• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Vận dụng nghị quyết số 27-NQ/TW vào giảng dạy Bài “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” Trong chương trình trung cấp lý luận chính trị

Thứ ba - 24/10/2023 16:34

     Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta xuất phát từ vai trò của nhà nước pháp quyền trong thực hiện phương thức quản lý xã hội dân chủ và khoa học. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng đã ghi nhận trong các văn kiện đại hội Đảng. Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994 và tiếp tục được khẳng định, bổ sung, phát triển trong các văn kiện Đại hội Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cụ thể hóa rõ nét trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị Trung ương khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm các nội dung đánh giá về nhận thức, lý luận, công cuộc xây dựng và đưa ra 5 quan điểm, mục tiêu, nội dung trọng tâm, 10 nhiệm vụ giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
     Bài giảng "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" thuộc phần C, II "Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam" trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị cung cấp cho học viên là cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ hơn về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc trưng, thành tựu, hạn chế và định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
     Khi soạn, giảng bài "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" giảng viên cần phải vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết số 27-NQ/TW:
      Thứ nhất, về đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nội dung 1.2.2. Khái niệm và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam)
 Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân có năm đặc trưng: là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; là nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tất cả vì hạnh phúc của con người; là nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và yêu cầu thượng tôn pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội; là nhà nước tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp, quyền tư pháp và nguyên tắc tập trung dân chủ; là nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
 Giảng viên phân tích nội dung của 5 đặc trưng, lấy ví dụ bằng những kết quả, số liệu cụ thể để chứng minh; phân tích nội dung trong Nghị quyết số 27-NQ/TW để luận giải cho học viên hiểu về các đặc trưng. Đó là: hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ ở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế. Đây là những đặc trưng mới được thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhằm để nhấn mạnh tính thượng tôn pháp luật, đề cao pháp luật dân chủ vì con người, phù hợp với giai đoạn mới trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
     Thứ hai, về thực trạng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nội dung 2. Thực trạng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam)
     Về thành tựu: Giảng viên cần nghiên cứu và phân tích và đưa ra các số liệu chứng minh các nội dung thành tựu trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nguyên nhân trên 6 lĩnh vực: phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; thực hiện, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; về hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật; về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.
     Giảng viên chỉ ra những nhận định, đánh giá nhấn mạnh cho học viên biết những kết quả đạt được để có cách nhìn thống nhất, toàn diện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW: Nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao. Hoạt động của Chính phủ chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được đổi mới. Mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
     Về hạn chế: Giảng viên cần nghiên cứu và phân tích và đưa ra hạn chế trong năm lĩnh vực về phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; về hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; về đội ngũ cán bộ, công chức; về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
     Giảng viên chỉ ra những nhận định, đánh giá về hạn chế, nguyên nhân theo Nghị quyết số 27-NQ/TW: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân chưa nghiêm; cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do: Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài; công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, hoàn thiện lý luận chưa được quan tâm đúng mức; quyết tâm chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
     Thứ ba, định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, (Nội dung 3. Định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân)
     Giảng viên phân tích quan điểm, mục tiêu và những trọng tâm cơ bản theo Nghị quyết số 27-NQ/TW thể hiện bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     Về quan điểm: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân; Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa; Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc.
     Về mục tiêu: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
     Về nội dung trọng tâm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
     Về giải pháp: Giảng viên phân tích định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trên 06 lĩnh vực: phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phân tích 10 nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nhấn mạnh thêm những nhiệm vụ, giải pháp: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết còn nhấn mạnh phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     Như vậy, trong quá trình vận dụng giảng viên cần phải tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nội dung, định hướng tổng kết lý luận, thực tiễn và có cách nhìn thống nhất, toàn diện hơn trong việc truyền đạt những nội dung theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW để góp phần cung cấp cho học viên những kiến thức về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045./.

                                                              ThS. Đào Công Dân
                                               
  Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.