• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

" Dân là gốc" - Sự kế thừa và phát huy sáng tạo của Đảng trong thời kỳ mới

Thứ sáu - 30/06/2017 17:40

     Trong suốt chiều dài lịch sử lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Và trong toàn bộ quá trình lịch sử ấy, là bài học “lấy dân là gốc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định vừa là nền tảng, vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
      Quan niệm của Hồ Chí Minh về “dân là gốc”: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết của dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi dân, và biết dựa vào dâncán bộ đảng viên “phải liên lạc mật thiết với dân chúng, phải thực hiện dân chủ với dân để phát huy tinh thần làm chủ của dân là cốt lõi của vấn đề dân là gốc. Người thường nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ”. “Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình. Trong tư tưởng của Người, quan điểm dân là gốc là quan điểm khoa học, toàn diện. Đó là sự kế thừa những tinh hoa dân tộc, là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn cuộc sống.
      Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự “lấy dân là gốc”, cần phải:
      Thứ nhất, luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phải lấy mục đích bảo vệ cho nhân dân sống yên vui, hạnh phúc làm đầu, phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình
      Thứ hai, làm tốt công tác dân vận. Điều đó có nghĩa là, phải “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống dân, gắn bó với dân; tăng cường đối thoại với nhân dân, trực tiếp gặp gỡ, hỏi han và bàn bạc với dân, để nghe dân nói, xem dân làm, thấy được cách sinh hoạt, làm việc, cuộc sống của dân, và quan trọng hơn là đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của họ, biết họ đang nghĩ gì, cần cái gì, muốn cái gì, lo cái gì v.v.. Từ đó, đề ra hoặc sửa đổi, bổ sung chủ trương, chính sách làm cho ý Đảng, lòng dân thống nhất, hoà quyện với nhau.
     Thứ ba, phải nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân đối với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân hòng hạ thấp uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, kích động nhân dân chống lại chế độ, gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
     Sự kế thừa quan điểm “ dân làm gốc” và sự phát triển của Đảng ta trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước.
     Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của dân tộc, xuất phát từ những giá trị đúc kết tư tưởng dân là gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy dân làm gốc là bài học kinh nghiệm hàng đầu, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng. Đánh giá quá trình đổi mới, Đại hội lần thứ IX của Đảng một lần nữa khẳng định: “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo”[1].
    Văn kiện đại hội XII cũng chỉ rõ, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đảng đưa ra những quan điểm thiết thực, trên nền tảng lấy dân làm gốc.
   Thứ nhất, Quyền và lợi ích của dân là điểm mục tiêu của mọi chủ trương, chính sách.
    Đảm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân cần tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Trên cơ sở đó, ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ xã hội được nâng lên. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có tiến bộ. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực đời sống và kinh tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
 Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đại hội XII đặt ra phải tiếp tục được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Nhân dân rất quan tâm việc Nhà nước sớm có các văn bản pháp luật quy định rõ những nội dung được biết, dân được bàn, nhất là các nội dung và các chế tài được dân kiểm tra, giám sát. Một số Nghị định về nội dung này đã được Chính phủ ban hành nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ, cần được rà soát, bổ sung kịp thời.
     Thứ hai,  đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân.
     Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng và thích hợp để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
     Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân. Xa rời, đi ngược lợi ích của nhân dân, đổi mới sẽ thất bại. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là một nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới phải dựa vào nhân dân, phải luôn luôn quán triệt quan điểm dân làm gốc.
     Để dân ủng hộ, dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân. Cần tạo điều kiện, cơ chế để nhân dân góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nhân dân thực hiện vai trò giám sát phản biện đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các đoàn thể xã hội.  
    Thứ ba, phát triển văn hóa Đảng là lấy “dân là gốc”.
     Đảng ta luôn coi trọng và thực hiện tốt quy luật tồn tại, phát triển văn hóa Đảng là “lấy dân làm gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân”[2]. Theo lôgíc đó, văn hóa Đảng chỉ có thể phát triển bền vững và tỏa sáng một khi gắn kết, hòa hợp hữu cơ thành bộ phận hạt nhân, không thể tách rời là nhân dân.
    Trong những năm qua, nhiều định hướng về phong cách, văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhất là văn hóa gần dân, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân; việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh không dừng lại ở những nguyên lý, những chủ trương mà đang từng bước đi vào đời sống thông qua việc Đảng ban hành và thực hiện các quy chế, quy định cụ thể, thiết thực, như: thăm dò dư luận, lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành những quyết sách quan trọng; đối thoại, chất vấn trong Đảng; việc nêu gương của cán bộ đứng đầu các ngành, các cấp; cán bộ lãnh đạo đi cơ sở, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân... Giảm bớt hội họp, tăng cường bám sát thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khiêm tốn, giản dị, hòa đồng, nêu gương trước cấp dưới, trước nhân dân… Chính là những tố chất văn hóa chính trị đang dần định hình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; qua đó từng bước nhân rộng, lan tỏa văn hóa Đảng trong nhân dân và xã hội.
     Đánh giá về quá trình 87 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đúc kết nhiều bài học to lớn về thành công của cách mạng Việt Nam.  Trong đó, bài học  sâu sắc, thấm thía nhất là bài học lấy “dân làm gốc”, đây là một quan điểm nền tảng tư tưởng vững chắc của cách mạng Việt nam. Đảng đã luôn khẳng định sức mạnh của Đảng là sức mạnh của quần chúng nhân dân, được nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong những chặng đường mới của đất nước về chiến lược phát triển xã hội, mở rộng đối ngoại, giao lưu kinh tế, văn hóa trong điều kiện toàn cầu hóa hội nhập quốc tế quốc tế./.
 
                                                                                           ThS. Phùng Thị Thu
                                                                                   Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.81.
[2] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.