiệt tình cũng như ham học hỏi. Với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, nhiều giảng viên trẻ đã được cử đi tham gia các lớp tập huấn phương pháp dạy học tích cực do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Tiếp cận với các phương pháp mới, đa phần các giảng viên đã nhanh chóng tiếp thu và mạnh dạn ứng dụng vào công việc giảng dạy. Thay cho cách học thụ động, tiếp nhận kiến thức một chiều, các học viên cũng dần làm quen và hào hứng hơn trong các giờ học. Tài liệu, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị hỗ trợ cho giảng dạy và học tập từng bước được đầu tư, nâng cấp tạo nên chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt.
    Bên cạnh những mặt đạt được cũng phải nhìn nhận rằng, giảng dạy các môn lý luận không phải vấn đề đơn giản cả về nội dung cũng như phương pháp truyền đạt, nhất là đối với các giảng viên trẻ, trong khi học viên chủ yếu là đội ngũ cán bộ nguồn, cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở. Đối tượng này cơ bản đã được trang bị lý luận tại các trường đại học và cũng dày dạn kinh nghiệm công tác nên họ yêu cầu khá cao ở các giảng viên. Đây là một khó khăn lớn với những giảng viên trẻ khi còn ít kinh nghiệm về tuổi đời, tuổi nghề.
    Mặt khác, không phải giảng viên trẻ nào cũng có khả năng chuyển tải những kiến thức lý luận đến học viên bằng những phương pháp mới, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Việc nắm chưa chắc kỹ năng dẫn đến áp dụng phương pháp mới không đem lại kết quả tích cực, hỏi đáp nhiều gây nhàm chán đối với học viên. Thậm chí hỏi nhiều vấn đề không trọng tâm, không bật lên nội dung chính của bài học, làm tốn thời gian thực hiện kế hoạch giảng dạy, gây "cháy giáo án", nhất là ở những bài học nội dung dài trong khi thời lượng quy định ngắn.
    Với kiến thức chưa sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều và tâm lý về khoảng cách tuổi tác giữa học viên và giảng viên cũng dẫn đến sự thiếu tự tin, sợ sai kiến thức mà không dám tích cực truyền đạt, đối thoại, thảo luận cùng học viên vì sợ có thể nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp vượt khả năng giải quyết về kiến thức cũng như kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều giảng viên trẻ còn thụ động, ngại tốn thời gian, công sức, ngại đầu tư về đồ dùng, phương tiện, thiết bị, tài liệu tham khảo.
     Sự quen thuộc phương pháp thuyết trình một chiều dẫn đến tâm lý e ngại bị đánh giá không đúng về năng lực. Nếu đổi mới, áp dụng phương pháp tích cực chưa nhuần nhuyễn sẽ giảm đi độ tin cậy về năng lực giảng dạy đối với học viên, với chính các đồng nghiệp.
      Các giảng viên trẻ chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận và làm quen với phương pháp giảng dạy mới, chưa được dự những tiết giảng cụ thể theo phương pháp đổi mới, chưa có điều kiện để nghiên cứu và vận dụng vào các bài giảng cụ thể của mình.
       Một số học viên yêu cầu giảng viên phải áp dụng các phương pháp tích cực nhưng lại không tôn trọng, hợp tác với giảng viên trẻ vì cho rằng mình hơn hẳn về độ tuổi, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Điều này dẫn đến tình trạng học đối phó. Một số khác thì chăm chỉ nhưng đã quen cách truyền đạt theo phương pháp truyền thống nên cảm thấy không thoải mái, thích ứng với việc học tập theo phương pháp mới.
       Số lượng học viên trong một lớp quá đông, phòng học nhỏ, chật chội, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực.
       Những tồn tại trên đòi hỏi mỗi giảng viên, đặc biệt là những giảng viên trẻ phải luôn ý thức tự hoàn thiện bản thân cả về tri thức lẫn phương pháp giảng dạy nhằm xây dựng một bài giảng sinh động, lôi cuốn và mang lại kết quả tích cực đối với người học. Qua thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy cho thấy các giảng viên trẻ khi áp dụng phương pháp dạy - học tích cực cần chú ý các giải pháp sau:
       Thứ nhất, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu sâu kiến thức chuyên môn. Chuẩn bị tốt bài giảng, người giảng viên mới có tâm lý tự tin, có thể đối mặt với nhiều tình huống phát sinh liên quan đến kiến thức. Hơn nữa, nắm vững kiến thức sẽ mang lại uy tín về chuyên môn đối với một giảng viên trẻ. Cùng với đó là rèn luyện kỹ năng trong giảng dạy, đặc biệt kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra khi đứng lớp hoặc thảo luận cùng học viên. Đây sẽ là cơ sở để giảng viên dựa vào đó tìm hiểu và áp dụng các phương pháp mới cho phù hợp.
       Thứ hai, cần phải có kiến thức thực tế. Kiến thức thực tế không chỉ giúp cho giảng viên vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, giúp học viên nắm được bài một cách nhanh hơn và hiệu quả cao mà còn có một bài giảng lôi cuốn, sinh động và hấp dẫn. Việc thu thập kiến thức thực tế được thực hiện thông qua nhiệm vụ nghiên cứu thực tế hàng năm tại cơ sở. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải tự mình trải nghiệm trong công việc, đọc, tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng,  từ người đi trước có kinh nghiệm, thậm chí từ chính học viên trên lớp vì đó là những người trải qua thực tiễn nhiều nhất.
      Thứ ba, thường xuyên nghiên cứu và áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong các buổi lên lớp. Giảng viên trẻ kiến thức thực tiễn cũng như kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, việc áp dụng các phương pháp tích cực trong giảng dạy là một việc cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả bài giảng. Nếu áp dụng tốt, giảng viên sẽ tạo cho học viên một thái độ tích cực trong học tập và góp phần bổ sung vốn thực tiễn còn yếu và thiếu của mình. Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực thể hiện trong cách thiết kế giáo án, sử dụng phương tiện hiện đại, cách đặt câu hỏi, bài tập tình huống để trao đổi cùng học viên... Muốn vậy, mỗi giảng viên trẻ phải tự mình tìm hiểu các tài liệu liên quan đến phương pháp dạy học tích cực. Có thể học tập các giảng viên có kinh nghiệm thông qua trao đổi trực tiếp, dự giờ, qua những buổi tọa đàm, hội thảo. Sau đó mạnh dạn đổi mới, áp dụng vào thiết kế giáo án và tập luyện trên cơ sở góp ý của người đi trước.
      Thứ tư, lãnh đạo nhà trường cần tạo điều kiện hơn nữa để các giảng viên trẻ có cơ hội tiếp cận với những khóa tập huấn phương pháp dạy học tích cực hoặc tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo để các giảng viên có cơ hội trải nghiệm với các phương pháp dạy học tích cực theo đúng hướng, tránh mơ hồ dẫn đến áp dụng không hiệu quả.
      Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực là một điều cần thiết đối với các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Để thực hiện tốt rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường và mỗi giảng viên phải không ngừng rèn luyện  bản thân về mọi mặt  cả về tri thức lẫn phong cách, kỹ năng khi đứng lớp, phải luôn coi đó là một nhu cầu tự thân. Có như vậy thì việc đổi mới mới mang lại kết quả tích cực./.
 
                               CN. Lê Thị Thư
                Khoa Lý luận Mác-Lênin - tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.