• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Lịch sử và ý nghĩa của ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7)

Thứ tư - 27/07/2022 20:26

    Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những thương binh, liệt sĩ và người có công  trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng.

    Tinh thần xả thân vì nước của dân tộc ta vốn đã tỏa sáng ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê,…, tinh thần ấy luôn được phát huy mạnh mẽ qua những cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi trước giặc xâm lược phương Bắc. Những cuộc khởi nghĩa đánh tan hàng chục vạn quân giặc xâm lược "ỷ đông hiếp yếu", làm cho chúng hoảng sợ tháo chạy về nước rồi mà vẫn còn “tim đập chân run”, như trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng tổng kết. Hay như đoàn quân của vua Quang Trung thần tốc và bách chiến bách thắng, đánh cho quân xâm lược nhà Thanh “không còn mảnh giáp” che thân; bại trận, bỏ chạy ngay từ khi chưa kịp hiểu vì sao, chỉ có thể khiếp đảm mà thốt lên rằng “tướng thì như trên trời rơi xuống, quân thì như từ dưới đất chui lên”. …Còn sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và lý tưởng của thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới, là một trong những hình tượng đẹp nhất của lịch sử dân tộc.
    Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo.
    Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn. Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa Đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
    Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.
    Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước.
    Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau. Ngày 27/7/2022 lại đang đến gần, đó là ngày mà nhân dân cả nước đã giành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Các anh ra đi vì mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất của con người Việt Nam. “Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây", “Đền ơn đáp nghĩa”, trân trọng lớp đi trước, là những đạo lí tốt đẹp của dân tộc và chúng ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao của các thế hệ đi trước.
    Nếu không có những sự hy sinh cao quý thì đã không có một đất nước giữ được niềm tự hào, hạnh phúc trọn vẹn như ngày hôm nay, nếu không có sự hy ấy thì đã không còn là một đất nước kiên trung, bất khuất. Mà sự thật đã cho con người Việt Nam xứng đáng với niềm tự hào rằng chúng ta là con người Việt Nam mang trong mình dòng máu “Con rồng cháu tiên”. Điều đó là bất diệt hôm nay và mai sau, không một ai có quyền xâm phạm. Để có được nền hòa bình hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, có được những nụ cười… Tất cả những điều có được ấy là phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương bằng máu của các thế hệ cha ông đi trước. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".
    75 năm đã đi qua (27/7/1947-27/7/2022) là 75 mùa tri ân, ngày 27/7 trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả thường xuyên, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam. Đất nước đã hòa bình, nhưng hàng ngày hàng giờ các thế lực thù địch, phản động lưu vong vẫn nhăm nhe chống phá đất nước, những loại tội phạm nguy hiểm vẫn chực chờ cơ hội, thiên tai lũ lụt vẫn hoành hành. Chính vì điều đó mà các thế hệ cần phải không ngừng nỗ lực hơn nữa, xứng đáng với những hy sinh mà thế hệ trước đã dùng cả sinh mệnh quý giá của mình để chiến đấu, bảo vệ và để lại cho chúng ta hôm nay.
    Trải qua một thời gian khó khăn chống đại dịch Covid - 19, càng thêm yêu thương, tự hào về một Việt Nam. Nhìn thấy cảnh tượng ngày hôm nay, chúng ta phải có niềm tin chiến thắng đẩy lùi dịch bệnh, bởi vì quay ngược lại lịch sử, qua bao năm tháng chiến tranh khốc liệt, quân và dân ta không ngại hy sinh cả máu thịt, tính mạng của mình cho bình yên của non sông. Trong những trận chiến khốc liệt năm đó, nhân dân miền Bắc làm hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam thân yêu, có những tiểu đội xe không kính băng rừng Trường Sơn vào thẳng chiến trường…. Hôm nay, khi miền Nam đứng trước cảnh hiểm nguy, mất mát do đại dịch, cả nước lại một lần nữa đứng lên cổ vũ, chi viện hết sức mình đến miềm Nam ruột thịt thân yêu. Nhìn những đoàn xe của các y bác sĩ, các trường đại học, các tình nguyện viên từng đoàn, từng đoàn tiến vào miền Nam với chuyến đi mang tên hướng đến “Miền Nam ruột thịt”, trong tim mỗi chúng ta như thắt lại dâng trào một cảm giác tự hào, trân quý và biết ơn vô cùng.
    Trong những ngày giãn cách xã hội, chúng ta chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, và biết bao hành động đẹp lan tỏa “ Nhường cơm xẻ áo”, thế nào là “lá lành đùm lá ránh” và đặc biệt thế nào là “ đại đoàn kết” mà Bác Hồ đã từng nói trong năm xưa. Đó là hình ảnh của những cụ già hái từng nắm rau xanh, là những đứa trẻ đem từng quả bí, quả bầu, là bao gạo mới thu hoạch còn chưa kịp bán đều được tập trung lên xe mang đến cho miền Nam. Tất cả như tái hiện lại một trận chiến khóc liệt nhưng tràn ngập những yêu thương, những điều tuyệt vời của một đất nước kiên cường.
    Đảng và Nhà nước luôn qua tâm và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau.
    Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sỹ và Người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa./.
                         ThS. Bế Dũng - Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Cao Bằng
                           Nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Đình Giong
                                                     

 



Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.