• dau-title
  • Nghiên cứu khoa học
  • cuoi-title

Một vài suy nghĩ về các văn bản liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã trong giai đoạn hiện nay

Thứ sáu - 30/06/2017 15:44

     Cấp xã (xã, phường, thị trấn) là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện mọi chủ trương đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã đề cập một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở cơ sở. Văn kiện đã đánh giá thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, đồng thời xác định tính tất yếu phải đặt đúng vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở trong hệ thống chính trị Việt Nam. Đây là định hướng cơ bản để sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã.
     Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và quản lý các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh phù hợp với đặc điểm của thể chế chính trị ở Việt Nam. Thể chế quản lý hoạt động công vụ, công chức được ban hành là hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với nguyên tắc  tổ chức và hoạt động của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuân thủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ; bộ máy quản lý công vụ, công chức từng bước đi vào hoạt động nền nếp, ổn định. Đội ngũ CBCC đã được nâng cao về chất lượng, số đông được trang bị cơ bản về tri thức chuyên sâu, tổng hợp, có ý thức tôn trọng và biết phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao. Chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với CBCC luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, Pháp lệnh Cán bộ, công chức đã bộc lộ những hạn chế như: còn tình trạng chồng chéo, đan xen giữa thể chế quản lý CBCC do Nhà nước ban hành với các quy định về quản lý cán bộ trong hệ thống Đảng, Mặt trận, đoàn thể; phương thức tổ chức hoạt động công vụ dựa trên cơ sở hệ thống chức nghiệp gắn với việc giao biên chế cho các cơ quan nhà nước đã thể hiện những hạn chế trong việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ và chất lượng đội ngũ CBCC. Cách thức tuyển dụng công chức hành chính theo chế độ làm việc suốt đời không thích ứng được với cơ chế thị trường; các quy phạm pháp luật về quản lý công vụ, công chức chưa được đưa lên thành luật, nhiều quy định về hoạt động công vụ, công chức cần phải được bổ sung như khái niệm về công vụ, CBCC, đạo đức công vụ, thanh tra công vụ; tiền lương CBCC còn thấp, khó giữ và thu hút người giỏi vào làm công chức; chế độ đãi ngộ và tôn vinh công chức chưa được ban hành đầy đủ, chế độ nghỉ phép còn chưa phù hợp; các điều kiện thực thi công vụ chưa được quy định thống nhất trong hệ thống hành chính.
     Kế thừa và phát triển những mặt đạt được trên, Quốc hội ban hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/10/2010 thay thế cho Pháp lệnh. Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
     Để góp phần làm rõ một số vấn đề về chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã, trong bài, người viết đề cập đến một số nội dung chủ yếu sau:
    Thứ nhất, về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp: Đối với cán bộ, công chức (đối tượng thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại Điều 61 Luật          Cán bộ, công chức năm 2008) đã được xếp lương, phụ cấp và hưởng các chế độ, chính sách khác. Đối với những người hoạt động không chuyên trách (bao gồm ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng.
     Nhằm tiếp tục hoàn thiện các chính sách tiền lương, phụ cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, ngày 08/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định thêm chức danh cán bộ, công chức và tăng thêm tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.     Thứ hai, về chính sách tuyển dụng:
     Theo khoản 2 Điều 63 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định: “Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải thông qua thi tuyển; đối với các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể được tuyển dụng thông qua xét tuyển”.
     Tuy nhiên, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn lại quy định: “Đối với chức danh Chỉ huy trưởng quân sự và Trưởng công an xã thực hiện việc xét tuyển và bổ nhiệm đối với người có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này”. Nghĩa là, ngoài những tiêu chuẩn quy định còn phải có “khả năng phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và các lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện một số nhiệm vụ phòng phủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước”. Quy định này rất khó áp dụng, lúng túng trong việc xét tuyển hai chức danh Trưởng công an xã và Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn, bởi vì hai chức danh này cũng giống như các chức danh khác mới tuyển dụng lần đầu, chưa có kinh nghiệm phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và các lực lượng khác trên địa bàn như khoản 2 Điều 6 quy định.
    Thứ ba, về chính sách đào tạo, bồi dưỡng: Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức …cán bộ, công chức cấp xã phải có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý hành chính nhà nước, tin học, ngoại ngữ…còn ở mức độ thấp, bởi vì số cán bộ, công chức cấp xã có độ tuổi cao, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị… chưa đạt chuẩn theo quy định, do đó việc cử đi đào tạo để đạt chuẩn phải mất một khoảng thời gian nhất định nên ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng làm việc nhất là trong giai đoạn hiện nay.
     Thứ tư, về chính sách khen thưởng, kỷ luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2013; Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; Công văn số 5228/BNV-CQĐP ngày 05/12/2014 về xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã nhằm đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng với động viên tinh thần, khuyến khích bằng vật chất giúp cán bộ, công chức cấp xã an tâm, nỗ lực phấn đấu làm việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
    Thực tế cho thấy việc thực hiện các văn bản nêu trên trong thời gian qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã trong giai đoạn hiện nay./.
                                                                           ThS. Trương Thị Phương
                                                              Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.