• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Vận dụng những điểm mới trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII vào soạn, giảng bài: " Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam" thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ sáu - 30/06/2017 15:29

          Một trong những nhiệm vụ cơ bản của những người làm công tác giảng dạy lý luận chính là cung cấp cho những người học những kiến thức lý luận về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, ... từ đó, góp phần đưa tư tưởng của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, việc thường xuyên nghiên cứu, quán triệt để hiểu một cách sâu sắc nền tảng lý luận, cơ sở khoa học quan điểm của Đảng và vận dụng các văn kiện Đại hội Đảng vào công tác giảng dạy có một ý nghĩa quan trọng.
          Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những quyết sách mang tính chiến lược, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Văn kiện XII là sự kế thừa và phát triển những nội dung cơ bản của đường lối đổi mới, đặc biệt kế thừa nội dung Văn kiện Đại hội XI và được bổ sung bằng những tư tưởng tiến bộ, khoa học của thời đại. Trong bài viết này, tôi xin đề cập, bổ sung một số nội dung mới trong đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các lớp Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và học viên cập nhật, bổ sung kiến thức về công nghiệp hóa. Cụ thể bài Bài 3: " Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam " như sau:
          Thứ nhất, Tiểu mục 2.1.1. "Mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam" cần làm rõ: sau khi đánh giá lại thực trạng kinh tế - xã hội trong thời gian qua, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế 2016 - 2020 tại Đại hội XII đã chỉ rõ: " nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt"(2). Cụ thể: " đến năm 2020 dự kiến có 10/15 chỉ tiêu không đạt tiêu chí các nước công nghiệp"(3) trong đó bao gồm: "GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế tạo và tỷ trọng nông nghiệp trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỷ lệ đô thị hóa, điện sản xuất bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch"(4).
          Do đó Đại hội đã đi đến thống nhất, điều chỉnh lại chủ đề Đại hội XII, đã thay đổi mục tiêu công nghiệp hóa: thay cụm từ " đến năm 2020" bằng cụm từ " sớm" và khẳng định " sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
          Thứ hai, trong giáo trình không nhắc đến nội dung xác định tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, một trong những điểm nổi bật tại Đại hội XII so với các kỳ Đại hội trước có xây dựng được tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại để từ đó có căn cứ xây dựng mục tiêu và phương hướng phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong Văn kiện XII có chỉ rõ: "Xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, điện bình quân đầu người, ..."; những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo, ...); và những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính,..)(5). Đại hội xác định: hệ tiêu chí nước công nghiệp phải được xây dựng dựa trên mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đang hướng đến.
          Thứ ba, để thuận lợi và chính xác hơn trong hoạch định mục tiêu, phương hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đại hội XII so với các kỳ Đại hội trước là đã xác định các bước tiến hành công nghiệp hóa cụ thể "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa".(6) Và Đại hội cũng xác định, trong 5 năm tới (2016 - 2020) tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
          Thứ tư, tiểu mục 2.2.2." Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức" có bổ sung, cập nhật một số điểm mới như sau:
            Trong định hướng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đại hội XII xác định: "Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu"(7).
            Trong định hướng phát triển ngành công nghiệp. Đại hội XII nhấn mạnh: "Xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển"(8). Cũng trong định hướng phát triển công nghiệp, lần đầu tiên Đại hội Đảng đưa ra khái niệm "công nghiệp văn hóa". Công nghiệp văn hóa là một bộ phận của công nghiệp sáng tạo; Các ngành công nghiệp văn hóa, nói chung bao gồm: nguyên tác, âm nhạctruyền hình, sản xuất phim và xuất bản cũng như các ngành nghề thủ công và thiết kế.
          Các ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi thế giới đã và đang thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số tân tiến, hiện đại và với các chính sách quốc gia, vùng miền và của các nhà lãnh đạo quốc tế. Ngành công nghiệp văn hóa đem lại khoản đóng góp lớn cho GDP các nước trên thế giới, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần quảng bá cho văn hóa đất nước. Nhận định được lợi ích của ngành công nghiệp văn hóa, Đại hội xác định nhiệm vụ: "phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, và hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa"(10).
          Trong định hướng phát triển kinh tế biển, Đại hội XII xác định: "phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo"(11). Đại hội nhấn mạnh phải " Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người định cư lâu dài trên các đảo" (13) đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong điều tra, khai thác tài nguyên biển, đảo.
          Đối với định hướng phát triển đô thị: nhằm tránh tình trạng bất cập trong xây dựng các khu đô thị, Đại hội XII đã đưa ra các định hướng." đổi mới cơ chế chính sách và kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị. Từng bước hình thành hệ thống đô thị hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển mạnh đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng đô thị di sản, đô thị sinh thái, đô thị du lịch và đô thị khoa học"(14).
          Đối với định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Đại hội XII cũng đưa ra các định hướng sau " Đẩy mạnh huy động sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm là: Hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng ngành điện đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của một nước công nghiệp"(15).
          Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay, chuyên đề 3: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam giảng viên cần cung cấp những kiến thức cơ bản hệ thống về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam nhằm mục đích phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh"... Bên cạnh đó là cung cấp phương pháp luận khoa học trong nhận thức và giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước.
          Chú thích:
(1) Giáo trình TCLLCT-HC Phần IV. Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam Nhà xuất bản lý luận Chính trị, Hà Nội, 2014, Tr.78.
 (2), (3), (4) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.251.
(5) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.89.
(6) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.90.
(7), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.92.
(8);(9) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.91.
(10) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.130.
(11) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.94.
(12) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.95.
(13) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.289.
(14) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.96.
(15) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, Tr.97.
                                          ThS. Đinh Thị Thúy Hường
                       Phó trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 
 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.