• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

Thứ ba - 17/01/2017 15:12

    Công tác giáo dục lý luận chính trị trong các cơ sở đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
    Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đánh giá:
    “Sau gần 15 năm thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc...
     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn một số hạn chế, yếu kém. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên...”
     Thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, trong thời gian qua, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã làm tốt các nội dung sau:
     Thứ nhất, tổ chức cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới bổ sung vào nội dung, chương trình lý luận chính trị theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sát với mục tiêu đào tạo và yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, gắn với nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn của các chức danh sau đào tạo, bồi dưỡng.
     Thứ hai, đổi mới phương pháp học tập theo hướng giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Thông qua phương pháp dạy học tích cực, học viên và giảng viên được trao đổi, dân chủ trong thảo luận, bổ sung kiến thức về công tác lãnh đạo, quản lý. Thực tiễn cho thấy, đây là phương pháp học tập hiệu quả. Tính đến hết năm 2015, 20/34 giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy tích cực do các trường sư phạm và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cấp.
     Thứ ba, trong quá trình học tập lý luận chính trị, Nhà trường đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Hoạt động này được triển khai phong phú và đa dạng về: địa điểm thực tế cả trong tỉnh và ngoài tỉnh; nội dung đi nghiên cứu thực tế là những mô hình sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, chăn nuôi, trồng trọt... có hiệu quả. Qua việc đi nghiên cứu thực tế cả giảng viên và học viên đều có điều kiện thâm nhập thực tiễn, củng cố thêm kiến thức học tại trường, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm cách làm hay ở địa phương, cơ sở. Từ đó có thể vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương trong công tác lãnh đạo, quản lý.
     Thứ tư, đổi mới trong công tác ra đề thi, kiểm tra và bảo vệ tiểu luận tốt nghiệp, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào giáo trình, tài liệu, thay vào đó, các khoa đã chủ động xây dựng bộ câu hỏi theo xu hướng tích cực hơn, câu hỏi gắn với thực tiễn và bản sắc đặc thù riêng của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác. Hiện nay, các khoa đã có bộ đề và đáp án theo hướng mở và tổ chức thi, kiểm tra tại một số lớp. Trong thời gian tới, một số khoa tiếp tục đổi mới, cải tiến việc ra đề như thi trắc nghiệm (Khoa Nhà nước và Pháp luật), thi vấn đáp (Khoa Xây dựng Đảng, Khoa Dân vận). Bên cạnh đó, thay vì hướng dẫn và chấm tiểu luận tốt nghiệp cuối khoá học, Nhà trường đã tổ chức cho các học viên bảo vệ bài tiểu luận, mục đích đánh giá việc rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng nói, kỹ năng xử lý tình huống... của học viên trong quá trình học lý luận chính trị.    
     Làm tốt các nội dung trên trong quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng chính là đổi mới phương thức giáo dục lý luận chính trị theo hướng biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, lấy hoạt động tự học của học viên là chính. Có được sự đổi mới đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao từ Ban Giám hiệu, sự vào cuộc của lãnh đạo các phòng, khoa và sự ủng hộ nhiệt tình của các giảng viên. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW hiệu quả hơn nữa, Nhà trường cần được đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại như: phòng học, phòng đọc, phòng nghiên cứu, phòng thảo luận, phòng thư viện, máy chiếu, đồ dùng học tập...; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tự nghiên cứu cho giảng viên và học viên; giáo dục mục đích, động cơ học tập cho học viên. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh, đạo quản lý nói riêng trong giai đoạn hiện nay./.
                                 ThS. Trương Thị Phương
                         Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

 
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.