• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Tăng cường công tác Dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 13/12/2022 17:02

     Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác dân vận là “nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước”[1]. Phát huy bài học kinh nghiệm từ truyền thống lịch sử của ông cha ta và thực tiễn cách mạng của Việt Nam đó là “Lấy dân làm gốc”. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nếu không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ không được nhân dân ủng hộ và thực hiện. Khi hết lòng vì nhân dân thì luôn được nhân dân đồng tình, ủng hộ đảm bảo cho cách mạng thành công.
     Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận như Nghị quyết TW8(B) khóa VI tháng 27/3/1990 “về đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 về tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường”[2]. Vận dụng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân vận vào thực tiễn xây dựng và phát triển quê hương Cao Bằng; Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch, Đề án về việc thực hiện công tác dân vận như: Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 11/02/2011  của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 23/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 09/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở”; Kế hoạch số 332-KH/TU ngày 06/5/2019 về triển khai thực hiện Kết luận số 43-KH/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”… Nhằm cụ thể hoá, đổi mới về công tác dân vận cho từng lĩnh vực cụ thể, đối tượng cụ thể đặc biệt là đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh uỷ Cao Bằng đã xây dựng Đề án số 05-ĐA/TU ngày 30/12/2016 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đồng bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Bởi lẽ, Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích đất tự nhiện trên 6.724km2, đường biên giới giáp với Trung Quốc dài hơn 333km; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Toàn tỉnh có dân số trên 53 vạn người với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 95% (Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước; dân tộc Tày: 42,21%; Nùng: 29,2%; Mông: 10,7%; Dao: 10,11%; Sán Chỉ: 1,34%; Lô Lô: 0,47%...).
     Trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo tỉnh Cao Bằng, dưới sự lãnh, chỉ đạo thường xuyên của Đảng bộ tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp, những năm qua nói chung tình hình an ninh chính trị ổn định, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh tế - xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Một số kết quả cụ thể là:
     Công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, các phong trào đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 38,06% năm 2010 xuống còn 22,07% năm 2020; từng bước nâng cao nhận thức cho nhân dân về kiến thức chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
      Năm 2020 toàn tỉnh có 85% hộ gia đình, 55% làng, xóm, tổ dân phố, 95% cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hoá, 80,7% xóm có nhà văn hoá); Cấp uỷ, chính quyền, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia cùng lực lượng vũ trang xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc (Toàn tỉnh hiện có 153 Hội đồng an ninh trật tự xã, phường, thị trấn, 895 Ban an ninh trật tự và tổ hoà giải tại xóm, tổ dân phố, 118/118 xóm biên giới thành lập tổ tự quản4… Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới5. Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng nói chung và công tác dân vận của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo nói riêng.
     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo vẫn còn một số một số tồn tại hạn chế:
     Kinh tế ở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo còn chậm phát triển; tập quán canh tác sản xuất còn lạc hậu, năng xuất lao động thấp, đời sống kinh tế gặp khó khăn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vùng dân tộc, vùng cao tuy có tăng song so với yêu cầu còn thấp, đầu tư dàn trải nhiều nội dung. Trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một số phong tục, tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội chưa được xóa bỏ, ảnh hưởng của việc truyền đạo trái phép còn tiềm ẩn… hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình hoạt động ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, tiếp tục lôi kéo các hộ ngộ nhận đi theo, mở rộng địa bàn hoạt động, tái dựng “nhà đòn”, viết đơn khiếu kiện tập thể để vu cáo cấp ủy, chính quyền vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm dân chủ nhân quyền; đòi công khai hoạt động, công nhận tổ chức… gây rối an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến công tác vận động nhân dân.
     Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ thực tiễn đảm bảo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo. Thời gian tới để công tác dân vận có hiệu quả cần tập trung thực hiện tốt các yêu cầu sau:
     Một là, công tác vận động nhân dân tham gia quản lý, đảm bảo quốc phòng an ninh phải thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trước hết là đường lối quần chúng, chính sách đối ngoại, dân tộc và tôn giáo.
Cấp uỷ, chính quyền tiến hành công tác dân vận trước hết phải thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó cần quán triệt quan điểm quần chúng, vận dụng tốt các chính sách dân tộc và tôn giáo. Đó là những vấn đề rất nhạy cảm mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm. Công tác dân vận ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo về bản chất là một cuộc vận động chính trị sâu rộng, được tiến hành trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, với một đối tượng đặc thù chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Khi tiến hành công tác dân vận mọi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc: Tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của quần chúng nhân dân. Phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ, chính quyền, kỹ năng, nghiệp vụ với chính sách đối ngoại, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tăng cường được quan hệ láng giềng Việt - Trung.
     Hai là, cấp ủy, chính quyền và cán bộ, nhân dân trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền an ninh khu vực biên giới là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của cách mạng nói chung và đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới nói riêng. Do vậy, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo phải nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, đồng thời phải chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên về những quan điểm của Đảng đối với công tác dân vận; xác định rõ trách nhiệm cho từng tổ tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở.
     Ba là, công tác vận động nhân dân phải quán triệt phương châm tích cực, chủ động, thường xuyên bám, nắm chắc địa bàn, kịp thời nắm chắc mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Công tác dân vận phải thực hiện tích cực chủ động, sáng tạo thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, đời sống vật chất, tinh thần, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở; tình hình thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ban, ngành để xây dựng chương trình, kế hoạch. Công tác dân vận phải phát huy được vai trò của nhân dân động viên nhân dân tích cực tham gia.
     Bốn là, có nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp.
Công tác dân vận muốn đạt kết quả cao phải có nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Về nội dung tuyên truyền phải bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương công tác của địa phương. Tuyên truyền, vận động, đoàn kết nhân dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước; giáo dục lòng tự hào về đoàn kết cộng đồng các dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 03 tháng 10 năm 2019 về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025, truyền thống chống ngoại xâm góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và quê hương giàu mạnh, văn minh. Hình thức tuyên truyền, vận động phải đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền chung, tuyên truyền cá biệt, nêu gương, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook...). Phương pháp tuyên truyền kết hợp vận động quy mô đông người với tuyên truyền vận động phân tán nhỏ lẻ, cá biệt. Thông qua đối thoại trực tiếp, dựa vào đội ngũ cán bộ ở cơ sở và quan trọng nhất là tổ chức các phong trào hành động cách mạng.
     Năm là, phối hợp các cấp, các ngành, các lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ trong công tác dân vận.
Công tác dân vận là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện. Vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cơ sở phải chủ động phối hợp với các lực lượng, các ngành quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể các cấp mới tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Việc tổ chức phối hợp với các lực lượng phải đúng chức năng phù hợp với khả năng sở trường của từng lực lượng. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức triển khai thực hiện. Khi có cơ chế phối hợp cụ thể cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương phải là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận trên địa bàn. Đồng thời phát huy sức mạnh của nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu trong công tác dân vận.
     Sáu là, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước nói chung, với tổ chức đảng, chính quyền cơ sở nói riêng và tích cực vận động, thuyết phục nhân dân tham gia thực hiện các chủ chương, đường lối của Đảng, Nhà nước, với tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
     Công tác dân vận ở địa bàn các các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, biên giới, có đạo muốn làm tốt nội dung, nhiệm vụ công tác dân vận, trước hết cán bộ, đảng viên phải thực sự “trọng dân, gần dân, dựa vào dân”, từ đó mới thấu hiểu đời sống, vui buồn, nguyện vọng, ý kiến và những vấn đề bức xúc đang đặt ra hàng ngày của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt nguyện vọng, lợi ích của nhân dân hết thảy. Bác Hồ và Đảng ta thường xuyên nhấn mạnh cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ, công bộc của dân, do đó phải tin tưởng vào nhân dân và sáng kiến của quần chúng, phải bảo vệ dân, kính trọng dân, giúp đỡ dân, đoàn kết với nhân dân.
     Trong giai đoạn hiện nay, tiến hành công tác dân vận động nhân tuy đã có thuận lợi mới, song đứng trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và phát huy tốt hơn nữa bài học thương dân, tin dân, sâu sát cơ sở, kiên trì nhẫn nại, vận động nhân dân trong quản lý, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.

CN.Triệu Văn Lượng
Giảng viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

[1] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2013, tr.36
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.201.
 

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.