• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Dân vận, chìa khóa thành công của cách mạng

Thứ sáu - 30/06/2017 15:38

         Trong tiến trình phát triển của lịch sử, các tổ chức chính trị cầm quyền, lãnh đạo xã hội muốn có được sức mạnh của tổ chức chính trị phải có được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Tổ chức, thu hút được đại đa số quần chúng tham gia các hoạt động cách mạng là nắm được chìa khóa thành công. Để làm được điều đó, cần thiết phải thực hiện tốt công tác dân vận. Nói một cách khác, sức mạnh của một tổ chức chính trị cầm quyền là sức mạnh của quần chúng nhân dân thông qua công tác dân vận và tổ chức vận động thực hiện các phong trào vận động quần chúng nhân dân thực thi đường lối, chiến lược, sách lược của đảng cầm quyền.
Thực tiễn lịch sử đã chỉ rõ, các vương triều phong kiến của dân tộc Việt Nam đã biết vai trò của dân và làm công tác dân vận qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đúc kết nguyên nhân lớn nhất của chiến thắng quân Nguyên Mông: “Vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước góp sức”, trong điều kiện hòa bình “Phải khoan thư sức dân để làm kế bền gốc rễ sâu, đó là thượng sách giữ nước” [Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397]. Nguyễn Trãi, bằng chiến lược động viên toàn quân, toàn dân với tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “hay “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới. Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” đã thể hiện tình quân - dân bền chặt [Bình Ngô Đại Cáo]. Thời vua Lý Thái Tông đã tự mình tịch điền, cày ruộng. Hành vi của vua có nhiều quan lại trong triều can ngăn “Đó là việc của nông phu, Bệ hạ cần gì làm thế?  Vua Thái Tông thẳng thắn trả lời: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”. [Theo Báo Quê hương online.vn - “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục] Tinh thần và hành động của vua cầm cày hơn cả nghìn lần vua ban chiếu dụ, đã làm nên triều đại huy hoàng của Nhà Lý trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản Pháp với ngọn cờ: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “tự do”, “dân chủ”, “bình đẳng”, “bác ái” như một làn tư tưởng mới phóng khoáng thâm nhập vào lực lượng quần chúng nhân dân Pháp, đánh sập những bức tường thành vững chắc của chế độ phong kiến lạc hậu, kéo dài nhiều thế kỷ, xây dựng nền dân chủ tư sản ở Pháp và đặt nền tảng tư tưởng tự do dân chủ cho phong trào dân chủ ở châu Âu.
          Các nhà kinh điển C.Mác - Ph. Ăngghen, V.I.Lênin trong các học thuyết đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người khẳng định rất rõ về dân và vai trò công tác dân vận với hai mệnh đề quan trọng:
           Thứ nhất, “Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử”; Trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843) Mác viết “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước” [C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t1,nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr 137,150,123].
          Thứ hai, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Trong tác phẩm “Chào mừng những người Cộng sản Ý, Pháp, Đức, V.I. Lênin khẳng định “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”. [V.I. Lê nin toàn tập, t39, nxb Tiến bộ, Matxcova, 1979, tr 251] Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, chiến thắng vĩ đại của nhân dân Xô Viết trong chiến tranh thế giới thứ hai là một minh chứng cụ thể mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã phát huy sức mạnh không chỉ của nhân dân Liên Xô mà còn là phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.
          Hồ Chí Minh - lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là sự đúc kết sâu sắc trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn về thực hành công tác dân vận. Trong quan điểm và hành động của Người, dân vận không gì bằng lấy mình làm gương để mọi người noi theo. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dân thăm đồng, tát nước chống hạn, thăm nhà máy nơi công nhân làm việc, cùng các chiến sĩ hành quân ra mặt trận là những hình ảnh thực tiễn, chân thật và sống động nhất của một người lãnh tụ đề cao vai trò của công tác dân vận, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Những hình ảnh đó sống mãi trong lòng chiến sĩ, đồng bào, dân tộc Việt Nam.
          Dân vận, thực chất là cách thức, phương pháp tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng nhân dân thực hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuất phát từ lợi ích của quốc gia dân tộc và của đại đa số quần chúng nhân dân, những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội như: cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện sinh hoạt và việc làm, là đời sống hòa bình, no ấm và bình đẳng, hạnh phúc và các nhu cầu đó ngày càng phát triển trong xu thế phát triển tiến bộ của thời đại. Để thực hiện những điều đó, từ đường lối của Đảng, Nhà nước, phải kể đến vai trò to lớn của đội ngũ những người làm công tác dân vận, mà nòng cốt chính là những cán bộ đảng, cán bộ chính quyền, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và cán bộ các tổ chức chính trị, đoàn thể nhân dân, những người đi trên tuyến đầu làm công tác tuyên truyền những quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, vận động quần chúng nhân dân lao động thực hành những công việc nên làm, những công việc mà Đảng, Nhà nước giao cho nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh quốc phòng. Phát huy vai trò làm chủ thực sự của nhân dân trên thực tế như: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, hội nhập quốc tế….
 
          Từ những bài học thực tiễn trong lịch sử, Nghị quyết Hội Nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta phải tiếp tục đổi mới và làm tốt hơn công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu, thịt giữa Đảng với nhân dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” [tr26, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, xb năm 2013]./.
                                                            Th.S Trần Thị Thu Hồng
                                                             Trưởng Khoa Dân vận
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.