• dau-title
  • Bài viết nghiên cứu, trao đổi
  • cuoi-title

Rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm - 31/03/2022 09:14

    Rèn luyện đạo đức cho cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ kiểu mới, xây dựng một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa, khác với công thần, quan chức nhà nước bóc lột kiểu cũ của chế độ phong kiến hay tư bản chủ nghĩa. Theo Người, đạo đức chính là nền tảng, là tố chất căn bản để hình thành nên phong cách, nhân cách, cốt cách của người cán bộ, đảng viên, vì  theo Người "có tài mà không có đức thì vô dụng"[1].
    Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức cầm quyền lãnh đạo cách mạng, xây dựng nhà nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho công tác rèn luyện, xây dựng đội ngũ bộ theo những tiêu chuẩn đạo đức mới vừa có phẩm chất đạo đức cách mạng vừa có tài năng, năng lực chuyên môn. Trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh còn lưu lại nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói chuyện về xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên như: "Sửa đổi lối làm việc" (1947); Chủ nghĩa cá nhân (1948); Cần, kiệm liêm, chính (1949); Đạo đức công dân (1955); Đạo đức cách mạng (1958); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), nhằm xây dựng nhân sinh quan đạo đức mới, tiến bộ, cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quân đội nhân dân, công an nhân dân. Cả cuộc đời của người cũng thực hành theo những tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức ấy.
    Những phẩm chất đạo đức được Hồ Chí Minh đúc kết xây dựng trên nền tảng giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa đạo đức của cả phương Đông và phương Tây và hơn hết là những quan điểm đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lê nin, trở thành những phạm trù đạo đức cốt lõi: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; tinh thần trách nhiệm; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng. Trong những phẩm chất đạo đức ấy thì phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là những phẩm chất đạo đức đặc biệt quan trọng, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi cá nhân người cán bộ, đảng viên.
    Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều thế hệ cán bộ cách mạng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và bao chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc; nhiều anh hùng lao động, hăng hái thi đua sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng năng xuất lao động trong thời kỳ đổi mới trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh tế, an ninh quốc phòng: như Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ (ngành Giáo dục), Thiếu tá Nguyễn Đăng Giáp (kinh tế, quốc phòng), Trần Ngọc Lương (ngành Y tế),  nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu sẵn sàng xả thân vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai, điển hình 13 chiến sĩ ở thủy điện Rào Trăng 3; 22 chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 huyện  Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị năm 2020; hàng 100 cán bộ, đảng viên, nhân viên  trong ngành y tế hy sinh khi giúp dân phòng chống đại dịch Covid-19 đã trở thành những tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng thời hiện đại.
    Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương hy sinh trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ổn định trật tự xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh vẫn còn có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức trong một bộ phận cán bộ đã trở nên nghiêm trọng hơn, xuất hiện trong tất cả các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và cơ sở xã phường, thị trấn, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, công an, quân đội, đầu tư xây dựng, tài chính, y tế, giáo dục…. Sở dĩ nhiều cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, phát triển kinh tế đã mắc những khuyết điểm, sai lầm, xa vào dục vọng tầm thường, băng hoại nhân cách cá nhân, xa vào lối sống xa hoa, tham ô, tham nhũng, lãng phí, đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, Đảng, Nhà  nước chính là đã xem nhẹ, xa rời những chuẩn mực đạo đức với những biểu hiện cụ thể sau:
    Thư nhất,  những cán bộ chỉ muốn tìm cách chọn những công việc dễ, chọn vị trí chỗ tốt, né tránh những việc khó, đến những nơi thiếu điều kiện, khó khăn; ưa ngồi bàn giấy, không chịu khó tìm hiểu thực tế giải quyết các công việc liên quan đến đời sống trực tiếp của nhân dân; làm việc thiếu kế hoạch, thiếu mục tiêu, tư duy lối mòn, thủ cựu, thụ động, thiếu năng động sáng tạo, không chịu khó học hỏi, tìm tòi những cái mới, giá trị mới, cái đang hình thành, đang phát triển diễn ra trong thực tiễn chính là vi phạm chữ "cần".
    Thứ hai, những cán bộ ra những quyết định quản lý không hiệu quả, gây lãng phí, phô trương, hình thức, gây thất thoát nhiều tiền của, tài nguyên, công sức, nguồn lực tài chính của đất nước, của nhân dân, chính là vi phạm chữ "kiệm".
    Thứ ba, cán bộ tham lam tiền tài, địa vị, danh lợi; tư duy, hành động, mục đích, động cơ không trong sáng tư lợi; lấy của công làm của tư; dùng địa vị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho để trục lợi cho cá nhân, gia đình, thân tộc của mình, chính là vi phạm chữ "liêm".
    Thứ tư, cán bộ hiểu luật pháp, hiểu quy định, nguyên tắc của tổ chức nhưng cố tình tìm kẽ hở của luật pháp, quy định của tổ chức để lách luật, bẻ cong sự thật, bao biện, bao chen, gian dối, không trung thực, nói một đằng, làm một nẻo đó là vi phạm vào chữ "chính".
    Thứ năm, việc làm, tư duy, hành động trong quá trình xem xét, đánh giá sự vật, sự việc, con người thiếu công tâm, khách quan, thiếu trách nhiệm, không tôn trọng sự thật; tính toán, so đo, sợ thua thiệt, làm việc gì cũng chỉ nghĩ tới tư lợi cho cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, tổ chức, cộng đồng, quốc gia đó là vi phạm nguyên tắc "chí công vô tư".
    Để xây dựng, rèn luyện, thực hành được những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh cũng đề cao việc chống "chống chủ nghĩa cá nhân". Chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân, vừa là biểu hiện của tình trạng phai nhạt về lý tưởng, xa rời về lập trường chính trị, biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức, của lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hẹp hòi, thu vén cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng; căn bệnh của "tư duy nhiệm kỳ", lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, dung túng, bao che, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, tiếp tay các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước; nguyên nhân của các hành vi tham nhũng, lãng phí, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm gây mất đoàn kết trong nội bộ tổ chức, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân; nguyên nhân làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo Báo cáo Kết luận 21 ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Trung ương về thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hệ thống chính trị, kiên quyết đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa đã chỉ rõ: Từ năm 2016 đến năm 2020 có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bị xử lý kỷ luật, chiến 0,5% tổng số đảng viên. Trong đó hơn 15.000 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, chiếm 60%, 8.200 đảng viên suy thoái về tưởng chính trị chiếm 33%, 1.700 đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hóa chiếm 6,9% ; về suy thoái tư tưởng chính trị, 6.800 đảng viên không chấp hành nghiêm các quy tắc kỷ luật của đảng, xa xút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái kém hiệu quả, 497 đảng viên nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
    Trước tình hình đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng phẩm chất đạo đức cán bộ trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc học tập và  rèn luyện những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư lúc này càng trở nên quan trọng và cần thiết trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong điều kiện hiện nay./.

 ThS. Trần Thị Thu Hồng
Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
 
 
 
 


[1] Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần nói chuyện với học sinh khi đến thăm khu Việt Nam học xá

Những tin cũ hơn

Những tin mới hơn

 
circle-japan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG ĐÌNH GIONG TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Phường Hòa Chung, Thành Phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 026.3852.864 - 026.3759.488 -  Email: truongcthoangdinhgiong@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: (Bà) Trịnh Thị Ánh Hoa , Hiệu trưởng.
Ghi rõ nguồn (www.truongchinhtri.caobang.gov.vn) khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.