• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Vận dụng một số điểm mới của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giảng dạy lý luận chính trị

Thứ ba - 24/10/2023 20:37

     Lịch sử phát triển xã hội loài người là lịch sử không ngừng vươn lên để đạt những giá trị dân chủ ngày một cao, sâu sắc và phổ biến. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là nội dung quan trọng được Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030. Ðể quán triệt định hướng chỉ đạo này và triển khai có hiệu quả trên thực tế rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác của mọi tầng lớp nhân dân; trong đó cần ban hành Luật thực hiện dân chủ để tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội.
     Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật  gồm 06 chương, 91 điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Một số điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 gồm:
     Về phạm vi điều chỉnh: Hiện nay việc thực hiện dân chủ quy định ở 03 nhóm đối tượng được điều chỉnh ở 03 văn bản khác nhau: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, không chỉ thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà Luật còn điều chỉnh đến dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động.
     Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn năm 2007 quy định 05 nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định 06 nguyên tắc trên cơ sở kế thừa 05 nguyên tắc của Pháp lệnh, đồng thời bổ sung 01 nguyên tắc mới: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
     Phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định 02 địa điểm để thực hiện dân chủ cơ sở, là tại nơi cư trú, tại nơi làm việc.
     Quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm mới của mục này, gồm: (i) Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; (ii) Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; (iii) Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
     Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
     Những nội dung công khai để Nhân dân biết: Bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); trách nhiệm của Chủ tịch UBND và UBND cấp xã trong việc công khai thông tin (Điều 14); bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); bổ sung quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66).
     Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định: Ở cộng đồng dân cư, nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bằng một trong các hình thức như tổ chức cuộc họp (Điều 18), phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình (Điều 19), trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó (Điều 17). Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: Bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67).
     Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến. Đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tập thể Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức thực hiện để Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 28), trách nhiệm tham gia của Nhân dân (Điều 29); trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 55); việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 73); trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 74).  
          Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát: Nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
     Những nội dung người dân thụ hưởng: Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan.
     Trên đây là một số điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Trong quá trình giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, giảng viên có thể vận dụng những điểm mới Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 trong nhiều học phần thuộc các khoa chuyên môn. Trong phạm vi bài viết, tác giả minh họa vận dụng cụ thể một số bài học trong học phần CII. Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam, phần EIII. Kiến thức bổ trợ của khoa Nhà nước và pháp luật.
     Học phần CII. Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam gồm 4 bài về nhà nước và pháp luật. Bài 1. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân: Giảng viên vận dụng các quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 để làm rõ đặc trưng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (nội dung 1.2.2. Khái niệm và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bởi đặc trưng này thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quy định phương thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Những quy định trong Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã làm rõ nội dung này với các nội dung công khai, nội dung nhân dân tham gia ý kiến, nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát, nội dung người dân thụ hưởng ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bài 3. Pháp luật và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Giảng viên sử dụng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 để làm rõ nội dung 3. Mục tiêu và quan điểm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khẳng định xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ.
     Phần EIII. Kiến thức bổ trợ gồm 15 bài, dựa trên những yêu cầu về mặt lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm địa phương, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong lựa chọn 5 bài để giảng dạy, trong đó có bài 13. Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi giảng dạy bài học này, giảng viên cần giới thiệu cho học viên những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Từ đó học viên nắm được kiến thức lý luận cơ bản về dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở, liên hệ thực trạng dân chủ ở cơ sở hiện nay và đưa ra giải pháp tăng cường dân chủ ở cơ sở. Một số nội dung bài 13 được viết trên cơ sở văn bản pháp luật cũ như đã đề cập trong phạm vi điều chỉnh ở trên, vì vậy có thể dùng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 như tài liệu bắt buộc khi nghiên cứu về thực hiện dân chủ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
     Như vậy, tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong việc cập nhật  các văn bản mới là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc đối với giảng viên nói chung và giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật nói riêng. Những điểm mới của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, lồng ghép đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, giảng viên và học viên./.
ThS. Nguyễn Thị Oanh
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.