• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính tất yếu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 27/03/2023 11:23

     Tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa là một nội dung cơ bản thuộc phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội khoa học; là công cụ, phương tiện tạo sự cải biến xã hội một cách toàn diện, triệt để, căn bản về chất, đánh dấu bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa được C.Mác và Ph.Ăngghen khái quát từ thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và sau được V.I.Lênin tiếp tục bổ sung, phát triển trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Dưới ánh sáng của lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, tính tất yếu cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng với sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V.I.Lênin đã đưa cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa - cách mạng vô sản ở Nga nổ ra và thành công, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng các dân tộc thuộc địa trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam.
     Để phát hiện tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và lập trường cộng sản chủ nghĩa, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã tiến hành nghiên cứu những mâu thuẫn trong lòng xã hội hiện thực, đặc biệt là nghiên cứu phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Đây được coi là cơ sở quan trọng đi đến những kết luận chung về cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng.
      Quá trình phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra cách mạng xã hội chủ nghĩa có nguyên nhân sâu xa là do lực lượng sản xuất đã đạt trình độ xã hội hóa cao mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu. Từ mâu thuẫn này cho thấy một thực tế đó là: trong khi lực lượng sản xuất phát triển ở trình độ xã hội hóa cao độ; quan hệ sản xuất lại dựa trên hình thức tư hữu hóa. Vì vậy, quan hệ sản xuất đã kìm hãm, trở thành lực cản sự phát triển của lực lượng sản xuất; lực lượng sản xuất mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất. C.Mác đã viết: “Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa … nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên”[1].
     Với sự tồn tại của mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa tư bản đặt ra yêu cầu phải giải quyết mâu thuẫn, tức phải xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ, thiết lập nên một quan hệ sản xuất mới, tạo sự phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ, trong chủ nghĩa tư bản, “từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[2]. Giải quyết mâu thuẫn này, phải thông qua một cuộc cách mạng đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
     Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Đó là mâu thuẫn về lợi ích giữa hai giai cấp có lợi ích đối lập nhau trong chủ nghĩa tư bản. Giai cấp tư sản là những nhà tư bản sở hữu tư liệu sản xuất xã hội và lao động thàm thuê. Còn trái lại, giai cấp vô sản không có tư liệu sản xuất và phải tự bán mình kiếm ăn từng bữa một. Với cuộc sống cùng cực, bị áp bức bóc lột nặng nề, giai cấp vô sản thường xuyên tiến hành đấu tranh chống lại giai cấp tư sản. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp tư sản muốn củng cố và duy trì địa vị thống trị của mình để bảo vệ lợi nhuận ngày càng cao còn giai cấp công nhân thì ngược lại. Khi mâu thuẫn này lên đến đỉnh cao, gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết tất yếu phải nổ ra một cuộc đấu tranh giai cấp. Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh giai cấp chính là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
     Ngoài yếu tố khách quan, Mác cũng nhấn mạnh rằng, việc xoá bỏ chủ nghĩa tư bản không phải được thực hiện một cách tự phát mà cần phải trải qua hoạt động tích cực, tự giác của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa muốn nổ ra và giành thắng lợi, giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản phải nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình; thực hiện việc tuyên truyền vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động và các lực lượng tiến bộ tạo thành liên minh giai cấp, tầng lớp vững mạnh chiến đấu trên cơ sở cương lĩnh cách mạng xã hội chủ nghĩa để lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, thiết lập chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời sử dụng chính quyền đó để thực hiện cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
     Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được minh chứng trong thực tiễn tại cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, có ý nghĩa định hướng cho các Đảng cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc tiếp tục nhận thức và vận dụng trong quá trình thực hiện, đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩ đến thắng lợi cuối cùng.
     Là một nhà Mác-xít sáng tạo, nhà hoạt động thực tiễn năng động, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về việc vận dụng, phát triển một cách sáng tạo lý  luận của  chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn nước ta. Trên cơ sở bảo vệ và vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tính tất yếu quy định cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nói riêng để phân tích các mâu thuẫn cơ bản, cụ thể xã hội Việt Nam trong điều kiện một dân tộc thuộc địa, nửa phong kiến.
     Qua thực tiễn phân tích các mâu thuẩn cơ bản của xã hội Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã phát hiện ra hai mâu thuẫn chủ yếu của cách mạng Việt Nam những năm đầu và giữa thế kỷ XX: mâu thuẫn giai cấp (giữa nông dân với địa chủ phong kiến tay sai); mâu thuẫn dân tộc (toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp xâm lược). Trong đó, mâu thuẫn dân tộc là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu, giành độc lập dân tộc, thực hiện dân chủ cho nhân dân, hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tạo ra các tiền đề chính trị căn bản, thiết yếu để chuyển sang thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[3]. Chủ nghĩa xã hội là kết quả tất yếu của cách mạng Việt Nam. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
     Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến chống Pháp thắng lợi và tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời chỉ đạo trực tiếp công cuộc giải phóng dân tộc dân chủ ở miền Nam thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới Đảng đã lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện vật chất và tinh thần; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đó là kết quả tất yếu của việc lựa chọn đường lối đúng đắn ngay từ đầu của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc.
     Tóm lại, nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, phức tạp. Mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển, và thậm chí có mặt còn sâu sắc, “bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu”[4]. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải luôn giữ vững lập trường, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin; kiên trì giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa xã hội là kết quả tất yếu của cách mạng Việt Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

                                                            ThS. Lê Thị Thư
                                                    Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 23, tr.1059.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 1993, tập 13, tr.15.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.30.
[4] Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.