• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Một số kết quả trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cao Bằng

Thứ năm - 31/03/2022 09:26

    Thành phố Cao Bằng có 11 đơn vị hành chính bao gồm 8 phường và 3 xã. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn mang tính tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Cao Bằng, được thực hiện đồng bộ ở 3 xã: Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Chu Trinh. Được sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, chương trình đã được tiếp tục triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng nhất là việc xây dựng các xóm điểm nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Một số kết quả cụ thể là:
    Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành, tính đến hết năm 2020, 3 xã trên địa bàn Thành phố đều đạt 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đã xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xác định lộ trình đến năm 2025, các xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang và Chu Trinh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời đưa ra một số giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
    Công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, tuyên truyền sâu rộng đến các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Thành phố đặc biệt là nhân dân các xã nông thôn mới với phong phú hình thức tuyên truyền phổ biến như thông qua các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân sau khi được tuyên truyền đã tình nguyện hiến đất, đóng góp công lao động làm đường giao thông nông thôn, làm các công trình thủy lợi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tự chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
    Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước trên 200 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động với trên 40.000 ngày công và hiến trên trên 20.000m2 đất. Các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố và con em thành đạt tại địa phương đã ủng hộ trên 100 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã xuất hiện các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; hình thành được các tổ hợp tác phát triển sản xuất, tạo tiền đề góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình được cấp trên phân bổ rất thấp, mặt khác nguồn ngân sách của thành phố cũng cân đối được ít nên chưa đáp ứng nhu cầu cầu đầu tư xây dựng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại các xã nhất là việc xây dựng xóm điểm kiểu mẫu tại thành phố Cao Bằng. Công tác tuyên truyền mặc dù đã được triển khai rộng rãi nhưng nhận thức của một số ít người dân còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới, để phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
    Thứ nhất, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Chương trình; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
    Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu rõ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới “người dân là chủ thể”; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền theo từng chủ đề, nhóm tiêu chí, những cách làm hay trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Huy động lồng ghép  các nguồn lực tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình.
    Thứ ba, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. tăng cường sản xuất hàng hóa đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
    Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố Cao Bằng. Việc tìm hiểu, nghiên cứu những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ của mỗi giảng viên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong; từ đó giảng viên có thể lựa chọn để vận dụng phù hợp cho nhiều nội dung liên quan trong giảng dạy chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Đối với giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật có thể vận dụng trong phần C. Xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị (II. Nội dung cơ bản về Nhà nước và Pháp luật Việt Nam). Ví dụ: Bài 1. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Bài 2. Chính quyền địa phương ở Việt Nam. Trong phần D. Quản lý hành chính nhà nước và kỹ năng lãnh đạo (I. Quản lý hành chính nhà nước). Ví dụ: Bài 6.  Quản lý văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế ở cơ sở;  Bài 9. Cải cách hành chính ở cơ sở. Hoặc trong phần D. Quản lý hành chính nhà nước và kỹ năng lãnh đạo (II. Kỹ năng lãnh đạo, quản lý) khi giảng dạy các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng xử lý tình huống… đây là những kỹ năng nhà lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cần có để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
    Thông qua việc cung cấp kiến thức lý luận và gắn với thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, giảng viên sẽ góp phần tuyên truyền, phổ biến đến học viên về các văn bản triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như các căn cứ, yêu cầu và nội dung bộ tiêu chí. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi học viên trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, giảng viên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực như làm việc nhóm, hỏi chuyên gia, nêu ý kiến ghi lên bảng… giúp cho học viên có thể trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương và vận dụng giải quyết tình huống phát sinh trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương nơi công tác.
    Tóm lại, việc tìm hiểu nghiên cứu những kết quả trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cao Bằng và vận dụng trong quá trình giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị là quan trọng đối với mỗi giảng viên. Việc tìm hiểu và vận dụng các kết quả trên vào trong các nội dung bài giảng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của mỗi giảng viên, gắn lý luận với thực tiễn./.

ThS. Nguyễn Thị Oanh
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.