• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Những kết quả nổi bật xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Cao Bằng năm 2016

Thứ bảy - 01/04/2017 16:49

    Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán chỉ…, trình độ dân trí không đồng đều giữa các dân tộc trong tỉnh, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước,với 12/13 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng những chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Thực tế đó là một thách thức lớn đối với Cao Bằng khi bước vào triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới mà trọng tâm là công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
    Trong năm 2016, các cấp, các ngành và các huyện, thành phố trên địa bàn Cao Bằng đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm hỗ trợ cho các tổ chức và người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống. Trong đó nổi bật là:
    Thứ nhất, về công tác phụ trách, giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 16/01/2015; Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 13/9/2016 về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới. Theo đó, có 57 cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ cho 79 xã thực hiện nông thôn mới. Tổng số tiền và giá trị hiện vật các đơn vị huy động được 7.002,85 triệu đồng, trong đó, huy động từ cán bộ công nhân viên chức và người lao động được 203,90 triệu đồng, huy động từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm được 6.798,95 triệu đồng.
   Thứ hai, về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất. Để khắc phục những hạn chế vốn tồn tại cố hữu trong lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún năm qua tỉnh đã chỉ đạo phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng trâu theo hướng xuất khẩu tại xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng, với quy mô trồng 5ha, 16 hộ dân tham gia; mô hình nếp Ong Trùng Khánh, thực hiện tại 03 xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Châu, với diện tích 40 ha, 388 hộ tham gia; mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản tại 8 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 121 hộ tham gia. Song song với đó là tiến hành triển khai việc hỗ trợ cây, con giống và vật tư cho nông dân.
  Thứ ba, về huy động các nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt hiệu quả cao, bên cạnh nguồn vốn Trung ương cấp, Cao Bằng còn huy động các nguồn lực khác như 5.000 triệu đồng vốn từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xổ số kiến thiết Cao Bằng, 5.156,62 triệu đồng huy động theo Nghị quyết số 31/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh (trong đó: Cấp tỉnh 524,24 triệu đồng; cấp huyện 3.172,35 triệu đồng; cấp xã 1.460,03 triệu đồng)[1].
     Thứ tư, về công tác tuyên truyền. Báo Cao Bằng, Đài phát thanh và Truyền hình Cao Bằng thường xuyên đăng tin, bài tuyên truyền về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Văn phòng Điều phối phối hợp với các Hội, đoàn thể tỉnh tổ chức tuyên truyền “xây dựng nông thôn mới" gắn với hoạt động của hội. Năm 2016, tổ chức được 35 lớp, với hơn 1.780 lượt người tham gia, tổ chức 01 cuộc Hội thảo “Liên kết bốn nhà trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng” thông qua đó đánh giá thực trạng liên kết bốn nhà, kết quả một số mô hình liên kết đã được thực hiện, đưa ra các giải pháp phát huy vai trò các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cao Bằng.
      Dưới sự lãnh chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, cùng với sự cố gắng của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 05 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí, gồm các xã Minh Tâm - Nguyên Bình, xã Trường Hà - Hà Quảng, xã Phong Châu - Trùng Khánh, xã Phúc Sen - Quảng Uyên, xã Hưng Đạo - Thành phố Cao Bằng; 02 xã đạt 15-18 tiêu chí; 17 xã đạt 10-14 tiêu chí; 129 xã đạt 5-9 tiêu chí; 24 xã dưới 05 tiêu chí.  
     Những kết quả nổi bật của quá trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thực sự là một dấu ấn quan trọng, là niềm tự hào và cũng chính là động lực để giúp các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện trong xây dựng Nông thôn mới trong những năm tiếp theo./.
 
 
                                                                ThS. Nông Văn Dũng
                                         Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh



[1]Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng năm 2016; phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.