• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Quan điểm về quyền tư pháp qua cách nhìn dưới góc độ chính trị và pháp lý ở Việt Nam hiện nay

Thứ sáu - 30/06/2017 14:03

   Tư tưởng về quyền tư pháp của Việt Nam dưới góc độ lịch sử có thể phân ra làm hai giai đoạn chính: Giai đoạn trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và giai đoạn sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mà nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
   Giai đoạn trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
   Trong giai đoạn này, tư tưởng về lập hiến và quan điểm về quyền tư pháp bắt đầu xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX với quan điểm của các chí sĩ, nhà nho yêu nước tiêu biểu như: Nguyễn Trường Tộ, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Trực, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... và đặc biệt là tư tưởng của người chiến sĩ Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Trong tư tưởng về lập hiến và quyền tư pháp của các chí sĩ, nhà nho yêu nước kể trên, nổi bật lên là tư tưởng của Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Phân tích về cơ chế phân chia quyền lực nhà nước, Phan Chu Trinh viết: “Cái quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử án thì giao cho các quan án là những người học giỏi luật lệ, có bằng cấp; các quan án chỉ coi việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử Chính phủ cũng như xử một người dân. Các quan án ở về một viện riêng gọi là Viện tư pháp. Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của Chính phủ và quyền lập pháp của Nghị viện đều đứng riêng ra, không hợp lại trong tay một người nào”. Như vậy, quan điểm của Phan Chu Trinh đã chỉ rõ quyền tư pháp chính là quyền xét xử và quyền này được trao cho Viện Tư pháp với tư cách là một cơ quan độc lập. Đây cũng chính là tư tưởng chủ đạo về quyền tư pháp của Việt Nam trong giai đoạn này.
   Đối với Nguyễn Ái Quốc, tư tưởng về lập hiến nói chung cũng như tư tưởng về quyền tư pháp nói riêng trong giai đoạn này là một quá trình liên tục có sự kế thừa và phát triển. Người quan tâm rất sớm đến vai trò của luật pháp trong điều hành và quản lý xã hội. Năm 1919, trong  Tám yêu sách của nhân dân An Nam  gửi tới Hội nghị Vécxây thì đã có bốn điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền. Sau này bản yêu sách của nhân dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc chuyển thành  Việt Nam yêu cầu ca,  trong đó điều bảy, điều tám viết:
                                                “Bảy xin hiến pháp ban hành
                                    Trăm điều phải có thần linh pháp quyền
                                                Tám xin được cử Nghị viên
                                        Qua tây thay mặt giữ quyền thổ dân”
    Đây là tư tưởng rất đặc sắc của Người, phản ánh cốt lõi của nhà nước dân chủ mới - nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Đồng thời đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Người. Như vậy, trong giai đoạn này, tư tưởng của về quyền tư pháp của Người đã được định hình một cách rõ ràng thông qua quan điểm về nhà nước pháp quyền. 
   Tóm lại, đây là giai đoạn mà tư tưởng về quyền tư pháp ở Việt Nam bắt đầu được hình thành chủ yếu do sự tiếp thu từ bên ngoài. Một đặc điểm nổi bật trong thời kỳ này là những tư tưởng về quyền tư pháp chưa được hiện thực hóa. Tuy nhiên, đây là thời kỳ có dấu ấn quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển và hiện thực hóa quyền tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
   Giai đoạn sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
   Trong giai đoạn này, quan điểm về quyền tư pháp của nước ta được thể hiện tương đối rõ ràng thông qua cách thức tổ chức, phân chia quyền lực của bộ máy nhà nước; thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Xét trên mọi phương diện, quan điểm của Đảng về quyền tư pháp luôn được thể hiện nhất quán thông qua các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, do đặc thù trong việc xây dựng bộ máy của Nhà nước cùng với cách nhìn nhận chưa toàn diện nên đôi khi chúng ta chưa  hiểu đúng  về quan điểm của Nhà nước đối với quyền tư pháp. Bên cạnh đó, dưới góc độ tư duy phát triển thì rõ ràng quyền tư pháp không phải là một phạm trù bất biến mà có sự kế thừa liên tục dựa trên nền tảng thực tiễn. Vì vậy, quan điểm về quyền tư pháp ở nước ta cũng có sự thay đổi nhất định dưới góc độ chính trị và pháp lý. 
   Thứ nhất, quan điểm về quyền tư pháp dưới góc độ chính trị
   Quan điểm về quyền tư pháp dưới góc độ chính trị ở nước ta được thể hiện thông qua đường lối, chủ trương, chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW) lần đầu tiên tiếp cận khái niệm tư pháp và cơ quan tư pháp dưới góc độ đường lối chính sách của Đảng về công tác tư pháp. Theo đó, nội dung của công tác tư pháp và cơ quan tư pháp có phạm vi rất rộng, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Như vậy, theo cách nhìn nhận về quyền tư pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TW thì quyền tư pháp bao gồm cả quyền điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Và tất nhiên, các quyền này được trao cho nhiều hệ thống các cơ quan nhà nước khác nhau. Theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW) tiếp tục chỉ ra hệ thống các cơ quan thực hiện quyền tư pháp mà trọng tâm là Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử; Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; các cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra trong tố tụng hình sự và các cơ quan thi hành án. Ngoài những cơ quan tư pháp kể trên, Nghị quyết 08-NQ/TW đề cập đến hoạt động luật sư, cảnh sát tư pháp, tổ chức giám định, hoạt động công chứng, thống kê tư pháp với tư cách là các hoạt động bổ trợ tư pháp; Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp này như một hoạt động quan trọng trong công tác tư pháp và hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp là một khâu quan trọng trong công tác cải cách tư pháp. Như vậy, theo quan điểm của Đảng ta, quyền tư pháp gồm nhiều hoạt động khác nhau với trọng tâm là hoạt động xét xử chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động xét xử như quan điểm của các quốc gia và học giả trên thế giới.
   Thứ hai, quan điểm về quyền tư pháp dưới góc độ pháp lý
   Đặc điểm về tổ chức, xây dựng bộ máy nhà nước của chúng ta có sự đặc thù nhất định trong việc phân chia quyền lực. Không như các quốc gia theo quan điểm  “tam quyền phân lập”, ở nước ta quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Việc xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước, phân chia quyền lực không cứng nhắc mà có sự kế thừa sáng tạo nhằm phù hợp với điều kiện thực tế cách mạng. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước chủ yếu thông qua hai con đường gián tiếp và trực tiếp. Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Quy định trên đồng nghĩa với việc Nhà nước ta không thừa nhận quyền tư pháp là một quyền năng độc lập có tính tuyệt đối về mặt chính trị mà chỉ là một trong ba quyền năng hợp thành thể thống nhất của quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, quan điểm về quyền tư pháp của Nhà nước ta cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. 
    Quan điểm về quyền tư pháp của Nhà nước ta dưới góc độ pháp lý được thể hiện chủ yếu thông qua các bản Hiến pháp đã ban hành. Tại Hiến pháp 1946, Quốc hội đã dành riêng một chương quy định về các cơ quan tư pháp (Chương VI Cơ quan tư pháp) gồm 7 điều (Từ Điều 63 đến Điều 69). Qua nội dung Chương VI, Nhà nước ta đã khẳng định quan điểm về quyền tư pháp chỉ là quyền xét xử và quyền này được trao cho hệ thống cơ quan Tòa án (Điều 63, Hiến pháp 1946). Tuy nhiên, đến Hiến pháp 1959, quan điểm về quyền tư pháp của Nhà nước ta đã có sự thay đổi nhất định (quy định tại Chương VIII. Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân). Quyền tư pháp tại Hiến pháp 1959 không chỉ đơn thuần được hiểu là quyền xét xử nữa mà còn bao gồm cả quyền công tố, kiểm sát của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát và nhiệm vụ điều tra của các cơ quan thuộc ngành công an. Lúc này, nội hàm của quyền tư pháp đã được mở rộng, không chỉ là quyền xét xử mà trở thành quyền bảo vệ pháp luật. Chính vì vậy, hệ thống cơ quan tư pháp theo cách hiểu của Hiến pháp 1959, ngoài hệ thống cơ quan Tòa án ra còn có thêm hệ thống cơ quan Viện kiểm sát và các cơ quan điều tra thuộc ngành công an. Đến Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quan điểm về quyền tư pháp hầu như không có sự thay đổi về mặt nội dung. Tuy nhiên, đến Hiến pháp 2013, lần đầu tiên Nhà nước ta khẳng định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1, Điều 102, Hiến pháp 2013). Như vậy, bằng quy định này, lần đầu tiên trong Hiến pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam được khẳng định là Tòa án nhân dân, theo đó, quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử. So với thời kỳ trước Hiến pháp 2013 thì quyền tư pháp và cơ quan tư pháp đã được định hình một cách rõ ràng, dẫn đến những đổi mới trong nhận thức về quyền tư pháp ở Việt Nam. 
  Việc quy định về quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013 đã giải quyết rất nhiều vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng có sự khác nhau trong quan điểm về quyền tư pháp của Đảng và Nhà nước trong cả các hoạt động tư pháp và các cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Vậy ở đây liệu có sự trái ngược nhau trong quan điểm của Đảng và Nhà nước không? Theo suy nghĩ của tác giả, thì không hề có sự khác nhau trong quan điểm của Đảng và Nhà nước. Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1, Điều 102, Hiến pháp 2013), như vậy không có nghĩa quy định trên khẳng định Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp. Quy định trên của Hiến pháp 2013 muốn nhấn mạnh và đề cao vai trò của hệ thống cơ quan Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp chứ không nhằm mục đích phủ nhận quan điểm của Đảng về quyền tư pháp. Do đó, xét về mặt lý luận, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta hiện nay về quyền tư pháp, về các hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp là đồng nhất.
    Như vậy, quan điểm về quyền tư pháp trong lịch sử của Việt Nam có sự thay đổi nhất định dưới góc độ chính trị và pháp lý thể hiện qua chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã ban hành. Với sự ra đời của Hiến pháp 2013, quan điểm về quyền tư pháp của Việt Nam có sự thay đổi cơ bản về mặt tư duy khi khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống cơ quan Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp. Đây là dấu mốc rất có ý nghĩa về mặt lý luận giúp chúng ta có định hướng đúng đắn trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tư pháp nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung. Đặc biệt, việc nhận thức đúng đắn về quyền tư pháp có tác động trực tiếp tới định hướng cải cách tư pháp và việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay./.
                                                                          ThS. Đàm Tiến Anh
                                                         Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật
  
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.